Thành Cát Tư Hãn là Khả Hãn Mông Cổ, người sáng lập đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á vào năm 1206.
Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt là người thống nhất Trung Hoa và lập ra nhà Nguyên. Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á – Âu đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán.
Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo khi sẵn sàng thảm sát toàn bộ những người không chịu quy phục.
Vậy Thành Cát Tư Hãn vĩ đại như thế nào? Dưới đây là 10 thành tựu lớn nhất trong cuộc đời Thành Cát Tư Hãn.
Thứ nhất, Thành Cát Tư Hãn tạo ra đế chế lớn nhất. Đế quốc Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn sáng lập có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Đế quốc Mông Cổ ở giai đoạn cực thịnh có diện tích hơn 45 triệu km2, phía đông trải dài tới bán đảo Triều Tiên, phía tây tới Ba Lan, Hungary, phía bắc tới Công quốc Nga và phía nam tới đảo Java, Indonesia. Đế quốc Mông Cổ khi đó có diện tích lớn gấp khoảng 4 lần Trung Quốc ngày nay, chiếm 1/5 dân số thế giới thời bấy giờ.
Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn là người chinh phạt vĩ đại hơn bất cứ ai khác trong lịch sử. Thành Cát Tư Hãn phát động cuộc chinh phạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Ông và các hậu duệ đã thống lĩnh 300.000 quân Mông Cổ, chinh phạt đông và tây suốt 50 năm, tiêu diệt hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thống trị 720 dân tộc, tiêu diệt hơn 10 triệu quân đối địch, cai quản vùng đất có tổng dân số lên tới 600 triệu người.
Thứ ba, Thành Cát Tư Hãn là người thành lập mạng lưới liên lạc truyền tin sớm nhất, gọi là hệ thống các dịch trạm.
Quân Mông Cổ chinh phạt khu vực rộng lớn, cần thông tin liên lạc thông suốt và nhanh nhất giữa quân viễn chinh và đại bản doanh.
Các dịch trạm được tính toán sao cho thông tin được người và ngựa chuyển đi thông suốt, không ngừng nghỉ, giống như “truyền với tốc độ mũi tên”. Với mạng lưới này, thông tin có được truyền đi có thể xa tới hàng trăm km mỗi ngày, đảm bảo kịp thời truyền đạt mệnh lệnh tới lực lượng chiến đấu. Ước tính số dịch trạm dưới thời Thành Cát Tư Hãn lên tới 1.300.
Thứ tư, Thành cát Tư Hãn là người sáng tạo nên chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng, trong thời đại chỉ có vũ khí lạnh.
Quân đội Mông Cổ dựa vào sự cơ động của ngựa, tấn công như vũ bão. Trong phần lớn các trận chiến, Thành Cát Tư Hãn đều vận dụng chiến thuật tập kích táo bạo, đánh bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh. Chiến thuật này được gọi là chiến tranh chớp nhoáng và vẫn còn hiệu quả đến ngày nay.
Thứ năm, Thành Cát Tư Hãn là người tạo ra lực lượng công thành đầu tiên trên thế giới. Năm 1220, trong chiến dịch xâm lược đế quốc Khwarezmia, Thành Cát Tư Hãn đưa vào trận chiến 3.000 nỏ bắn tên, 300 máy bắn đá, 4.000 cầu thang cùng các xe công thành, xe phá tường thành, thậm chí cả vũ khí thổi ra lửa.
Các lực lượng công thành còn lập nhiều chiến công trong các cuộc chinh phạt sau này ở đất nhà Kim, Tây Hạ, nhà Tống, Đại Lý và nhiều nơi khác.
Thứ sáu, Thành Cát Hãn là người đầu tiên huy động toàn bộ nội lực của quốc gia. Một trong những nguyên nhân khiến đế quốc Mông Cổ trở nên hùng mạnh là nhờ sự hợp nhất giữa con người và quân sự.
Bất kì người bình thường nào ở Mông Cổ cũng phải biết cách chiến đấu và bất kì binh sĩ nào cũng tham gia chăn thả gia súc, sản xuất trong thời bình. Đó cũng là đặc điểm khác biệt của xã hội Mông Cổ so với các đế quốc phong kiến khác cùng thời.
Thứ bảy, Thành Cát Tư Hãn là nhà lãnh đạo đầu tiên áp dụng lối tư duy cởi mở và sáng tạo, không quan trọng là người Hán ngay tộc người khác, miễn là có tài thì sẽ được trọng dụng. Các tướng lĩnh bên cạnh Thành Cát Tư Hãn đều là người cực kỳ trung thành.
Thành Cát Tư Hãn cũng không toàn quyền quyết định một cách độc đoán. Các việc quan trọng đều được đem ra thảo luận công khai với các thủ lĩnh bộ lạc.
Thứ tám, Thành Cát Tư Hãn là người giàu nhất trong lịch sử thế giới. Đế quốc Mông Cổ ở giai đoạn cực thịnh trải dài ở khu vực Á-Âu, đất đai nhiều vô kể. Đội quân Mông Cổ tiến hành chiến tranh kiểu cướp bóc, tài sản thu về đều được coi là thuộc sở hữu của Khả Hãn.
Có thể nói, Thành Cát Tư Hãn là người giàu nhất nếu xét trên quy mô lãnh thổ kiểm soát, bao gồm cải cướp bóc và sản xuất trên phạm vi lãnh thổ đó.
Dân gian đồn rằng, của cải trong lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đủ để người Mông Cổ ăn tiêu trong 300 năm. Tuy vậy, vị trí lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Thứ chín, Thành Cát Tư Hãn là người được tôn thờ với quy mô lớn nhất và lâu nhất thế giới. Kể từ thời nhà Nguyên, các hoạt động thờ tự và tưởng nhớ Thành Cát Tư Hãn diễn ra rộng rãi. Các hoạt động này đến nay vẫn được người Mông Cổ duy trì, được coi là điều hiếm thấy trong lịch sử.
Thứ mười, Thành Cát Tư Hãn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Con cháu của Thành Cát Tư Hãn cai trị nhiều vùng đất trên thế giới, đặc biệt là phương Tây trong suốt 250 năm.
Thành Cát Tư Hãn cả đời tham gia hơn 60 trận chiến, hầu hết đều giành chiến thắng. Thành tích mà hiếm ai có thể đạt được, theo Sohu.