KHI THẤT BẠI KHÔNG LÀM K-ICM BỎ CUỘC

Sau làn sóng tẩy chay hồi đầu năm, K-ICM giữ thái độ bền bỉ với âm nhạc. Những sản phẩm đầu “bại nhiều hơn thành” nhưng từ “Ai mang cô đơn đi”, anh mang đến góc nhìn khác.

Sau 2 tuần đăng tải, Ai mang cô đơn đi đạt hơn 8 triệu lượt nghe trên Zing MP3 và 4 triệu lượt nghe trên mạng. Đây là thành tích khả quan với một single không có phiên bản MV. Nhưng, hơn cả, sản phẩm đã không vướng vào bất cứ ồn ào, tranh cãi nào, thậm chí đang nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Ngoài ra, sau khi chia tay Jack, K-ICM liên tiếp có những cú bắt tay trong âm nhạc nhưng không có trường hợp nào tỏ ra thực sự hòa hợp, ăn ý. Phải đến Ai mang cô đơn đi, với cộng sự mới APJ, giới quan sát mới thấy được triển vọng của mô hình cặp đôi nhà sản xuất – ca sĩ mà K-ICM luôn theo đuổi.

Review Ai mang co don di anh 2

Triển vọng của APJ

Ai mang cô đơn đi được giới thiệu lần đầu vào trung tuần tháng 7 trong đêm nhạc mừng sinh nhật của K-ICM. Ca khúc giữ vị trí như điểm nhấn của chương trình nhằm mục đích giới thiệu cộng sự mới của nhà sản xuất âm nhạc: APJ.

APJ sinh năm 1996, là gương mặt còn xa lạ với thị trường. Nhưng ngay từ lần xuất hiện trên sân khấu với Ai mang cô đơn đi và Tôi say, biểu diễn cùng K-ICM, nam ca sĩ đã chứng tỏ màu sắc âm nhạc riêng biệt.

APJ sở hữu giọng hát chắc chắn. Trong đó, gây ấn tượng hơn cả là âm sắc và luyến láy hơi hướm dân ca Bắc Bộ. Đặc trưng này tạo tiền đề cho sự hòa hợp với chất ngũ cung trong cách làm nhạc của K-ICM.

Ai mang cô đơn đi do APJ sáng tác. Ca khúc có cấu trúc truyền thống của một bản pop với hai đoạn (verse), xen kẽ với tiền điệp khúc (pre-chorus) và điệp khúc (chorus). Bài hát giản lược đoạn chuyển (bridge) nhưng được bù đắp bằng những màn solo nhạc cụ cuốn hút.

Ca từ (lyrics) của APJ đậm chất văn chương. Ai mang cô đơn đi nói về tâm trạng của một chàng trai lưu luyến cuộc tình đã qua. Nhưng cảm xúc phơi bày không phải những nhớ nhung, hờn giận, trách móc. Thay vào đó, nỗi cô đơn được gửi vào thiên nhiên, cảnh vật với “ánh trăng”, “bầu trời”, “mặt hồ”, “mưa”, “gió”, “sóng”, “bình minh”, “đêm tối”.

Thiên nhiên bao la, rộng lớn nhưng cũng hữu tình khiến nỗi cô đơn trở nên nặng trĩu, khó giãi bày hơn. Thiên nhiên làm nỗi cô đơn của chàng trai lớn hơn bao giờ hết nhưng cũng chính thiên nhiên là đối tượng đã… mang cô đơn đi, như câu trả lời cho tựa đề ca khúc.

APJ sử dụng nhiều từ Hán Việt trong sáng tác của mình như “nhân gian”, “trùng dương”, “vạn lý” nhưng sắp đặt hợp lý thay vì phô trương. Bên cạnh đó, nhiều động từ cũng tỏ rõ hiệu quả sử dụng, đặc biệt trong verse một với “gieo”, “rung”, “thu”, “ru”:

“Ánh trăng lạc lối gieo phù hoa duyên hóa thành tro / Mặt hồ rung lên mang hạt mưa xuyên nát lòng ta / Trái tim rộng lớn thu nhân gian trong đôi mắt sầu lo / Bầu trời riêng ta ru lời ca nhắn ai đừng xa”.

Giọng ca sinh năm 1996 bước đầu cho thấy khả năng làm chủ ngôn ngữ khi sáng tác. Đặc biệt đáng khen là cách gieo vần đôi ở điệp khúc: “Gió lung lay bàn tay nâng cánh hoa tình / Dẫu trăm năm người thương vẫn cách xa mình / Thuyền mãi ra khơi đi về nơi con sóng vô hình / Chốn xa xăm trùng dương muôn hướng vạn lý”.

Review Ai mang co don di anh 3
K-ICM và APJ biểu diễn Ai mang cô đơn đi trong đêm nhạc diễn ra vào tháng 7. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ba câu đầu của điệp khúc kết với thanh bằng (tình, mình, hình) nhưng câu cuối lại khép bằng hai thanh trắc (vạn lý) cũng tạo đất cho những luyến láy, ngân nga, nhả chữ của ca sĩ.

Nhìn chung, APJ biết cách viết ra ca từ phù hợp, vừa vặn và tạo bản sắc cho chính anh. Song, kỹ thuật vẫn là yếu tố APJ cần hoàn chỉnh, nhất là khi anh đang theo đuổi một cách hát có nhiều khác biệt với số đông ca sĩ trẻ trên thị trường hiện nay.

K-ICM trở lại với ngũ cung

Sau khi chia tay Jack, cộng sự được cho là ăn ý nhất, K-ICM có giai đoạn từ bỏ phong cách làm nhạc pop mang màu sắc ngũ cung, dân gian. Anh cũng gần như loại bỏ sự kết hợp giữa EDM với nhạc cụ dân tộc vốn được cho là phong cách âm nhạc cá nhân.

Với cộng sự đầu tiên là Quang Đông, K-ICM thể hiện màu sắc của pop-ballad. Trong khi với giọng ca trẻ Wren Evans, anh lại mang đến một bản funky pha trap.

Nhưng sản phẩm nào cũng gây tiếc nuối. Loạt ca khúc kết hợp với Quang Đông không tạo được dấu ấn. Trong khi cú bắt tay với Wren Evans cũng chưa mang đến bản sắc nổi bật của thể loại do funky trong Fever không rõ nét, không đảm bảo được liều lượng của trống (drum).

Qua các màu sắc khác nhau, dễ thấy, cá tính âm nhạc nổi bật nhất của K-ICM vẫn là sự biến báo khi anh kết hợp nhạc cụ dân tộc với âm thanh điện tử, pha trộn giữa đàn dây truyền thống của phương Đông với các loại đàn phím.

Từ màn hợp tác với Xesi trong Túy họa, ra mắt hồi đầu tháng 7, K-ICM trở lại với màu sắc này. Ca khúc gây ấn tượng ở phần đầu nhờ intro nhạc cụ bắt tai và giọng hát có chất dân gian của Xesi. Nhưng đáng tiếc là những verse về sau ca khúc đuối dần, lặp lại. Trong khi, phần kết dễ đoán, không gây bất ngờ.

Chất nhạc điện tử của Túy họa cũng được cho là lấn át ngũ cung, do vậy, không thể trở thành bản world music đặc sắc và đúng nghĩa.

Review Ai mang co don di anh 4
Ca khúc chỉ có phiên bản audio thay vì MV như các sản phẩm trước của K-ICM.

Trong Ai mang cô đơn đi, K-ICM đã khắc phục được những hạn chế này. Chất dân gian ngũ cung trong ca khúc tương đối nổi bật. Âm thanh của bộ dây được đặt để hợp lý, tạo ra những vần điệu ăn khớp với cách luyến láy, nhả chữ của APJ.

Cú bắt tay giữa K-ICM và APJ, do đó, được đánh giá là hiệu quả. Cả hai không chỉ cho những ăn ý về mặt thể loại âm nhạc mà còn góp phần phát huy những thế mạnh vốn có của nhau.

Ngoài ra, Ai mang cô đơn đi cũng là ca khúc hiếm hoi của K-ICM không có phiên bản MV. Khi không có những màu mè, tô vẽ của câu chuyện hình ảnh, single của nhà sản xuất trẻ và cộng sự mới thuần túy giới thiệu âm nhạc. Nhưng, một bản thu thậm chí đã tỏ ra thuyết phục hơn nhiều những sản phẩm MV có phần mờ nhạt trước đó như Cần một lý do, Đừng chờ hay mới nhất là Yêu em nhiều hơn mình.