Tháng 11 đánh dấu việc khép lại hai game show âm nhạc về rap. Ngoài ra, thị trường âm nhạc được đánh giá là sôi động khi giới nghệ sĩ không chỉ làm MV, mà còn có live show, album.
Nhạc Việt vừa trải qua một tháng bản lề. Đêm chung kết của Rap Việt và King of Rap cùng kết thúc hồi trung tuần tháng 11. Một thế hệ rapper trẻ đã nổi tiếng và thành danh từ hai chương trình này.
Nhưng không chỉ có rap, trong tháng qua, thị trường còn sôi động với sự thành bại của những cuộc trở lại. Ngoài ra, sự tồn tại của loại hình live show trong không gian nhà hát và sự xuất hiện của một số album cũng khiến đường đua âm nhạc trở nên thú vị hơn so với tháng 10.
Dế Choắt trở thành quán quân Rap Việt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Giá trị của hai game show nhạc rap
Sau thời gian “làm mưa làm gió” trên thị trường, King of Rap và Rap Việt – hai chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về rap ở Việt Nam – cùng khép lại vào trung tuần tháng 11. Rap Việt đưa Dế Choắt lên ngôi vị quán quân, còn King of Rap dành vị trí cao nhất cho ICD.
Rap Việt và King of Rap không chỉ thay đổi cục diện các chương trình về âm nhạc trên sóng truyền hình, mà thậm chí cả cục diện thị trường nhạc Việt.
Từ đây, một thế hệ rapper đã vượt ra khỏi thế giới ngầm underground, tiến thẳng lên mainstream và trở nên nổi tiếng. Nhiều rapper đóng vai trò giám khảo hoặc thí sinh của hai chương trình đang trở thành những nhân tố nổi bật hoặc đáng gờm của thị trường.
Giới trong nghề đồng thuận rằng King of Rap và Rap Việt không chỉ đưa vào thị trường âm nhạc hai cái tên quán quân. Thực tế, cả hai đã làm nên lịch sử âm nhạc, khẳng định vị thế chưa từng có của rap.
Nói như Wowy, bữa tiệc nào cũng phải tàn cuộc và chẳng ngày vui nào tồn tại mãi mãi. Song, tinh thần của rap đã trở nên “bất tử”. Sau ba tháng rưỡi lên sóng, hai game show rap khép lại, nhưng thể loại rap được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục là dòng chảy chủ đạo trong thời gian tới.
Thành bại của những cuộc trở lại
Những cuộc trở lại trên đường đua Vpop đáng bàn luận trong tháng 11 là Vũ Cát Tường với MV Hành tinh ánh sáng, Hiền Hồ với MV Gặp nhưng không ở lại và Soobin với MV Trò chơi.
Trong đó, Hành tinh ánh sáng của Vũ Cát Tường nhận được khen ngợi. Đây là một ca khúc pop ballad pha với R&B, một sở trường của cô. Vũ Cát Tường bao giờ cũng có cách viết ballad rất riêng, ngay cả ở thời điểm dòng nhạc này bị cho là đã bão hòa và không còn hưng thịnh như trước.
Cách viết ballad của cô không lê thê, không drama và không quá buồn đau. Dù không cá tính và để lại dấu ấn mạnh về âm thanh như đĩa Inner Me hồi 2019, qua Hành tinh ánh sáng, Vũ Cát Tường biết cách đặt mình một cách vừa vặn, không quá sức mà vẫn phát huy được tối đa thế mạnh.
Hiền Hồ gây chú ý với một bản ballad trong bối cảnh rap lên ngôi. |
Một sự trở lại khác cũng gây chú ý là Gặp nhưng không ở lại của Hiền Hồ. Đây là sản phẩm đầu tiên của nữ ca sĩ trong năm 2020 sau đúng một năm không có ca khúc mới.
Gặp nhưng không ở lại là sáng tác của Vương Anh Tú. Nhạc phẩm không mới vì đây là bản ballad quá truyền thống về cấu trúc, giai điệu. Cách viết ballad của Vương Anh Tú mang những đặc tính âm nhạc quá rõ của anh và bị cho là đã cũ mòn. Nhưng phải ghi nhận giọng hát của Hiền Hồ. Cô xứng đáng được coi là giọng ca thành công và nổi bật nhất của Giọng hát Việt 2017.
Ngoài ra, phần hình ảnh MV được đầu tư về mặt câu chuyện, bối cảnh, trang phục. Diễn xuất của Hiền Hồ là một thế mạnh. MV hiện đạt 10 triệu lượt xem, trong khi bản thu trên Zing MP3 cũng đã vượt 11 triệu lượt nghe.
Sự thành công của Gặp nhưng không ở lại cho thấy ballad vẫn có thể xác lập được vị trí riêng trong bối cảnh rap đang thắng thế.
Song, bên cạnh hai bản ballad gây chú ý là Hành tinh ánh sáng và Gặp nhưng không ở lại, tháng 11 còn tồn tại bản ballad bị đánh giá bước lùi của Hoài Lâm mang tên Người đến sau sẽ cho người tất cả.
Hoài Lâm có những bản ballad gây chú ý trong năm qua như Hoa nở không màu hay Cô đơn không nhà mình. Nhưng Người đến sau sẽ cho người tất cả gặp nhiều hạn chế về chất lượng ca khúc lẫn cách xử lý của nam ca sĩ. Hoài Lâm hát hời hợt trong ca khúc mà như anh chia sẻ là bản ballad cuối cùng.
Ngoài Người đến sau sẽ cho người tất cả của Hoài Lâm, một sản phẩm khác cũng nhận được rất ít lời khen ngợi trong tháng qua là Trò chơi của Soobin.
Với nghệ danh mới, Trò chơi đánh dấu việc Soobin chuyển sang hình ảnh “bad boy”. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất lại là việc nam ca sĩ phải gồng gánh thể hiện hình ảnh “trai hư”, cả trong âm nhạc lẫn hình ảnh.
Album và live show giúp thị trường thêm sinh động
Ngoài câu chuyện âm nhạc trên mặt trận game show truyền hình và MV, trong tháng 11, một số nghệ sĩ vẫn quan tâm đến các loại hình truyền thống như album và concert.
K-ICM và cộng sự APJ vừa ra mắt album Ai mang cô đơn đi. Album này thực chất giống một EP hơn. Tuy nhiên, bỏ qua câu chuyện về sự định danh loại hình chuẩn xác, Ai mang cô đơn đi là sản phẩm thuyết phục về mặt âm nhạc.
K-ICM được khen ngợi với album Ai mang cô đơn đi. |
Album Ai mang cô đơn đi bao gồm năm ca khúc: Ai mang cô đơn đi, Xin cô đơn đi, Ai mang em đi, Tới lúc em đi và Lưu thủy vô tình. Chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống phương Đông kết hợp nhuần nhị với cách thiết kế âm thanh đặc trưng của nhạc hiện đại, giúp tạo nên chất world music dễ nghe.
Sau những thử nghiệm với EDM, ballad hay funk, rõ ràng K-ICM luôn thuyết phục và là chính bản thân nhất khi trở lại với ngũ cung. Ngũ cung trong pop mới thực sự là K-ICM. Cũng chỉ ngũ cung mới khiến anh trở nên khác biệt giữa đại đa số producer trẻ đang theo đuổi nhạc điện tử, pop ballad hay R&B trên thị trường.
Ngoài album của K-ICM, EP Một triệu năm ánh sáng của Vũ Cát Tường cũng là sản phẩm đáng khen trong tháng 11. Vũ Cát Tường bao giờ cũng có cách làm nhạc và tư duy rất riêng. Ngay cả khi cô theo đuổi một thể loại âm nhạc đã quá quen thuộc trên thị trường, cô và giọng hát của mình vẫn là một màu không thể trộn lẫn.
Một album cũng đáng được nhắc đến trong tháng qua là Lân Nhã với Nhã. Lân Nhã cũng là một “ca” khác biệt của thị trường, không phải vì phong cách âm nhạc khác biệt, mà bởi anh đã chọn đi con đường thầm lặng và rất ít ồn ào. Con đường tôn vinh âm nhạc ấy rất đáng được trân trọng trong sự sôi động của showbiz.
Nhạc Việt trong tháng 11 cũng không thể không nhắc đến Tùng Dương với live show Human diễn ra tại Hà Nội. Sau những đêm diễn online, phát trực tuyến mà không có khán giả tham dự trực tiếp, Human là live show hiếm hoi được tổ chức trong không gian nhà hát năm nay.
Với concept về con người thông qua lăng kính và chất liệu của rock, Tùng Dương đã có đêm nhạc cá nhân thứ 12 trong sự nghiệp với nhiều lời khen ngợi, phản hồi tích cực.
Tùng Dương tỏ rõ những nỗ lực trong việc chinh phục một chủ đề nghệ thuật không dễ thực hiện: con người. Anh cũng vô cùng biến hóa về giọng hát, khi khoan thư, khi trong đục, và thực sự thuyết phục người nghe.