Loạt ảnh về một nhóm bạn trẻ cầm những tấm bảng ghi dòng chữ cảnh tỉnh tình trạng xả rác ở Đà Lạt dịp lễ vừa qua đã thu về không ít ý kiến trái chiều trên Facebook.
Tình trạng ý thức kém của nhiều người khi đi du lịch là vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng mạng thời gian gần đây. Trong đó, nạn xả rác bừa bãi là chuyện diễn ra như cơm bữa mà không một địa điểm du lịch nổi tiếng nào có thể tránh khỏi. Và dĩ nhiên, Đà Lạt luôn là cái tên đầu tiên thường xuyên hứng chịu nhiều hậu quả từ việc xả rác bừa bãi của du khách.
Những hình ảnh ngập tràn rác của chợ đêm Đà Lạt sau mỗi dịp lễ Tết đã trở nên quá quen thuộc!
Dịp lễ 30/4 & 1/5 vừa qua, thành phố ngàn hoa này đón nhận “cơn bão” check-in đông khủng khiếp từ du khách khắp mọi miền đổ về. Không nằm ngoài dự đoán, tình trạng chen lấn, đông đúc hay ngập tràn rác sau những cuộc vui chơi luôn gắn liền với nơi đây, đến nỗi người dân cũng đành “bất lực” tự xem đó như hình ảnh quen thuộc không thể thiếu của Đà Lạt mỗi dịp lễ Tết.
Các công nhân môi trường Đà Lạt luôn phải khổ sở với “biển rác” sau mỗi dịp lễ.
Trong những ngày vừa qua, một fanpage có tên “Tui là Rác” đã đăng tải những bức ảnh khá dễ thương thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Cụ thể trong loạt ảnh này, các bạn trẻ cùng đội nón, đeo khẩu trang đứng giữa dòng người tại khu vực chợ đêm Đà Lạt và cầm tấm bảng với nhiều dòng chữ “cảnh tỉnh” khá thú vị:
– “Tớ sẽ không xả rác. Nhắn luôn cả bạn khác đừng trở thành kẻ ác phá nát sự mộng mer“.
– “Này lữ khách ghé qua. Lấy yêu thương làm quà. Xem Đà Lạt là nhà. Nhưng rác lại nhiều quá. Tui nhìn mà xót xa“.
– “Lữ khách Đà Lạt để lại mộng mer. Còn kẻ ất ơ để lại toàn rác“.
Mới hôm nay, một fanpage du lịch khác đã đăng tải lại những bức ảnh này. Ngay lập tức, nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ trên ảnh đã được lôi ra bàn tán xôn xao dưới phần bình luận. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc:
– “Mộng mer là gì vậy? Cái nào nghiêm túc thì cho nó nghiêm túc, chứ kiểu nửa vời quá lại không hay!” – (Trương Hoài Phong).
– “Tiếng Việt còn không viết nghiêm túc thì đừng mong người khác phải nghe theo bạn!” – (Luân Nguyễn).
– “Sẽ hay nếu như là “mộng mơ”. Không biết sao chứ thấy chữ “mộng mer” ngứa mắt dễ sợ. “Mer” là gì vậy, có ý nghĩa gì đặc biệt khi ghi chữ này không vậy?” – (Lâm Thiên Ân).
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến khác lại bày tỏ sự ủng hộ và đóng góp ý kiến với hành động này của các bạn trẻ:
– “Thật ra chữ “mộng mer” sẽ làm người ta chú ý nhiều hơn và để lại ấn tượng sâu hơn. Chứ viết bình thường người ta lướt qua 1 cái là xong” – (Nguyễn Bình Trương).
– “Phải lắp biển quanh thành phố với nội dung như thế này” – (Đặng Văn Đại).
– “Đọc xong thì người ý thức sẽ nói là đã cố gắng trong vô vọng! Người không ý thức sẽ nói là rảnh rỗi! Mình với vợ mới đi đợt lễ vừa rồi, phải nói là tận mắt chứng kiến mấy bạn ăn ở, mới biết là nó như thế nào!” – (Nhan Bui).
– “Cách xử lý đơn giản là mỗi nhánh hàng rong lúc buôn bán đều để 1 thùng rác to công cộng kế bên. Khách ăn uống tại chỗ thấy thì sẽ tự bỏ rác vào. Ai muốn kinh doanh đều phải làm cách đó, còn không thì đuổi đi” – (Trọng Nguyễn).
Dù sao đi nữa, những hành động của các bạn trẻ này thật đáng để chúng ta ghi nhận, học hỏi và tự ngẫm nghĩ lại câu chuyện ý thức của bản thân khi đi du lịch. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân khi ghé thăm Đà Lạt, bạn nhé!