Theo South China Morning Post, ByteDance – chủ sở hữu TikTok – đã vượt qua Ant Group để trở thành kỳ lân (các startup được định giá trên 1 tỷ USD) lớn nhất thế giới, theo chỉ số kỳ lân toàn cầu 2021 của Viện Nghiên cứu Hurun (có trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc).
Trong số 1.058 kỳ lân trên toàn thế giới, Mỹ dẫn đầu với 487 kỳ lân, chiếm 46%. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 301 startup, chiếm 28%.
ByteDance sở hữu ứng dụng TikTok với 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu. Định giá của ByteDance tăng vọt gần 30% từ 270 tỷ USD hồi năm ngoái lên 350 tỷ USD.
Ant Group – chi nhánh của Alibaba, vận hành nền tảng thanh toán trực tuyến Alipay – được định giá 150 tỷ USD. Hồi tháng 11 năm ngoái, Ant Group đã bị các cơ quan quản lý Bắc Kinh yêu cầu hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Nhóm 10 kỳ lân lớn nhất thế giới |
|||||
Hạng | Tên công ty | Định giá | Quốc gia | Lĩnh vực | Năm thành lập |
1 | ByteDance | 350 tỷ USD | Trung Quốc | Truyền thông xã hội | 2012 |
2 | Ant Group | 150 tỷ USD | Trung Quốc | Công nghệ tài chính | 2014 |
3 | SpaceX | 100 tỷ USD | Mỹ | Hàng không vũ trụ | 2002 |
4 | Stripe | 95 tỷ USD | Mỹ | Công nghệ tài chính | 2010 |
5 | Klarna | 46 tỷ USD | Thụy Điển | Công nghệ tài chính | 2005 |
6 | Canva | 40 tỷ USD | Australia | Phần mềm dạng dịch vụ | 2012 |
7 | Instacart | 39 tỷ USD | Mỹ | Giao hàng | 2012 |
8 | Databricks | 38 tỷ USD | Mỹ | Big Data | 2013 |
9 | Cainiao | 34 tỷ USD | Trung Quốc | Logistics | 2013 |
10 | Revolut | 33 tỷ USD | Anh | Công nghệ tài chính | 2015 |
ByteDance vượt Ant Group
“Năm 2021 là năm thành công nhất đối với các công ty khởi nghiệp từ trước đến nay”, ông Rupert Hoogewerf – Chủ tịch kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu của báo cáo – nhận định.
10 kỳ lân lớn nhất chiếm 25% tổng giá trị của các kỳ lân trên thế giới (3.700 tỷ USD), theo báo cáo.
SpaceX – công ty hàng không vũ trụ do CEO Tesla Elon Musk thành lập vào năm 2002 – đã trở thành startup có giá trị thứ 3 thế giới. Công ty có trụ sở tại Los Angeles hiện được định giá 100 tỷ USD và là kỳ lân lớn nhất nước Mỹ.
“Điểm độc đáo của hệ sinh thái khởi nghiệp của Trung Quốc là khả năng tạo ra các kỳ lân của những tập đoàn công nghệ lớn”, ông Hoogewerf cho biết.
“49 trên tổng số 50 kỳ lân có khởi điểm là công ty con đều đến từ Trung Quốc”, ông Hoogewerf lấy ví dụ về việc Ant Group tách ra từ Alibaba hồi năm 2014.
Công ty logistics Cainiao – một công ty con khác của Alibaba – được định giá 34 tỷ USD và xếp thứ 9 trong danh sách. Cainiao là công ty Trung Quốc thứ 3 nằm trong nhóm 10 kỳ lân giá trị nhất thế giới.
Trong những tháng qua, chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay trấn áp các gã khổng lồ Internet của đất nước. Hồi tháng 4, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma chịu mức phạt kỷ lục 18 tỷ NDT (2,7 tỷ USD).
Xem thêm: Giải mã ý nghĩa các bộ trang phục Đỗ Thị Hà chinh chiến tại Miss World
Ảnh hưởng từ cuộc trấn áp của Bắc Kinh
Kể từ đó tới nay, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra một loạt quy định từ vấn đề độc quyền đến bảo mật dữ liệu.
Didi Chuxing – kỳ lân xếp thứ 3 trong chỉ số kỳ lân toàn cầu năm 2020 – là một trong những gã khổng lồ Internet bị Bắc Kinh nhắm vào.
Hồi đầu tháng 12, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ và bắt đầu bán cổ phiếu ở Hong Kong. Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ).
Didi gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi IPO thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD.
Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Gã khổng lồ gọi xe Didi bị rơi khỏi nhóm 10 startup được định giá cao nhất. Ảnh: Reuters. |
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã hoàn thiện các quy tắc cho phép cơ quan này xóa sổ những doanh nghiệp nước ngoài từ chối giao sổ sách cho SEC.
Trong nhiều năm, Trung Quốc từ chối để các cơ quan quản lý nước ngoài kiểm toán những doanh nghiệp trong nước. Lý do phía Bắc Kinh đưa ra là lo ngại an ninh quốc gia.
Gần đây, Financial Times cũng đưa tin danh sách đen sắp được chính quyền Trung Quốc công bố có thể gây khó cho các startup công nghệ muốn huy động vốn nước ngoài.
Danh sách sẽ bao gồm những công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực nhạy cảm, chẳng hạn những lĩnh vực liên quan đến sử dụng dữ liệu hoặc gây ra lo ngại về an ninh quốc gia.