Nghiên cứu mới đây đã xác nhận có nồng độ độc chất cực cao trong cơ thể của cá mập trắng. Thế nhưng, điều kỳ lạ là chúng không sao hết.
Trong hàng triệu năm, cá mập trắng khổng lồ đã luôn giữ vị trí ông hoàng của biển xanh. Chúng là những kẻ săn mồi khát máu (dù không đến mức như phim), đứng đầu chuỗi thức ăn, và khiến cho những sinh vật khác dưới đại dương phải khiếp sợ.
Tuy nhiên, cá mập trắng cũng là sinh vật có nhiều điểm hết sức thú vị. Bộ răng của chúng chẳng hạn, có thể liên tục thay thế để duy trì đặc tính sắc nhọn. Hay như những gì khoa học mới xác nhận, máu của chúng chứa nồng độ kim loại nặng ở mức cực độc, vậy mà chúng chẳng làm sao cả, thậm chí là khoẻ mạnh hơn bình thường.
Cụ thể theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, các chuyên gia đã tiến hành thu thập và phân tích mẫu máu của 43 con cá mập trắng ngoài khơi Nam Phi. Kết quả cho thấy máu của chúng có chứa cả thủy ngân, arsenic và chì, với nồng độ cao đến mức gây chết người và đầu độc được những loài cá lớn.
Thế nhưng, những con cá mập trắng này dường như miễn nhiễm với độc tính của kim loại. Theo nhóm chuyên gia, họ đã kiểm tra cả nồng độ bạch cầu (thứ được hệ miễn dịch sản sinh để chống lại khuẩn và độc chất bên ngoai), nhưng tất cả đều ở mức bình thường. Điều này có nghĩa cơ thể chúng không hề chịu áp lực do các kim loại cực độc này mang lại.
“Kết quả này cho thấy có thể cá mập đã tiến hóa để có được cơ chế cho phép bảo vệ bản thân khỏi tác động của kim loại nặng,” – Liza Merly, tác giả nghiên cứu từ ĐH Miami cho biết.
Nhưng dĩ nhiên, việc phát hiện nồng độ kim loại nặng quá cao trong cá mập trắng không phải là một tin tốt. Dù chúng không sao cả, nhưng điều này có nghĩa rằng môi trường sống xung quanh đó đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cá mập trắng vốn là loài đứng đầu chuỗi thức ăn. Chúng ăn các loài vật khác và dễ dàng nhiễm độc từ con mồi. Điều này có nghĩa rằng con mồi của chúng – từ cá heo, hải cẩu cho đến cá ngừ – cũng đang bị nhiễm độc. Và thậm chí, con mồi của con mồi cũng đã nhiễm độc.
Hay nói cách khác, cá mập nhiễm độc là dấu hiệu cho thấy kim loại nặng đang tồn tại trong cả một hệ sinh thái rồi.
Theo đôi nghiên cứu, cá mập trắng có thể được dùng như một “chỉ số sinh thái”, nhằm giúp các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về môi trường đại dương. Con người cũng nằm trong hệ sinh thái này, và bạn hiểu câu chuyện này quan trọng thế nào rồi chứ.