Nổi danh khắp showbiz Hoa ngữ, Châu Tinh Trì rất ít khi đóng quảng cáo vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh dày công xây dựng nhiều năm qua.
Đóng quảng cáo là một một phương thức đơn giản, nhanh chóng vừa giúp nghệ sĩ Trung Quốc kiếm bộn tiền vừa phổ biến hình ảnh của mình, thu được danh tiếng mà không mất phí. Tuy nhiên, không phải ngôi sao nào cũng mặn mà với việc trở thành người đại diện cho các thương hiệu. Châu Tinh Trì là tên tuổi tiêu biểu.
40 năm trong nghề, dù nhận được không ít những lời mời béo bở từ các nhãn hàng, song Tinh gia chỉ đóng vỏn vẹn 3 quảng cáo.
3 quảng cáo để đời
Thập niên 1980-2000, tên tuổi của Châu Tinh Trì dần bứt phá, thống trị thị trường điện ảnh Hoa ngữ sau nhiều năm lăn lộn trong giới giải trí với các vai quần chúng.
Gương mặt điển trai, khả năng gây cười thông qua ngôn ngữ hình thể và là ngôi sao đang trên đà thăng tiến, chiếm được nhiều tình cảm của công chúng giúp Tinh gia trở thành cái tên được nhiều nhãn hiệu nổi tiếng săn đón, mời làm người đại diện. Tuy nhiên, nam diễn viên lại từ chối hầu hết hợp đồng quảng cáo được gửi đến tận tay.
Châu Tinh Trì lần đầu đóng quảng cáo ở tuổi 32.
Mãi đến năm 2001, Châu Tinh Trì mới lần đầu nhận lời quay TVC quảng cáo sản phẩm mới – trà Long Tỉnh đóng chai cho thương hiệu đồ uống nổi danh tại Trung Quốc Hangzhou Wahaha. Thời điểm đó, Wahaha đã bỏ ra một khoản tiền không dưới 8 con số để mời Tinh gia “xuống núi”.
Đúng như dự đoán, chiến dịch quảng cáo có sự góp mặt của tài tử Hong Kong đã giúp doanh số bán hàng của nhãn hiệu đồ uống này tăng vọt. Tận dụng sức ảnh hưởng rộng khắp của Châu, Wahaha thậm chí còn chấp nhận bị phạt một số tiền không nhỏ để chiếu TVC của mình trên sóng nhà đài xứ Cảng thơm với mục đích tăng giá trị thương nghiệp, dù trước đó chỉ đăng ký giấy phép ở thị trường Đại lục.
Cùng năm, nam đạo diễn Mỹ nhân ngư tiếp tục ký hợp đồng quảng cáo máy học ngoại ngữ với thương hiệu điện tử BBK. Công ty này đã không tiếc tiền mời Châu Tinh Trì và La Gia Anh quay video quảng bá cho nhãn hàng của mình. Nội dung ý tưởng của TVC lấy cảm hứng từ bộ phim Đại thoại Tây du của Tinh gia.
Họ Châu vào vai Tôn Ngộ Không bảo vệ “Đường Tăng” La Gia Anh sang Tây Trúc thỉnh kinh. Để đến được Tây Thiên, họ phải đi qua nhiều quốc gia, mỗi quốc gia có một ngôn ngữ riêng. Do không biết ngoại ngữ nên cả hai thầy trò gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp. Bí bách ”Mỹ Hầu vương” Tinh gia nhổ một sợi lông cứu mạng Bồ Tát ban cho phía sau gáy và biến ra máy học ngoại ngữ BBK.
Máy học ngoại ngữ do Tinh gia quảng cáo từng là sản phẩm cháy hàng ở Trung Quốc những năm 2000. |
Đoạn quảng cáo hài hước của cả hai ngôi sao thu hút sự chú ý của công chúng. Lúc bấy giờ, ngoài điện thoại, dòng máy học ngoại ngữ là thiết bị điện tử chiếm lĩnh giới học sinh – sinh viên tại Trung Quốc.
5 năm sau, Châu Tinh Trì phá lệ trở thành đại sứ thương hiệu đầu tiên của dòng nước ngọt tại Trung Quốc. Tài tử Hong Kong được trả thù lao hơn 1 triệu USD. Sau khi hoàn tất hợp đồng làm người phát ngôn cho hãng này, Châu Tinh Trì không còn xuất hiện trong bất kỳ TVC quảng cáo nào.
Sự toan tính của Tinh gia
Châu Tinh Trì dù chỉ làm người đại diện cho 3 thương hiệu, nhưng hai tập đoàn nội địa là Hangzhou Wahaha và BBK đều phát triển hưng thịnh, trở thành những doanh nghiệp top đầu ở Trung Quốc.
Thành lập từ năm 1987 đến nay, Wahaha vẫn là tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất Trung Quốc và đứng thứ 5 thế giới. Lợi nhuận hàng năm thương hiệu này luôn vượt ngưỡng 6 tỷ USD. Tập đoàn điện tử BBK hiện đã phát triển thành 2 nhãn hiệu điện thoại nổi tiếng, có doanh số tiêu thụ đứng đầu thị trường nội địa.
Châu Tinh Trì đóng quảng cáo với mục đích nâng cao sức ảnh hưởng của mình.
Theo Kknews, năm xưa sở dĩ Châu Tinh Trì nhận lời đóng quảng cáo không chỉ vì thù lao cao ngất ngưởng mà còn có mục đích sâu xa phía sau. Từ năm 1994, nghệ sĩ Hong Kong có xu hướng sang Đại lục phát triển, Tinh gia cũng nằm trong số đó.
Thế nhưng, sự thảm bại phòng vé của Đại thoại tây du phần 1,2 ở thị trường Hương Cảng đã kéo tên tuổi của ông đi xuống khiến sự nghiệp chững lại đáng kể. Một thời gian sau, băng đĩa lậu phim của Châu Tinh Trì tràn vào Đại lục đã giúp hâm nóng phần nào tiếng tăm đã nguội lạnh của nam đạo diễn.
Chính vì vậy, vào năm 2001, khi chuẩn bị khởi quay bộ phim Tuyệt đỉnh Kung Fu, Tinh gia quyết định đóng liên tục 2 TVC quảng cáo để nâng cao tần suất xuất hiện trước công chúng cũng như giúp ông gây chú ý, thúc đẩy tên tuổi phát triển trước khi phim mới ra mắt.
Đến năm 2004, ở thời kỳ danh tiếng đã lên đến đỉnh cao, Tuyệt đỉnh Kung Fu do Châu Tinh Trì làm đạo diễn, biên kịch kiêm đóng chính thành công vang dội, đạt doanh thu hơn 100 triệu USD toàn cầu. Tác phẩm được tạp chí Time chọn là một trong 10 phim hay nhất năm đó và có vinh dự giành giải Bộ phim điện ảnh xuất sắc ở LHP uy tín Kim Tượng, Kim Mã.
Lý giải về việc tại sao tài tử Hong Kong không nhận lời làm đại sứ thương hiệu. Theo 163, việc nhận lời đóng quảng cáo không phải là chuyện dễ dàng khi tên tuổi và hình ảnh Châu Tinh Trì đã ở một vị thế nhất định trong lòng công chúng.
Tinh gia sống bằng cái danh của mình. Vì vậy, nếu chẳng may vướng phải một scandal bắt nguồn từ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mình làm đại diện, hình tượng mà ông đã cất công xây dựng hàng chục năm có thể phá vỡ chỉ trong chớp mắt. Cho nên, nam đạo diễn không dại dột, mạo hiểm nhận quảng cáo sản phẩm đại trà.
Hơn nữa, theo QQ, Châu Tinh Trì không thích người khác thương mại hình ảnh của chính mình nên đã cự tuyệt phần lớn các hợp đồng quảng cáo.