Có chỗ chỉ bán hai phần mỗi khách, có chỗ lại doạ… không bán, nhưng bên dưới sự “chảnh” ấy lại ẩn chứa nét cuốn hút riêng khiến thực khách phải quay lại ủng hộ.
Sài Gòn lạ lắm ấy nhé, tuy chỉ là những hàng quán vỉa hè thôi nhưng lại có thái độ buôn bánh hết sức… “chảnh”. Có chỗ giới hạn chỉ bán hai phần cho một người, muốn mua nữa phải xếp hàng lại từ đầu, có chỗ lại “doạ” không bán cho khách. Mặc dù vậy, nhưng những quán chảnh ở Sài Gòn này lại luôn mua may bán đắt mới “kinh” chứ!
Trà sữa Phượng Hoàng
Trà sữa Phượng Hoàng được nhiều thực khách quen miệng gọi vui là trà sữa “chảnh” do một số nguyên tắc phục vụ khá “lạ lùng”. Ấy là những khi nào quá đông khách, chủ quán ra quy định bán đồng đều 2 ly cho mỗi người, muốn mua nữa thì xếp hàng lại từ đầu. Đây hoá ra không phải bởi “bất cần” mà là một lý do rất dễ thương là để không ai phải chờ quá lâu. Một số bạn trẻ đến mua trà sữa còn kể lại, “nếu có mấy bác lớn tuổi mua, nhất là các bác gái, hai anh chủ sẽ ưu tiên làm cho các bác trước”. Phần đông khách quen của trà sữa Phượng Hoàng cho rằng quán luôn đông đúc thế này cũng là có lý do cả, hai anh chủ thân thiện, vui tính, lại còn biết tôn trọng khách hàng nên hiếm ai phàn nàn.
Tuy vậy, cũng có nhiều người “tố cáo”, rằng quán cũng hơi “chảnh” đấy, vì dựng xe lề đường mua thì không bán, mà phải xuống xe, vào xếp hàng, bốc số thì mới… chịu bán cho để thiết lập trật tự. Hai anh chủ cũng rất để ý đến thứ tự, ai đến trước thì làm trước chứ không bao giờ cắt ngang và để người ta chờ lâu. Được biết, hương vị trà sữa ở đây tuy không có gì quá đặc biệt, nhưng chính nhờ thái độ bán rất “duyên” của hai anh chủ nên khách mới quay lại ủng hộ nhiều lần.
Bánh tráng “Chảnh”
Vốn ban đầu, gánh bánh tráng nhỏ ở Hồ Con Rùa không mang tên, nhưng sau vài lần được các bạn trẻ ở đây gán cho danh hiệu bánh tráng “chảnh” thì chị Mai chủ gánh đã lấy luôn làm… thương hiệu không đụng hàng. Những tưởng chữ “chảnh” này sẽ khiến thực khách chùn bước, nhưng không, hầu hết những bạn trẻ hay ghé chơi khu vực Hồ Con Rùa đều biết đến và là khách quen của hàng bánh tráng độc đáo này. Bánh tráng Chảnh có hương vị độc đáo nhờ vào sự thêm thắt với nem chua, và thu hút không ít khách cũng nhờ sự nhiệt tình, chân thành của chị Mai.
Còn về nguyên do ra đời của cái tên “chảnh”, thì phải nhắc đến những cuộc hội thoại “khó đỡ” giữa chị Mai và khách của mình. Những câu “mắng yêu” như “cà chớn đi, lần sau tui khỏi bán cho nha” hay “Gọi bánh tráng mà vẫy tưởng gọi bạn, gọi kiểu đó bữa sau tao khỏi bán à” là chuyện hết sức bình thường. Khách quen đều chẳng lạ gì kiểu đùa này của chị Mai và thậm chí còn thấy có phần thân thiết. Tuy nhiên bạn phải nhớ là khi mua bánh thì phải tử tế và lễ phép với người lớn tuổi hơn, chứ nếu nói năng “cộc lốc”, có khi chị Mai sẽ “cáu” và không bán cho đấy!
Chè Chảnh
Nếu sống gần đường Nguyễn Phi Khanh (Q1), bạn không thể nào không biết đến xe chè đỏ chót bằng gỗ đơn sơ chẳng có lấy chiếc bảng hiệu gần như không bao giờ vắng khách. Đây lại là một hàng chè vốn không có thương hiệu nhưng vẫn “chết danh” với cái tên Chảnh. Cái tên này được những khách hàng quen thuộc của hàng chè này truyền tai nhau, dần dà trở thành thương hiệu. Tuy nhiên khác với chị Mai bán bánh tráng hồn nhiên lấy chữ “chảnh” làm tên thì chủ tiệm chè này còn… “bơ đời” tới mức chẳng quan tâm người ta gọi mình là gì luôn đấy.
Thực ra cũng chẳng phải chủ quán tỏ thái độ hay xúc phạm khách hàng, nhưng vấn đề là ông chủ hoàn toàn không… tỏ thái độ gì cả. Một cảnh tượng diễn ra thường xuyên đối với các khách quen ấy là: trời Sài Gòn thì nắng chang, khách thì xếp hàng dài, nhưng ông chủ thì vẫn hết sức từ tốn múc chè, không có chi là vội. Cho dù khách có gọi món, có nhắc nhở, có hối thúc gì thì ông chủ vẫn “tỉnh bơ” múc chè với tốc độ “một mình một phách” với gương mặt không cảm xúc và gần như chẳng bao giờ ừ hử chi. Tuy nhiên những ai đã ăn quen ở đây thì cũng học theo ông chủ và… “bơ” luôn, lấy chè, gửi tiền xong rồi bình tĩnh rời đi.
Song, tuy “chảnh” là thế nhưng các món chè đậu nấu vừa đủ lửa bùi bùi, thơm thơm ăn kèm nước cốt dừa beo béo mằn mặn đặc trưng là yếu tố níu chân biết bao thế hệ thực khách Sài Thành đấy.
Trà sữa nhà hát
Đây cũng là một trong số những hàng quán vỉa hè được thực khách đánh giá là “chảnh” ở Sài Gòn. Bởi do lượng khách đông đúc mỗi ngày khiến bán “không ngơi tay” nên một số nhân viên đôi khi sẽ không tránh khỏi có thái độ tiêu cực. Bạn đừng ngạc nhiên khi người bán “bơ” luôn bạn cho dù có gọi đến vài lần, bởi vì đây là chuyện “thường ở huyện”. Nhiều bạn trẻ là khách quen còn cho rằng “không bị mắng lại là may”, bởi những lúc khách đông quá, nếu bạn nhắc nhở nhiều lần thì người bán sẽ đáp trả: “Cô biết rồi, đừng nói nữa, sao con nói nhiều quá vậy”.
Tuy nhiên, do vị trí quá “đắc địa” và giá cả hợp túi tiền nên hàng trà sữa túi lọc ở nhà hát lớn thành phố vẫn luôn là một trong những địa điểm yêu thích của giới học sinh, sinh viên. Nhiều bạn khách quen còn tiết lộ “bí kíp” để mua sao cho không bị mắng, ấy là “nhắm bị quên thì hẵng nhắc” và “thấy cau có thì thôi”, chứ những lúc nhân viên đang khó chịu mà nhắc thì càng lâu có đấy.