Bánh xèo là một món ăn rất dân dã của con người vùng sông nước, miệt vườn. Nói đến cách làm của món bánh xèo thì phải nói là hết sức cầu kỳ. Để bánh được ngon cần phải sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên như bột gạo, tôm, thịt, giá đỗ, hành… và còn rất nhiều thứ khác để khiến chiếc bánh được ngon và hấp dẫn hơn. Chính vì độ khó làm của nó mà còn là một món ăn quá ư bình dị nên chẳng mấy ai được nổi tiếng nhờ vào món bánh này. Tuy nhiên ngày nay, hễ nhắc đến bánh xèo là nhớ ngay đến tên “bà Mười Xiềm”, một cái tên như để nhắc đến món bánh xèo truyền thống xa xưa. Nhờ tài nghệ khéo léo và đổ bánh thơm ngon của mình, bà Mười Xiềm vinh dự có tên trong 39 nghệ nhân trên khắp mọi miền đất nước được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) chọn đi tham gia lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra tại Mỹ từ ngày 23-6 đến 9-7-2007. Cũng từ sau chuyến xuất ngoại này, nhiều người biết đến món bánh xèo của bà và món bánh xèo không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Ở miền Tây, bánh xèo gắn liền với tục lệ văn hóa tâm linh, nhất là ngày Tết nữa năm (Mùng 5 tháng 5 âm lịch) người miền Tây thường làm bánh xèo để mừng tết. Về miền Tây dịp Tết nửa năm, hầu như ghé qua nhà nào ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đĩa bánh xèo vàng rực được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên. Chẳng ai hiểu được lý do vì sao, ở miền Tây cứ mùng 5 tháng 5 là có bánh xèo.
Tôi nghĩ rằng họ đồng cảm nghĩ với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trích trong Bánh trái mùa xưa: “Cực mà vui. Chỉ là không biết giải thích làm sao với người khác niềm vui sướng khi lấy từ khuôn chảo nóng rực ra những cái bánh thơm lừng, ngui ngút khói…” Nên cứ được dịp là tụ họp nhau đổ bánh xèo!
Thật vậy, cứ được dịp là người miền Tây tụ họp nhau đổ bánh xèo.
Ngày xưa, mỗi dịp đổ bánh xèo, các bà các mẹ quay quần lại trên một bộ vạt lớn. Mỗi người một tay, xay bột, trộn bột, làm nhưn bánh, lặt rau… Nhìn cái bánh xèo làm ra có vẻ đơn giản, nhưng muốn ngon cực kỳ tốn công chuẩn bị. Từ khâu xay bột, trộn bột sao cho khéo, đến việc làm nhưn bánh, hái rau, mần nước mắm…Nước mắm để ăn bánh xèo cũng rất quan trọng, làm sao vừa đủ mặn, vừa đủ ngọt, có chút vị chua, vị cay của ớt bằm… Nước mắm ăn bánh xèo miền Tây phải là nước mắm tỏi ớt chua chua ngọt ngọt. Thì ăn mới đúng vị bánh xèo miền Tây.
Muốn làm bánh xèo, phải lựa trước gạo ngon để chuẩn bị xay bột. Gạo hơi cũ, được xem là gạo ngon để làm bột bánh xèo, vì gạo mới thường làm bánh bị nhão, không ngon. Lựa được gạo thì phải ngâm gạo trước một đêm. Hôm sau mới lấy gạo xay bằng cối đá. Bột xay rồi được bồng lại trong bao (bồng bột), đặt trong thau, dằn bên trên mấy tấm thớt nặng để ra cho hết nước, trước khi lấy ra quậy thành bột bánh- công đoạn này mất cả ngày. Tiếp theo phải nạo dừa, vắt nước cốt, xắt hành… chuẩn bị bột nghệ để trộn bột. Bột trộn ngon phải đủ độ béo, độ mặn ngọt, bột không nhão, không khô.
Nhưng bánh xèo: nhưng bánh xèo được làm tùy vào đặc sản địa phương, hay sở thích. Có bánh xèo nhưn tép đồng, bánh xèo nhưn vịt xiêm, bánh xèo củ hủ dừa, hay tôm thịt….
Cuối cùng, đặc biệt nhất là rau ăn với bánh xèo miền Tây. Nó bao gồm vô số loại rau sống dễ dàng hái được ngay sau vườn. Một số loại rau đặc sản ăn cùng bánh xèo miền Tây như: lá cách, đọt xoài non, các loại rau rừng như đọt bứa, đọt muối, đọt dâu rừng, xung rừng, bằng lăng rừng, bơ, sộp,…Chỗ nào có rau nào thì dùng rau nấy….
Ngày nay công đoạn làm bánh xèo đã đỡ vất vả hơn nhiều nhờ có bột pha sẵn, có chảo chống dính chiên bánh vừa dễ vừa nhanh. Nhưng người ta thì rất thèm và nhớ hình ảnh cái bánh xèo đổ bằng cái chảo to tướng rộng vành. Cái chảo đòi hỏi người đổ bánh phải hết sức khéo tay mới không làm bể bánh, không bđể dính bánh vào chảo.
Điều đặc biệt của bánh xèo miền Tây là bánh xèo vừa to, vừa đầy ấp nhưn bánh, nước mắm ngon, rau nhiều… tất cả tạo nên nét đẹp của sự hào sảng trong tính cách Người miền Tây.