“Ai cũng mong mình giàu có hơn cả. Tôi ước mơ trở thành tỷ phú đô-la cơ đấy (cười lớn). Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tại thì tôi đang phải làm tròn trách nhiệm của người bố. Vì thế, tôi phải cố gắng cân bằng giữa việc kinh doanh và chăm sóc gia đình. Ước mơ tỷ phú có thể đến hoặc không đến cũng chẳng sao. Bởi với những gì đã có ở hiện tại, tôi hài lòng, hạnh phúc” – NTK Đỗ Mạnh Cường chia sẻ.
Có lẽ không nhiều người biết, tôi vốn thích ngành báo chí. Không may, thi tới 3 lần đều trượt. 3 năm để theo đuổi một giấc mơ, hẳn cũng nói thay được niềm yêu thích của tôi với lĩnh vực này. Tuy nhiên, nghề đã không chọn tôi.
Bước đầu chạm ngõ trường đời, trải nghiệm này không hề dễ chịu. Nhưng không ai có thể tiến về phía trước nếu cứ chôn chân trong nỗi buồn. Rồi tôi thi vào ngành mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và đậu. Có lẽ, đây là cơ duyên đưa tôi đến con đường của cái đẹp.
Năm thứ hai đại học, tôi muốn thay đổi môi trường sống và học tập nên xin gia đình sang Pháp du học. Quyết định này đã trở thành bước ngoặt để tôi bước sang lĩnh vực thời trang. Sang Pháp, tôi có dịp tiếp xúc nhiều với các thương hiệu lớn. Trong những lần rảo bước trên đường phố, được nhìn người Pháp ăn mặc, tôi dần nảy sinh tình cảm với thời trang và chuyển sang học ngành này.
Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản là cứ trải nghiệm đi, vì bản thân còn trẻ. Nhưng càng đi, tôi lại càng thấy nhiều điều thú vị. Có thể nói đây là quyết định đúng đắn nhất của tôi lúc bấy giờ. Thời trang không phải là lựa chọn ban đầu, nhưng là lựa chọn cuối cùng đồng hành suốt cuộc đời tôi.
Thời điểm đó, mẹ tôi sống và làm việc tại Mỹ. Nhờ đó, tôi có nguồn tài chính ổn để theo đuổi việc học thời trang. Mẹ tôi quan niệm con đường học vấn là tốt nhất để có tương lai tươi đẹp. Bà luôn động viên các anh chị em tôi cố gắng học tập. Anh em chúng tôi vẫn lấy mẹ làm tấm gương để làm việc, lao động, nỗ lực không ngừng.
Xem thêm: Doanh nhân Thu Thuỷ xúc động với những lời chúc mừng tuổi mới
Ban đầu, mẹ chỉ nghĩ tôi theo học ngành thời trang, rồi có một tiệm may nho nhỏ ở một góc phố, chứ không nghĩ tôi sẽ trở thành NTK có ảnh hưởng như hiện tại. Mãi tới khi về Việt Nam, ngồi trong show diễn, nhìn con trai thành công, mẹ tôi mới tin đó là sự thật.
Ngày ấy, sinh viên Việt Nam đi du học thường chọn làm thêm, phổ biến nhất là phục vụ nhà hàng để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi ăn mặc rất nghệ sĩ, đôi khi trông quái lạ. Nhìn vào, người đối diện dễ dàng nhận ra rằng người này chỉ phù hợp với thời trang, nghệ thuật. Tôi có gương mặt khá lạnh lùng, ít thể hiện tình cảm, sự gần gũi ra bên ngoài. Nhiều người gặp tôi lần đầu có cảm giác sợ sệt, dẫu tôi không làm gì họ. Đây cũng chính là điểm khiến tôi khó thể đi làm thêm, với một công việc đặc thù cần sự thiện cảm, gần gũi.
Thay vào đó, tôi cố gắng chăm chỉ học tập. Chẳng hạn, thầy yêu cầu nộp 10 mẫu cho buổi học hôm sau thì đêm đó, tôi sẽ vẽ ra 100 mẫu. Tôi gây chú ý bởi sinh viên Á Đông ít ai làm như vậy. Thói quen nghĩ và làm thật nhiều theo tôi tới tận khi thành công. Show diễn của tôi lúc nào cũng gồm 4 phần từ 100 đến 150 mẫu.
Rồi thành quả đầu tiên cũng tới. Tôi nằm trong số 20 sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất ngành thời trang của trường Chambre Syndicale De La Couture Parisienne. Đó cũng là cách đền đáp xứng đáng nhất cho những hy sinh của mẹ.
Năm 2007, tôi về Việt Nam và trình diễn BST trong chương trình Đẹp Fashion Show, một thương hiệu có tiếng thời bấy giờ. BST mang tên Cô đơn, với tông màu đen làm chủ đạo. Tôi muốn thể hiện sự cô đơn đằng sau hào quang của nghệ sĩ, và ngay cả trong chính tâm hồn mình. BST gây được tiếng vang.
Thời điểm đó, tôi vẫn là sinh viên, đang thực tập sinh cho Christian Dior tại Pháp. Tôi dự định sau khi trình diễn xong, sẽ trở lại Pháp để tìm cơ hội làm việc và chưa từng nghĩ đến việc về Việt Nam để phát triển. Tôi làm hết mình, chơi hết sức với show diễn lần đó.
Một người trẻ, chưa có gì trong tay thì đâu có gì phải sợ. Giờ đây khi đã thành công, lắm lúc tôi lại thèm cảm giác được trẻ lại, được liều lĩnh như thời điểm đó. Nhưng rất tiếc, ai trong chúng ta cũng chỉ có một thời thanh xuân mà thôi.
Nhưng rồi, một nhân duyên tới đã khiến mọi dự định của tôi “quay xe” vào phút chót.
Tôi gặp anh Huy Cận khi tham dự show Lam xưa của Diva Thanh Lam tại Hà Nội. Theo lời anh Huy Cận kể lại, ban đầu anh ấn tượng với tôi về cách ăn mặc. Sau đó, qua trò chuyện, anh hiểu hơn và cảm thấy thích thú với cá tính của tôi. Đặc biệt, khi nghe về BST Cô đơn, anh ấy lại thích ý nghĩa của nó và tình cảm tôi đặt vào bên trong đó.
Tôi và anh Huy Cận giống nhau ở chỗ sống tình cảm, nhưng anh ấy biết thể hiện ra ngoài, để người đối diện cảm nhận được, còn tôi thì không. Cũng vì lẽ đó, anh Huy Cận luôn tạo cho người đối diện cảm giác gần gũi, an tâm ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ.
Thời điểm đó, anh ấy đang kinh doanh lĩnh vực ẩm thực, rất thành công với thương hiệu Bún Ta, nổi danh hai miền. Các cửa hàng đều được trang trí rất đẹp, bởi anh ấy cũng yêu thích thời trang. Anh ấy khuyên tôi về Việt Nam mở thương hiệu thời trang. Với một sinh viên sắp ra trường, việc này dường như quá sức.
Ban đầu, tôi có ý định quay lại Pháp, tiếp tục con đường đi làm cho các nhà mốt lớn bởi bấy giờ. Tuy nhiên, sau thành công của show Cô đơn, tôi đã bắt đầu bán được quần áo. Ca sĩ Đoan Trang đã chi tới 5.000 USD để mua váy trong BST này vì quá yêu thích, dẫu có những thiết kế đến hiện tại chị vẫn chưa mặc.
Ca sĩ Tùng Dương cũng là một trong những người nổi tiếng đầu tiên mua trang phục của tôi khi còn là sinh viên. Một nghệ sĩ nổi tiếng ở Úc còn lặn lội sang mua chiếc váy 3.000 USD nữa. Những thành công bước đầu đó khiến tôi tự tin hơn.
Cùng với sự hỗ trợ hoàn toàn từ anh Huy Cận, tôi chọn về Việt Nam, để bắt đầu xây dựng con đường thời trang mang tên Đỗ Mạnh Cường.
Tôi tin cuộc đời có những sự sắp đặt sẵn. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và anh Huy Cận cũng như thế.
Một trong những điều giúp tôi và anh Huy Cận gắn bó lâu bền là sự phân tách vai trò rõ ràng ngay từ đầu. Anh Huy Cận sẽ lo về việc kinh doanh, điều hành thương hiệu, còn tôi sẽ lo việc sáng tạo.
Muốn đoạn đường đi bền vững, ta cần một người đồng hành đáng tin cậy và tài năng. Khoản này, tôi may mắn khi có anh Huy Cận kề vai sát cánh trong nhiều năm qua. Sự hợp tác ấy phải tồn tại dựa trên tinh thần tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, để thương hiệu Do Manh Cuong mang bản sắc như hiện tại, anh Huy Cận cũng đã có sự góp sức không nhỏ.
Thời gian đầu, tôi chỉ sáng tạo theo ý thích mà quên đi rằng thương hiệu muốn tồn tại, phát triển phải phục vụ được khách hàng. Anh Huy Cận sớm nhận ra điều này và góp ý để tôi điều chỉnh. Anh tạo nhiều cơ hội cho tôi tiếp xúc với những doanh nhân, tầng lớp thượng lưu hay lui tới các nhà hàng, từ đó nắm bắt nhu cầu, mong muốn của họ để điều chỉnh hướng đi cho phù hợp. Họ có thể sở hữu bất kỳ thiết kế nào từ Louis Vuitton, Chanel, Gucci… nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được trang phục phù hợp. Tôi quyết tâm, phải mang tới những thiết kế mà khách hàng của mình mặc đẹp, chứ không đơn thuần là một thiết kế đẹp.
Tôi xác định, sự tối giản, thời thượng, nữ tính, sang trọng sẽ là 4 đặc điểm nổi bật nhất khi nhắc đến bản sắc của Đỗ Mạnh Cường. Khi mọi việc đã vào guồng, tôi tập trung làm tốt khâu sáng tạo. Quá trình khởi nghiệp của bất cứ ai cũng vô cùng khó khăn, nhưng có lẽ, so với các NTK khác, tôi đã được “vô chung kết” sớm hơn.
Ban đầu, anh Huy Cận tạo điều kiện cho tôi mở một cửa hàng với diện tích vừa vặn nằm trên lầu của một villa ở đường Sương Nguyệt Anh, Q.1, có tên B&F. Chính là Bún và Fashion. Đây cũng là cơ sở kinh doanh của anh ấy. Một nơi vô cùng sang trọng, tới mức, nhiều ngôi sao và fashionista bấy giờ không dám lui tới vì quá đẹp. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng phải liên hệ với anh Huy Cận để có thể chụp hình tại đây.
Cửa hàng có tông màu trắng, đen làm chủ đạo. Đây cũng là 2 màu chính yếu của trang phục trong cửa hàng lúc bấy giờ. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của anh Huy Cận về vốn, tôi có được sự thoải mái để tập trung hết sức cho việc thiết kế.
Sau này, có dịp nhắc lại chuyện xưa, anh Huy Cận nói ngày đó anh chỉ nghĩ đơn giản nếu việc kinh doanh thành công thì xem như có thể giúp đỡ một người trẻ có năng lực – điều anh luôn tâm huyết trong sự nghiệp của mình. Nếu ngược lại, anh xem như khoản đầu tư ấy như tiền lương cho tôi. Với điều kiện kinh tế lúc bấy giờ, đây không phải là vấn đề lớn với anh ấy. Nhờ suy nghĩ thoáng, không đặt nặng vấn đề lợi ích có lẽ đã giúp lòng tin của chúng tôi lớn dần theo thời gian, không chịu bất kỳ áp lực nào.
Với con đường thời trang, sự khởi đầu của tôi có hai điều may mắn lớn. Thứ nhất, tôi được chọn quay đầu lại để bắt đầu học thời trang khi còn trẻ. Thứ hai là khi quay về Việt Nam gặp anh Huy Cận. Khi có một người bạn đồng hành đủ tốt, bạn có thể bước đi những đoạn đường dài với sự an tâm, tin tưởng tuyệt đối. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn biết ơn rất nhiều.
Cùng với sự khởi đầu may mắn đó, khách hàng nhanh chóng biết đến Đỗ Mạnh Cường nhiều hơn. Họ bắt đầu cần những trang phục có nhiều màu sắc hơn, thay vì trắng và đen. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến không gian chung cơ sở kinh doanh của anh Huy Cận. Vì thế, anh khuyên tôi tách ra độc lập. Cửa hàng “Do Manh Cuong” trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) cũng ra đời từ cột mốc này.
Với vị trí đẹp này, tiền thuê mặt bằng bấy giờ khá đắt. Chưa kể, khi thương hiệu phát triển quy mô sẽ thì cần thêm nhiều nhân công, nhân sự… Tiền vốn cứ như thế được tính theo cấp số nhân khiến tôi có chút băn khoăn. Nhưng không ngờ, chỉ sau hơn 1 tháng, tôi đã thu về số tiền rất lớn, đến mức không thể tin được. Số tiền ấy đủ chi trả chi phí mặt bằng, nhân công, đầu tư… trong vòng 2 năm. Khi đó, tôi mới thực sự an tâm để bước đi tiếp tục.
Mỗi năm trôi qua, giá trang phục của thương hiệu lại tăng lên 10%. Đến năm 2019, sản phẩm của Đỗ Mạnh Cường có giá khoảng 40-50 triệu đồng/thiết kế, đứng ngang hàng với nhiều thương hiệu lớn. Một chân váy “hot hit” Tăng Thanh Hà mặc có thể giúp tôi nhận thu về về 7 tỷ đồng. Ở đây, tôi không muốn nhấn mạnh về con số, mà chính là giá trị mà trang phục Đỗ Mạnh Cường mang lại và được khách hàng chấp nhận. Bài toán ban đầu anh Huy Cận đặt ra, với sự đồng lòng, chung sức chúng tôi đã tìm được lời giải.
Sau khoảng 5 năm, từ lúc trở về Việt Nam lập nghiệp, tôi có được 1 triệu USD trong tay. Cột mốc đáng nhớ nhất là việc tổ chức show diễn hoành tráng đầu tiên kỷ niệm 5 năm làm nghề mang tên The Muse. Ban đầu, tôi chỉ định thực hiện một show độc lập đơn giản, nhưng ý tưởng cứ đến và được phát triển thêm. Hơn hết, anh Huy Cận luôn ủng hộ cho việc này.
Tôi nhớ không nhầm ít nhất tôi đã chi 300.000 USD cho show diễn này. Khi được dùng tiền mình làm ra, để phục vụ cho một sản phẩm mang thương hiệu của mình, cảm giác rất khó tả. Đó là giấc mơ có thật. Tôi từng được xem những show diễn hoành tráng của những nhà mốt lớn và từng mơ sẽ có ngày được như thế. Chúng đã đến, sớm hơn dự kiến rất nhiều.
Số còn lại, tôi dành cho việc đầu tư bất động sản. Ngoài thời trang, đó là đam mê lớn của tôi.
Trong nghệ thuật nói chung, thời trang nói riêng, bản sắc là điều quan trọng hàng đầu, đôi khi quyết định sự tồn vong của một nghệ sĩ. Giữa muôn vàn trào lưu thay đổi qua từng năm, phong cách tối giản, màu sắc đặc trưng của Đỗ Mạnh Cường vẫn được yêu thích. Có những thiết kế được tôi giới thiệu cách đây hơn 10 năm, đến nay vẫn được yêu thích.
Ngoài ra, hãy luôn nghĩ, tin và làm những điều tử tế. Những show diễn của tôi dù ở đâu, quy mô ra sao đều vẫn chỉn chu. Vì thế, mọi người luôn đón nhận bằng tất cả tình yêu thương, sự trân trọng. Thực tế, không ai không từng thất bại, hoặc chí ít vấp ngã, nhưng từ đó ta học được gì để đứng lên mới quan trọng.
Trong kinh doanh, lợi nhuận luôn là điều hấp dẫn bất kỳ ai. Tôi cũng không ngoại lệ. Có một điều nghe hơi lý thuyết, nhưng luôn đúng: Trước khi muốn có tiền thì thương hiệu phải đủ mạnh, sản phẩm phải đủ tốt. Chẳng ai dại bỏ tiền để mua một sản phẩm tồi. Thời trang là lĩnh vực đặc thù cần sự thoải mái trong đầu óc, tâm hồn để sáng tạo. Vì thế, nếu vướng bận quá nhiều áp lực, chắc chắn tôi không thể làm việc tốt nhất có thể.
Tôi may mắn có được bệ đỡ khá vững từ anh Huy Cận nên đỡ lo về tài chính. Nhưng để chinh phục khách hàng bằng phong cách tối giản không phải chuyện dễ. Nhiều người thắc mắc vì sao đồ Đỗ Mạnh Cường trông chẳng có gì lại đắt đỏ ngang ngửa hàng hiệu. Một trang phục đẹp là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó tôi nhấn mạnh việc xử lý chất liệu, phom dáng, đường cắt may – cũng là hướng đi của các thương hiệu cao cấp. Thoạt nhìn, trang phục đơn giản nhưng cận cảnh đều khiến người mặc thích thú với những tiểu tiết được thực hiện kỳ công, tinh tế.
Làm người tiên phong để thay đổi ý thức, quan điểm cho một cộng đồng rộng lớn không đơn giản. Tôi khi, việc kiếm tiền không áp lực bằng dư luận, nhất là khi mình chọn cho bản thân và thương hiệu một lối đi riêng. Nhưng sự tồn tại và phát triển của thương hiệu và cái tên Đỗ Mạnh Cường một thập kỷ qua đã nói thay tất cả.
Trong cuộc đời, tôi vẫn luôn vào những mối nhân duyên. Cũng như với anh Huy Cận, việc được gặp bé Nhím với tôi là một nhân duyên lớn trong đời. Mà từ đó, mở ra nhiều quyết định táo bạo trong tôi, tạo nên nhiều bước ngoặt trong sự nghiệp và cả cuộc đời tôi.
Ở tuổi 39 tuổi, tôi là cha của 9 đứa con, nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi, lớn nhất mới gần 9 tuổi. Ước mơ của tôi còn lớn hơn con số này. Tôi trở thành người bạn của các bà mẹ bỉm sữa. Họ tìm tới với tôi, chia sẻ những vui buồn. Trong đó, có những bà mẹ mong được mặc trang phục do tôi thiết kế, nhưng điều kiện không cho phép.
Mỗi lần đọc được những dòng tâm sự như thế, tôi thấy vui, buồn lẫn lộn. Tôi luôn mong thiết kế của mình sẽ đến tay họ, sớm nhất có thể. Nhưng đây là bài toán không dễ giải, bởi để duy trì chất lượng, nhưng có giá thành mềm hơn là một thử thách.
Trước những tình cảm đó, tôi quyết định trong kỳ nghỉ tết từ mùng 1 đến mùng 10, tung ra bộ sản phẩm đang từ 20 triệu xuống còn 3, 4 triệu, như một món quà để tặng cho tất cả những người phụ nữ yêu mến mà chưa bao giờ được sở hữu đồ của Đỗ Mạnh Cường. Trong 10 ngày đó, doanh số bán ra hơn 2, 3 tỷ đồng. Tôi bất ngờ vì sự đón nhận của mọi người nồng nhiệt đến như thế, dẫu tôi chỉ chia sẻ trên Facebook.
Tôi và anh Huy Cận cũng nung nấu thành lập một doanh nghiệp dành cho các con. Đồng thời chúng tôi mong muốn từ lợi nhuận sẽ tiếp tục hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn khác. Chính các con sẽ nối dài hành trình này, cho đi thật nhiều hơn nữa. Quá nhiều điều thôi thúc chúng tôi cho ra đời SIXDO.
Show diễn hoành tráng vào tháng 10/2020 cùng với 30 cửa hàng trên cả nước đánh dấu mốc cho chặng hành trình mới.
Khi thương hiệu vừa ra mắt, số lượng đơn hàng nhảy theo cấp số nhân. Những tháng đầu, doanh thu của SIXDO vượt ngoài mong đợi. Một thương hiệu thông thường mất 2-3 năm, hoặc 5 năm để được nhận dạng thì SIXDO đã rút ngắn đáng kể. Tôi tin những điều tốt đẹp đi liền tâm thế làm việc, cống hiến tử tế luôn được đón nhận. Việc điều hành cùng lúc hiện tại 60 cửa hàng trên cả nước, cộng với áp lực trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đặt chúng tôi vào tình thế khá căng thẳng. Nhưng trong thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi vẫn nghĩ về những điều tốt đẹp gắn liền với SIXDO để cố gắng và vượt qua.
Không ai trong chúng ta tránh được quy luật sống còn, nhưng luôn có cơ hội để những điều tốt đẹp được ở lại.
Hiện, khách hàng của SIXDO bao gồm giới thượng lưu và trung lưu. Có hai lợi thế chúng tôi đang sở hữu. Thứ nhất, người thượng lưu sẽ mua trang phục SIXDO với số lượng nhiều hơn vì giá thành vừa phải. Trong khi đó, người trung lưu cũng dễ dàng tiếp cận sản phẩm của chúng tôi. Như thế, chúng tôi đã có một mảng thị trường rộng hơn. Nhưng đồng nghĩa khi đó, chúng tôi phải chịu sự cạnh tranh đến từ những thương hiệu có giá tương tự. Lúc này, bài toán cần giải lại phải quay về bản sắc. Điều gì họ chỉ có thể tìm thấy ở SIXDO mà không phải ở nơi nào khác. Câu hỏi này luôn thường trực trong chúng tôi để tạo ra những giá trị đặc biệt đó.
Để sản phẩm tiếp cận số đông, chúng tôi phát triển các kênh bán hàng online. Mô hình này cũng phù hợp với thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này cũng áp lực vô cùng vì đòi hỏi tăng nhân sự ở nhiều khâu. Việc phát triển SIXDO rộng khắp cả nước nhằm tiếp cận hết khách hàng tiềm năng đòi hỏi nguồn vốn lớn.
Trong đợt dịch vừa qua, khi các hoạt động giao thương ngưng trệ, sức mua giảm thực sự khiến chúng tôi áp lực. Nhưng không có cách nào khác bằng việc phải dối diện và vượt qua. Riêng SIXDO, chúng tôi đang tiến đến mục tiêu 100 cửa hàng trên cả nước, sau đó tiến ra thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Và tôi tin, bản thân sẽ làm được điều đó và tiến tới những nấc thang mới trong sự nghiệp.