Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: “Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi”

Đạo diễn A Tô là người đứng sau thành công của tất cả những dự án chủ đề “giang hồ chợ mới”. Một mình anh xây dựng nên cả một quần thể nhân vật phức tạp với nhiều khu vực khác nhau từ phim “Giải Cứu Tiểu Thư” hồi năm 2017 đến tận dự án điện ảnh “Chị Mười Ba” vừa được ra mắt năm 2019.

Tính riêng năm 2018, sau cơn sốt web drama Thập Tam Muội mang về hơn 117 triệu lượt xem, đến lượt Vi Cá Tiền Truyện đạt 67 triệu lượt, Thập Tứ Cô Nương đạt 45 triệu và gần đây nhất là phim điện ảnh Chị Mười Ba: Phần Kết Thập Tam Muội, nhiêu đó con số và thành quả đã thể hiện rõ nét nhất mức độ ảnh hưởng của anh chàng đạo diễn trẻ A Tô. Mỗi series do anh cầm trịch gần như đã đưa chủ nhân của kênh Youtube thu về con số người theo dõi khổng lồ. Cả ba người Thu Trang, Nam Thư, Quách Ngọc Tuyên đều nhanh chóng “gom” hơn 1 triệu người theo dõi sau các phần phim giang hồ của mình lên sóng. Có thể nói, A Tô là chìa khóa mà nghệ sĩ nào cũng cần có nếu muốn đạt được chiếc nút vàng Youtube danh giá.

Ấn tượng đầu tiên về vị đạo diễn tài năng, đứng sau sự thành công của những dự án phim về giang hồ, là rất mạnh. A Tô đến buổi phỏng vấn trong bộ trang phục khá ngầu, quần áo in họa tiết sặc sỡ, mái tóc chất chơi, tai đeo đôi bông đỏ rực khá ngầu.

Vừa gặp, anh đã khiến đối phương không nhịn được tò mò và hỏi liệu đôi bông tai kia có phải là máu thật không? Anh mới bật cười trả lời rằng: “Không đâu! Nước màu thôi!”, thế là  không khí trò chuyện dần trở nên thoải mái hơn, A Tô bắt đầu chia sẻ về câu chuyện làm phim của mình.

Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi - Ảnh 1.

Đạo diễn A Tô là một người từng trải. Bạn cũng có thể thấy điều đó qua những gì anh thể hiện trong loạt web drama của mình. Đó là những cảnh quay rất đời, cùng các thông điệp không quá cao siêu nhưng lại thực tế, rõ ràng. Đối với Vi Cá Tiền Truyện, đó là tình anh em trước thử thách của quyền lực và đồng tiền. Còn ở Thập Tứ Cô Nương, đó là quá khứ đầy tổn thương của một cô gái ngây thơ, để tự vệ đã tự gồng mình làm một tay bảo kê cứng cỏi, mạnh mẽ. Ở Thập Tam Muội, dễ thấy nhất là sự bao dung nghĩa tình của một chị đại giang hồ gai góc.

Đạo diễn đậm chất nổi loạn không ngần ngại chia sẻ đã từng thất bại, nản chí và mất phương hướng, nhưng khi kể về giai đoạn ấy của cuộc đời, anh trầm ngâm và chỉ nói qua loa. Giờ đây, cái khiến anh hăng say nhất chính là về thế giới giang hồ của mình.

Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi - Ảnh 2.

Đừng gọi những phim của tôi là “vũ trụ điện ảnh” hãy gọi là “xã hội phim ảnh”

Anh có đang cho rằng những phim về giang hồ của mình, tựu chung lại bằng một cái tên là “vũ trụ phim ảnh” không?

Cái tên “vũ trụ giang hồ” chỉ là do mọi người ghẹo nên gọi vậy, chứ tôi không dám tự nhận. Trong các tác phẩm của tôi đơn thuần chỉ có sự liên kết chặt chẽ để khán giả dễ hiểu. Tôi chỉ là một đạo diễn còn nhỏ tuổi nghề, các tác phẩm của tôi chưa thể so sánh được với các bộ phim hoành tráng của nước ngoài mà gọi là “vũ trụ giang hồ” nghe… ghê quá.

Hiện tại thì các sản phẩm của tôi có thể được gọi là các series phim, hay những tên gọi mà mọi người hay gọi như Vi Cá Tiền Truyện, Giang Hồ Chợ Mới ngoại truyện v.v… Để dễ hình dung thì những nhân vật của tôi bây giờ giống đang sống chung dưới một ngôi nhà. Đó là cái sườn để tôi có thể dựa trên để phát triển thêm những tuyến nhân vật mới hoặc câu chuyện mới. Hãy gọi ngôi nhà chung của chúng tôi là “Xã hội phim ảnh” cũng được!

Tôi đang lên kế hoạch chuẩn bị cho một dự án web drama cho chị Việt Hương, tựa đề là Trật Tự Mới. Dự án này đã được lên kế hoạch từ tháng tư năm ngoái rồi, nhưng vì lịch trình của chị Việt Hương khá bận rộn nên tôi đã phải hoãn dự án này cho đến giờ mới có thể bắt đầu quay. Xin được tiết lộ là dự án này sẽ quanh nhân vật Ông Nội, bắt nguồn từ phim điện ảnh Xóm Trọ 3D của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường. Các bạn hãy tưởng tượng như thế này! Đó là các dự án trong xã hội phim của tôi giống như một thành phố vậy. Có nhiều khu vực, các quận khác nhau. Khu Xóm Trọ 3D có thể là quận 1, còn khu Chợ Mới là ở quận 5. Ví dụ vậy!

Tôi đang cố gắng thâu tóm lại mọi nhân vật của mình về một chỗ. Ví dụ như Thập Tam Muội, Vi Cá, Bảy Gà, Anh Tha Thu là từ Giải Cứu Tiểu Thư, Thập Tứ thì tôi tự nghĩ ra thêm nhưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Thế là tôi “mời” nhân vật Ông Nội của chị Việt Hương về. Vì Ông Nội là một nhân vật khiến tôi ấn tượng nhất trong Xóm Trọ 3D và cho rằng đó là một mảnh ghép không thể thiếu trong xã hội của mình.

Thế là tôi đã gọi điện mời chị Việt Hương và nhân vật. Lúc nghe trình bày ý tưởng, chị đã hỏi tôi rằng: “Em có chắc chưa?”. Chị cười lớn rồi nói với tôi rằng: “Mày gan lắm!”. Chị Việt Hương lo rằng đề tài tôi chọn sẽ khó làm, hoặc bị phạt. Vì giang hồ là một đề tài nhạy cảm ở rất nhiều khía cạnh. Tôi phải thuyết phục chị rằng “xã hội đen” chỉ là chất liệu dùng để kể chuyện, còn chủ đề thực sự tập trung vào tính hài hước, có thông điệp nhân văn. Vậy là chị chấp thuận đọc kịch bản, sau khi đọc xong kịch bản tập cuối, thậm chí còn không lấy một đồng tiền cát-xê nào mà chị tham gia luôn.

Thực ra ý tưởng làm phim giang hồ của tôi không nói về một điều gì quá ghê gớm cả. Tôi chỉ cố gắng nói về nghĩa khí, tình nghĩa anh em, bạn bè giữa những con người trong giang hồ với nhau mà thôi!

Điều gì đã làm anh chọn đề tài giang hồ – xã hội đen?

Hồi đó tôi chuyên làm phim ca nhạc. Mọi người từng gọi tôi là ông hoàng Ca Nhạc. Tài sản của tôi bây giờ đang có hai bộ phim ca nhạc đang có tổng là 150 triệu lượt xem và một phim ca nhạc khác đã có hơn 200 triệu lượt xem. Bạn có biết không lúc đó tôi khá là sung sướng, hài lòng với các tác phẩm của mình. Sang giai đoạn cuối 2017 và đầu 2018, phim ca nhạc bị bão hòa và thoái trào hẳn. Tôi bị thất nghiệp! Nằm ở nhà, tôi không biết mình sẽ phải làm gì tiếp nữa đây.

Sau đó tôi thử sức với thể loại phim sitcom và cũng thành lập một nhóm hài. Tôi muốn làm hẳn một dự án phim dài cơ, lúc ấy tôi không muốn làm sitcom lắm, nhưng làm phim dài lại không đủ tiền nên tôi thử sức với làm phim sitcom. Tôi lập một nhóm hài tên là Cà Tưng với sự tham gia của Thanh Tân, Xuân Nghị và Lâm Vỹ Dạ. Sau một thời gian tôi thấy rằng mình không hợp với thể loại phim hài sitcom, nên đã ngừng phát triển nhóm Cà Tưng.

Lại quay về câu hỏi cũ, “phải làm cái gì tiếp đây?” thì vô tình tôi lên Youtube xem lại những phim Người Trong Giang Hồ của Trịnh Hy Kiện. Mấy phim này hồi cấp 2 -3 tôi đã xem rồi nhưng sau này nhìn lại với con mắt làm nghề thì lại thấy nó khác. Tôi tự hỏi mình rằng “Tại sao mình không làm được thể loại này?”. Vậy là bắt đầu nghiên cứu, câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là phải làm phim giang hồ thế nào cho không bị phản cảm? Vì kể cả khi đăng lên Youtube mà nội dung quá nhạy cảm thì cũng sẽ bị chặn, hoặc che ảnh.

Đang bí cách thể hiện ý tưởng thì may sao trong một lần tôi về nhà mẹ chơi, nhìn thấy một bức tranh biếm họa. Vậy là tôi nảy ra cách làm châm biếm lại những đề tài xã hội. Có thể là tạo những nhân vật vui hơn, ví dụ như anh Bảy Gà lúc nào cũng phải có một sợi dây chuyền bằng vàng đeo trên cổ chẳng hạn. Rồi tôi cho mỗi nhân vật của mình một đặc điểm riêng sau đó xây dựng lên từ từ. Không ngờ là sau khi sản phẩm web drama đầu tiên với đề tài xã hội đen lên sóng, đó là Giang Hồ Chợ Mới lại được khán giả đón chào quá nhiệt liệt. Tôi giống như mới trúng được một tờ vé số vậy!

Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi - Ảnh 3.

Tôi từng sống ở một nơi có nhiều tệ nạn xã hội. Chuyện đứa nhỏ như tôi gặp mấy cô gái đứng đường là bình thường!

Thế giới giang hồ có ý nghĩa gì với anh? Nguồn cảm hứng xây dựng kịch bản của anh đến từ đâu?

Tuổi thơ của tôi không được êm đềm như nhiều người khác, tôi có khá nhiều cột mốc lịch sử đáng nhớ. Những gì các bạn xem trong Giang Hồ Chợ Mới đó là 30% trải nghiệm của tôi đó! Rồi trong Thập Tứ Cô Nương, khi các bạn thấy hình ảnh những cô gái chợ tình đứng dưới gầm cầu v.v… thì đó là tuổi thơ, những hình ảnh mà tôi từng phải chứng kiến mỗi ngày. Bây giờ thì các bạn trẻ không còn thấy những hình ảnh đó nữa. Hồi đó tôi ở một khu vực có khá nhiều tệ nạn xã hội. Chuyện đứa nhỏ như tôi gặp mấy cô gái đứng đường là bình thường!.

Những câu chuyện xuất hiện trong phim đều là những gì tôi và những người anh em từng thấy, trải qua trong cuộc sống. Trong các tác phẩm mà mọi người đang được xem, đó là những hiểu biết, trải nghiệm của tôi bổ sung thêm vào chất liệu câu chuyện để phim có tính chân thật và có ý nghĩa hơn đó!

Có khó khăn gì khi xây dựng nhân vật, nội dung câu chuyện?

Khó khăn ở đây chính là việc xây dựng nội dung. Ngoài việc làm cho sản phẩm của mình không phản cảm, tôi còn phải chú trọng về chất lượng. Sản phẩm sau luôn phải tốt hơn cái trước đó. Các thành viên trong “xã đoàn”, nhưng người bạn bè nghệ sĩ cùng tham gia cũng ngày càng khắt khe hơn khi xem kịch bản. Ai nấy đều muốn chất lượng kịch bản phải tốt lên, họ muốn sản phẩm sau phải hay hơn cái trước. Nên phần nội dung kịch bản là cái quan trọng nhất. Tôi luôn cố gắng thúc ép chính mình phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình lên sau mỗi dự án.

Tôi không bị sức ép quá nhiều vì bản thân luôn cố gắng làm kĩ sản phẩm và trên hết là phải “đã” cho chính bản thân mình trước chứ không được làm qua loa. Khi làm kịch bản, tôi luôn đọc đi đọc lại nhiều lần kịch bản văn học trước rồi sau đó mới bắt tay làm kịch bản hình ảnh. Rồi từ từ mới phát triển lên thêm.

Khi ngồi dựng nội dung cũng vậy, tôi luôn cố gắng sắp xếp ý tứ sao cho bản thân xem phải thấy thích thú trước. Nhiều người hỏi tôi sao phim anh xem thấy… nhanh hết quá vậy? Đó là vì tình tiết, nhịp phim đã được căn chỉnh rất kĩ để khán giả xem không thấy chán. Thập Tứ Cô Nương lúc mới dựng xong, tôi ngồi xem đi xem lại hơn một tiếng đồng hồ thấy quá dài dòng, nên đã phải cắt lại sao cho nhịp phim dồn dập hơn để khán giả thấy hồi hộp lúc xem.

Mỗi sản phẩm làm ra đều có một thông điệp gì đó về cuộc sống chỉ là cách tôi miêu tả nó không được hoa mỹ. Đối với Vi Cá Tiền Truyện thì đó là câu chuyện giữa Cá Con/ Vi Cá (Quách Ngọc Tuyên) và Khô Mực vì danh lợi mà phản bội lẫn nhau. Còn với Thập Tứ (Nam Thư) thì đó là tình yêu, sự trưởng thành của một cô gái quê lên thành phố, sau đó bị lợi dụng đến mức phải mang bán luôn cả cái xã đoàn của mình.

Yếu tố giang hồ chỉ là cách thể hiện nội dung, là bối cảnh của phim mà thôi. Giống như cùng một cách thể hiện tình bạn, tình anh em nhưng nếu chuyển qua dùng bối cảnh là một văn phòng cũng được vậy!

Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi - Ảnh 4.

Khi một phim từ bản chiếu Youtube lên thành một phim điện ảnh, “Chị Mười Ba” đã phải thay đổi như thế nào?

Cấu trúc nhân vật. Đó là lí do tại sao các bạn thấy chị Mười Ba ở bản web drama hút thuốc mà lên bản điện ảnh thì không, anh Vi Cá có xăm mình nhưng lên điện ảnh thì sạch trơn. Đó là những cái khác về định hướng, ngoại hình nhân vật. Ví dụ như Nghĩa Đoàn trong Chị Mười Ba là một hình thức kinh doanh trong sạch hơn so với Xã Đoàn ở Chợ Mới. An Cư Nghĩa Đoàn chỉ kinh doanh điện thoại, cùng lắm là quán bar chứ không có cả một sòng bài, khu mại dâm trái phép.

Cái thứ hai là về cấu trúc phim. Các tình tiết phải liên kết với nhau chặt chẽ chứ không lỏng lẻo như web drama. Tôi còn phải cân bằng các tuyến nhân vật trong bản điện ảnh, ở web drama tôi không thể cân bằng lực lượng giữa Chợ Cũ – Chợ Mới vì vấn đề ngân sách. Khi thành phim chiếu rạp, khả năng chi tiêu thoải mái hơn nên tôi có thể phân chia đều nhân lực giữa hai bên.

Anh đã giải quyết bài toán về câu chuyện “hút thuốc lá” của Thu Trang ra sao khi khán giả cho rằng chị Mười Ba không hút thuốc nữa thì mất đi cái “chất”. Anh đã giữ lại cái chất giang hồ trong phim như thế nào?

Mình phải thông qua kịch bản thôi. Cụ thể hơn, đó là dựa vào nội tâm nhân vật. Không nhất thiết phải cầm điếu thuốc hay xăm mình mới là giang hồ. Ai mà khi đụng chuyện, vẫn luôn tìm cách hành xử nghĩa khí nhất thì đó chính là dân giang hồ thực thụ. Các bạn có thể thấy trên phim hoặc trên trailer rồi đó.

Ví dụ như khi Chị Mười Ba gặp chuyện, cô ta luôn cố gắng không để ai liên lụy mà luôn tìm cách tự giải quyết, nhưng đã là anh em sống chết có nhau, những người còn lại không để chị làm như vậy. Dù biết trước là đi vào chỗ nguy hiểm nhưng ai cũng quyết tâm đi theo chị Mười Ba quyết chiến đến phút cuối cùng. Thập Tam Muội ra sức ngăn cản hay phản đối cũng kệ, đi là đi! Cái ngang ngược và chí tình của người trong giang hồ thể hiện ở chỗ đó.

Từ phim giang hồ lên phim điện ảnh, anh có thấy rằng tác phẩm của mình đã mang tính thương mại hơn và mất đi phong cách riêng của anh?

Không, mỗi tác phẩm tôi đều đặt tâm huyết và công sức khá là nhiều. Tôi không cho phép mình làm việc qua loa, sơ sài mà dành mọi tâm tư tình cảm của mình cho mỗi sản phẩm. Tin chắc là nội dung và thông điệp vẫn sẽ mang đậm phong cách của tôi. Việc lược bỏ chi tiết chị Mười Ba hút thuốc hay anh Vi Cá xăm mình không phải là mất đi cái chất trong phim hay gì cả, mà đó là cách tôi điều chỉnh lại phim cho phù hợp với nơi nó được chiếu thôi.

Gặp cha đẻ vũ trụ giang hồ Chị Mười Ba: Các chị gái đứng đường, xã hội đen là tuổi thơ của tôi - Ảnh 5.

Xã hội phim hiện có đang tập trung vào Chợ Mới quá và đã bỏ quên Chợ Cũ không? Có phải vì Chợ Cũ là phe “người xấu” nên đã không đầu tư phát triển cốt truyện Chợ Cũ?

Thực ra thì chợ cũ – chợ mới gì cũng chỉ là một khu chợ. Sự mâu thuẫn giữa hai bên cũng giống như hai công ty cạnh tranh nhau, nhưng tôi dùng hình ảnh một khu liên doanh, khu chợ nhằm đơn giản hóa hình ảnh để nó gần gũi với khán giả. Sao cho cả một anh xe ôm, một chị bán hàng cũng có thể hiểu và xem được phim.

Không có phe tốt phe xấu nào ở đây cả. Một khu chợ có người này thì cũng có người kia, có những người thủ đoạn thì sẽ có những người quang minh chính đại. Đôi khi Chợ Mới cũng vài lần lợi dụng phá hoại Chợ Cũ và sau đó bị trả thù. Kiểu kiểu vậy!

Bi Long cũng chỉ là một cá nhân trong cả khu Chợ Cũ! Bản thân anh ta không đại diện cho nguyên khu chợ đó được. Hiện tại tôi đang ấp ủ một dự án sẽ phát triển cho nhánh Chợ Cũ tuy những nhân vật đến phe này chưa nhiều, mới chỉ có Bi Long (Khương Ngọc), Kẽm Gai (Anh Tú), B52 (Hoàng Phi), Bố Già (Chí Tài), Trương Phi (Nhật Cường) v.v… Lúc này tôi chỉ mới có thể tiết lộ vậy thôi nhưng bật mí một điều là Chợ Cũ cũng sẽ toàn những gương mặt “hot” không đó!

Đặc biệt, nhân vật của Bi Long vẫn là ẩn số. Lúc này thì ngay cả tôi cũng chưa thể nói được gì về số phận của Bi Long, nó phụ thuộc vào kịch bản của Chị Mười Ba: Phần Kết Thập Tam Muội. Nghĩa là sau sự kiện xảy ra trong phim, thì hướng đi tiếp theo của nhân vật Bi Long thế nào phải dựa vào kết cục của mọi chuyện rất nhiều. Bạn muốn biết phụ thuộc thế nào, thì hãy ra rạp nhé!

Cám ơn anh đã chia sẻ rất nhiệt tình trong buổi phỏng vấn hôm nay! Hy vọng sắp tới phim sẽ thành công và khán giả sẽ được đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới từ “xã hội phim ảnh” giang hồ.