Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng “mài” ra ăn được

Hay ý nghĩa sâu xa thực sự phía sau từ “kawaii” mà giới trẻ thường dùng và mối liên hệ của nó với chuyện ăn uống.

Trong bài báo “sức mạnh của sự đáng yêu” do giáo sư Joshua Paul Dale  (đại học Tokyo Gakugei) viết cho trang CNN, trường phái Kawaii Food/Cuisine (tạm dịch “Ẩm thực đáng yêu”) là một xu hướng mạnh mẽ trong chuyện ăn uống của người Nhật hiện đại.

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Kawaii Monster Cafe.

Bằng chứng là dạo một vòng quanh các thành phố lớn như Tokyo, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quán cà phê – nhà hàng nhỏ với tông màu pastel nhẹ nhàng, có nội thất được trang trí bởi ruy băng, nơ và các nhân vật hoạt hình đáng yêu cùng màu sắc bắt mắt. Đến cả văn hoá cơm hộp bento của Nhật Bản có từ thời xa xưa cũng phải chia ra một nhánh mang âm hưởng hiện đại là Kyaraben – Character bento, bao gồm những hộp cơm được tạo hình theo nhân vật hoạt hình hay thậm chí là nhân vật ngoài đời một cách dễ thương.

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 2.

Kyaraben – những chiếc bento tạo hình nhân vật đáng yêu.

Xuyên suốt các quán ăn, nhà hàng, tiệm bánh, quán cà phê dành cho giới trẻ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc bánh choux cream hình Totoro (từ anime Hàng xóm của tôi là Totoro), cơm omurice hình Pickachu (Pokémon) hay các món bánh pudding hình mèo Pusheen, Moomin, Hello Kitty…

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng "mài" ra ăn được - Ảnh 3.
Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng "mài" ra ăn được - Ảnh 3.

Có thể thấy, ẩm thực “kawaii” là xu hướng được yêu thích rộng khắp không phân độ tuổi, từ người lớn đến trẻ con. Theo như giáo sư Joshua Paul Dale, xu hướng này có lẽ là kết quả từ sự hiện đại hoá kết hợp với truyền thống “ăn bằng mắt” vốn có từ xa xưa của người dân xứ hoa anh đào.

Ý nghĩa thực sự của từ “kawaii”

“Kawaii”, theo như giáo sư Dale, là một từ có xuất xứ từ tầng lớp thấp của Nhật bản ngày xưa. Từ “kawaii” bắt đầu được sự dụng rộng rãi vào khoảng thế kỷ 19, cùng lúc chữ “cute (đáng yêu)” trong tiếng Anh du nhập vào. Trước giờ, người ta vẫn thường dịch kawaii như “cute” hay “đáng yêu”, cách dịch này tuy không sai nhưng không lột tả hết được sắc thái và ý nghĩa của chữ kawaii.

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 4.

Kawaii trong tiếng Nhật là một từ hoàn toàn không mang sắc thái tiêu cực, chỉ sự “hạnh phúc không kiềm nén được tìm thấy trong những sự vật, sự việc trong sáng, vô hại và đáng yêu”.

Sự kawaii trong ẩm thực Nhật Bản

Người Nhật đặt sự quan tâm bậc nhất lên mỹ cảm tìm thấy trong cách trình bày món ăn. Thậm chí, sự vui thú khi nhìn một món ăn đẹp mắt có khi cũng quan trọng bằng với hương vị thực sự của nó. Nhìn qua một loạt những yêu cầu sắp đặt trong trường phái Moritsuke (nghệ thuật sắp đặt bàn ăn Nhật Bản) sẽ thấy người dân xứ này để ý đến hình dạng món ăn, màu sắc, chất liệu của bát đĩa cho đến tỷ lệ khoảng trống trên đĩa. Đây có lẽ chính là tiền đề cho đam mê với các món ăn có hình dạng đáng yêu sau này của họ.

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 5.

Moritsuke – nghệ thuật sắp đặt bàn ăn của người Nhật.

Sự kawaii và mối liên kết của nó với chuyện ăn uống đã được đề cập tới trong văn học Nhật Bản từ rất lâu: khoảng 1000 năm về trước, tác giả Sei Shonagon đã viết về sự đáng yêu của ẩm thực trong quyển tuỳ bút lừng danh “Châm thảo tử (sách gối đầu)”, nhắc đến gương mặt dễ thương của trẻ con được vẽ trên một quả dưa hấu.

Đến giữa thời kì Edo (1603 – 1867), sự đáng yêu đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi trong ẩm thực. Lấy món kẹo đường Amezaiku làm ví dụ, chỉ là một món ăn đường phố, nhưng chính quá trình kéo, nắn các viên kẹo đầy màu sắc thành hình dạng dễ thương, xinh đẹp là điều thu hút người xem tụ tập đông nghịt.

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 6.

Nghệ thuật làm kẹo đường Amezaiku.

Sau thế chiến thứ hai, văn hoá kawaii trở lên hùng mạnh và mang theo định nghĩa rõ ràng hơn, cùng với sự xuất hiện và phát triển của truyện tranh manga, anime và các nhân vật hoạt hình như Hello Kitty. Văn hoá kawaii phủ sống rộng khắp Nhật Bản, từ những linh vật được thiết kế cho mỗi ga tàu điện ngầm cho đến các hộp cơm trưa.

Hơn cả xu thế, là một khái niệm có giá trị về mặt tinh thần và văn hoá

Ẩm thực Nhật Bản: khi sự đáng yêu cũng mài ra ăn được - Ảnh 7.

Kawaii tuy là khái niệm sinh sau đẻ muộn thuộc về văn hoá đại chúng hiện đại, nhưng nó cũng có chiều sâu và bổ trợ cho những giá trị có sẵn trong người dân xứ hoa anh đào. Nhật Bản là đất nước yêu cái đẹp và có thể tìm thấy cái đẹp trong hầu hết mọi thứ, dù là một khu vườn cát khô cằn, một nhánh cây quắt queo giữa trời đông lạnh giá (mỹ cảm từ sự xót xa cho những thứ mỏng manh không tồn tại lâu). Họ tin rằng cái đẹp có thể hướng tâm trí con người tới những điều tốt đẹp hơn và sự duy mỹ này thể hiện sâu sắc qua văn hoá ăn uống từ truyền thống đến hiện đại.

Mặt khác, kawaii cũng là cách để thể hiện tình yêu, qua cái cách những bà mẹ cẩn thận tỉa rong biển, cắt rau củ và ngồi suy nghĩ, thiết kế cho con cái một hộp cơm xinh xắn để chúng có thể ăn một cách vui vẻ ngay cả với những món chúng không thích. Nó cũng thể hiện qua cái cách mà hội con gái tỉ mẩn làm socola vào ngày Valentine để tặng những viên kẹo đáng yêu cho không chỉ “crush” hay bạn trai mà còn cả bạn bè, gia đình.