CHÙA PHẬT TỔ – CÀ MAU

Cà Mau có nhiều thắng cảnh, di tích nổi tiếng gắn với thời kỳ khai khẩn đất và Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự mà dân gian hay gọi chùa Phật Tổ là một di tích kiến trúc tâm linh độc đáo còn lưu giữ được dáng vẻ đặc trưng của một mái đình Nam Bộ xưa.

Chùa Phật Tổ tọa lạc tại phường 4, thành phố Cà Mau. Từ sân bay hoặc bến xe Cà Mau, đi theo đường Lý Thường Kiệt tới ngã ba nhà thờ Bảo Lộc rẽ phải đi theo đường Phan Ngọc Hiển qua cầu, rẽ vào đường Lý Bôn là đến chùa.

Chùa được xây dựng vào năm 1840, mang đậm lối kiến trúc cổ của thế kỷ 19, đây là nơi truyền giáo Phật pháp sớm nhất ở vùng đất Cà Mau. Nguyên cách gọi tên chùa Phật Tổ là do sự tôn kính từ lâu đời của người dân vùng Cà Mau với vị hòa thượng lập dựng chùa: Hòa thượng Thích Trí Tâm.

Truyền thuyết kể lại khoảng năm 1840 vùng Cà Mau là vùng lau sậy, theo dòng người đi khai hoang mở đất có chàng trai Tô Quang Xuân đi lấy củi trong rừng, khi rìu bổ vào thân cây bồ đề cổ thụ thì thấy lộ ra một quyển kinh Phật đặt ở gốc cây. Từ đó chàng trai dựng am thờ Đức Quan Thế Âm vừa tu vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân bên bờ kênh Quản Lộ. Tương truyền, Tô Quang Xuân tụng kinh Kim Cương cảm hóa được thú dữ. Thiên hạ biết tiếng kéo đến xin thuốc và học đạo rất đông. Trong số những đệ tử này có cả cọp dữ cũng đến để học đạo. Hiện nay tháp của con hổ ấy vẫn còn, đệ tử trong chùa gọi là tháp Sư Cậu.

Về sau, nhờ người dân đóng góp tài vật, Tô Quang Xuân dựng được một ngôi chùa bằng lá đơn sơ. Thấy vậy, hương hào Đỗ Văn Viễn trong vùng ghen ghét đã vu cho ông là gian đạo sĩ. Ông bị quan trên bắt về Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) quản thúc.

Nhưng đạo hạnh của Tô Quang Xuân đã làm các quan trên kính phục. Ông được đưa về Huế và thọ giới xuất gia ở chùa Kim Chưởng. Sau khi thọ giới được 7 ngày, ông viên tịch. Vua sắc phong cho ông làm “hòa thượng” đồng thời ban cho gấm vóc và cử người đưa di hài về đến tận Cà Mau.

Tiếc thương ông, năm 1842, vua Thiệu Trị (triều Nguyễn) đã xuống chiếu sắc phong cho Tô Quang Xuân là Hòa thượng Thích Trí Tâm, sửa sang am tranh của ông bên cánh rừng già và sắc tứ cho chùa với tên hiệu là “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”. Hòa thượng Thích Trí Tâm được người dân trong vùng tôn kính xem như là “Phật Tổ”, nên chùa cũng gọi là “chùa Phật Tổ”.

Chùa Phật Tổ đã qua nhiều lần tu sửa, lần đại trùng tu là vào năm 1937. Tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ được hiện trạng của ngôi chùa cổ. Các hiện vật phụng thờ như tượng gỗ, khánh gỗ, độc bình, chuông đồng, câu đối, sắc phong của vua ban… vẫn còn lưu giữ, minh chứng cho sự phát triển Phật giáo của thời kỳ người Việt bắt đầu những bước tiến quan trọng trong công cuộc khẩn hoang và hình thành một xã hội cộng cư với ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên vùng đất phương Nam.

Mái chùa hình quả ấn, lợp ngói máng, kiến trúc sắc nét, mô phỏng mái đình ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mái được chia thành phần nóc chính và mái nghi môn. Phần nóc chính thể hiện giá trị nghệ thuật đặc sắc của ngôi cổ tự với hình lưỡng long tranh châu cách điệu, bên dưới là phù điêu, hình ảnh mô tả cảnh thiên nhiên. Mặt chính trên nóc chùa đề 6 chữ: “Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự”.

Những đường cong ở đầu đao mái chùa thể hiện cảnh cá hóa rồng làm bằng xi măng ốp sứ cách điệu, dáng vẻ độc đáo. Mái nghi môn ở tầng thấp hơn lợp ngói máng, có họa tiết sống động và đề 4 chữ: “Quan Âm Cổ Tự”.

Hai bên cổng chùa các câu đối vẫn còn nguyên vẹn. Các bức vách hai bên chùa tạc hình ảnh theo thứ tự thời gian, các bức tranh này có giá trị thẩm mỹ tôn tạo thêm giá trị nghệ thuật của ngôi chùa.

Khuôn viên chùa khá rộng, được bố trí hài hòa, tượng Quan Thế Âm lộ thiên đứng trên tòa sen, tay cầm tịnh bình, nét mặt hiền hòa.

Cửa chùa mở theo hình bán nguyệt dẫn vào chánh điện. Chánh điện với diện tích 12m2, nền cao 8cm được lát gạch bông làm từ năm 1937. Ngôi Tam Bảo thờ nhiều tượng Phật, các tượng đều được làm bằng xi măng, chia thành 3 tầng, trên cùng là tượng Thích Ca Mâu Ni với kích thước lớn, tầng kế tiếp thờ tượng Đạo sư A Di Đà Phật, tất cả có 9 tượng Phật lớn nhỏ.

Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở Ngôi Tam Bảo là việc dùng đồ sứ ốp vào các họa tiết có chất liệu bằng xi măng tạo thành một án thờ có đường nét là hình ảnh các linh vật Long – Lân – Quy – Phụng được gắn lên tạo thành bao lam bao quanh ngôi chánh điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật, mặc dù vật liệu xây dựng không làm từ chất liệu gỗ nhưng các họa tiết trang trí cổ điển tạo được nét hài hòa trong trang trí nghệ thuật của ngôi chánh điện.

Án thờ hòa thượng Thích Trí Tâm được đặt trên một bệ cao 1,47m, rộng 1,52m. Đây là một công trình nghệ thuật đặc sắc trong ngôi chánh điện, nét chạm trổ, họa tiết điêu khắc cách điệu, thoáng và sinh động, ở giữa là hai câu đối vẫn còn giữ được nét sắc sảo: “Nhất Tự Quyền Hành Năng Chấn Tỉnh/ Chúng Tăng Bảo Chướng Vĩnh An Hòa” (tạm dịnh là: “Một chữ dọc ngang có khả năng làm tỉnh thiên hạ/ Giữ cho chúng tăng được bình yên mãi mãi trong công cuộc tu hành”). Bên dưới bệ thờ Hòa thượng Thích Trí Tâm có bia đá được dựng lúc trùng tu chùa năm 1937, trên bia là bản khắc bằng chữ Hán ghi nguyên văn sắc phong cho chùa của vua Thiệu Trị thứ II (1842).

Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Phật Tổ là nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Chùa Phật Tổ cũng là ngôi chùa đầu tiên của tỉnh Cà Mau vinh dự được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 24/11/2000.

Ngoài kiến trúc chính của ngôi chùa cổ, bên phải từ cổng chùa vào còn có văn phòng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Trường Trung cấp Phật học Cà Mau, văn phòng Phân ban Đặc trách Ni giới. Bên trái kiến trúc chính còn có Tuệ Tĩnh đường miễn phí dành cho người nghèo, Hội quán Gia đình Phật tử, nhà Tăng…

Hàng tuần nơi đây đều tổ chức tu học, thuyết giảng Phật pháp. Hàng năm, mỗi dịp đại lễ Phật giáo như lễ rằm tháng Giêng, Phật đản, Vu lan… chùa Phật Tổ trở thành nơi diễn ra lễ hội, đông đảo Tăng Ni, Phật tử tề tựu về tham dự.

Chùa Phật Tổ là niềm tự hào của người dân Cà Mau, trở thành địa điểm du lịch Cà Mau hút khách về tham quan, chiêm bái và khám phá về đời sống tâm linh của đồng bào nơi vùng đất cực Nam Tổ quốc.