Không váy cưới lộng lẫy, áo vest thanh lịch như bao đám cưới khác, cô dâu Thuỳ Anh, chú rể Thành Nam chọn cổ phục Việt Nam để diện trong ngày trọng đại.
|
Ngày 1/7, bộ ảnh cưới diện áo cổ phục Nhật Bình và áo Tấc của Thuỳ Anh (sinh năm 1993, Cao Bằng) và Thành Nam (sinh năm 1996, Hà Nam) vào ngày trọng đại đang được nhiều người quan tâm. “Vốn là người yêu thích lịch sử, những giá trị truyền thống, cổ xưa nên mình muốn đưa những bộ cổ trang vào ngày cưới để tạo kỷ niệm và thêm phần nổi bật”, cô dâu chia sẻ với Zing. |
Cô dâu cho biết Nhật Bình là thường phục của bậc Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng Quý phi; lễ phục của các bậc từ Nhất giai phi đến Tứ giai tần của triều đình nhà Nguyễn. Tùy phẩm cấp mà màu sắc, hoa văn của Nhật Bình có điểm khác biệt để phân định. Còn áo Tấc – hay còn gọi là áo ngũ thân tay thụng, áo lễ, áo thụng – là là lễ phục trang trọng thời Nguyễn. Tên “áo tấc” xuất phát từ phần viền áo rộng đúng 1 tấc. |
Từ thiết kế bối cảnh đến việc chuẩn bị đồ trang trí đều do Thuỳ Anh – Thành Nam cùng một người bạn thân tự tay thực hiện. Hoa tươi được chọn là hoa thiên điểu, phông cưới được thiết kế tỉ mỉ theo màu sắc cung đình Huế. Bàn ghế và những phụ kiện của cô dâu cũng được đặt làm riêng để có tạo hình giống nhất với cung phi, phu nhân triều đình nhà Nguyễn. |
Thuỳ Anh chia sẻ khó khăn nhất khi thực hiện bộ ảnh này là trang phục cho cô dâu chú rể. Áo Nhật Bình được đặt may bằng chất liệu gấm để vừa tạo sự uyển chuyển vừa giữ được dáng. Còn áo Tấc được may bằng chất liệu tơ xước để vừa thoáng mát, không bị quá thướt tha, tạo sự mạnh mẽ. Để có bộ trang phụ hoàn hảo nhất trong ngày trọng đại, Thuỳ Anh và Thành Nam mất gần một tháng chuẩn bị. |
Khi những hình ảnh về đám cưới của mình được chia sẻ trên diễn đàn và nhận nhiều lời khen từ mọi người, cô dâu Thuỳ Anh và chú rể Thành Nam rất bất ngờ. |
Cô dâu kể mình và ông xã quen nhau được ba năm. Ban đầu, đôi trẻ không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì chênh lệch tuổi tác và khoảng cách địa lý. Sau nhiều lần thuyết phục và sự quyết tâm của đôi trẻ, hai bên gia đình đã đồng ý. Nửa kia của Thuỳ Anh là người đàn ông chín chắn, trưởng thành, là chỗ dựa cho vợ. “Trước đây mình tự lo mọi việc nhưng giờ có anh rồi, mình thấy gánh nặng được san sẻ bớt khi có người lo liệu cùng”, cô dâu Cao Bằng nói. |
Nhiếp ảnh gia Đàm Anh – người thực hiện bộ ảnh – cho biết anh rất ấn tượng và may mắn khi có cơ hội chụp một đám cưới hoài cổ. Khi lên tới phòng cô dâu anh đã rất ngạc nhiên vì bộ cổ phục. Hiện nay, đa số các bạn trẻ đều lựa chọn trang phục hiện đại trong ngày cưới. Bởi vậy, Đàm Anh rất vui khi thấy cô dâu, chú rể yêu thích và giữ gìn những nét văn hoá cổ truyền Việt Nam. |