7 phim Hoa ngữ nghe nhạc nổi lên là không kịp… lôi khăn giấy ra “khóc lết”

Làng phim Hoa ngữ có không ít tác phẩm sở hữu nhạc phim hay và cảm xúc đến nỗi chỉ cần nghe nhạc, khán giả đã biết cần phải chuẩn tâm lý “khóc cùng phim”.

Nhạc phim Hoa ngữ thường được khán giả ưa chuộng vì giai điệu đẹp, ca từ sâu sắc, hơn nữa nhiều bản nhạc được sáng tác ra là để dành riêng cho phim, nên nghe nhạc như thể mường tượng lại câu chuyện trong bộ phim mình yêu thích. Chính vì nhạc phải tương xứng với phim, nên nhiều bộ phim Hoa ngữ đình đám sở hữu những bản nhạc phim giàu xúc cảm đến nỗi chưa cần xem phim, nghe nhạc là đã phải chuẩn bị tinh thần “ngược tơi tả”.

1. Hương Mật Tựa Khói Sương

Được gọi bằng mỹ danh “hiện tượng huyền huyễn” trong làng phim Hoa ngữ 2018, Hương Mật Tựa Khói Sương sở hữu đến hai bản nhạc phim buồn não nề: Bất Nhiễm và Tay Trái Chỉ Trăng. Hai bản nhạc thay nhau vang lên trong những trường đoạn cao trào hoặc đau khổ nhất. Cả hai ca khúc đều có một điểm chung, đó là ngay tiếng hát đầu tiên đã khiến người ta cảm thấy buồn. Nếu như Bất Nhiễm sở hữu ca từ phù hợp cho nỗi lòng của cả Húc Phượng (Đặng Luân) lẫn Cẩm Mịch (Dương Tử), thì Tay Trái Chỉ Trăng với sự thể hiện quá tha thiết của Tát Đỉnh Đỉnh lại như hát trọn tình cảm và đau đớn của Cẩm Mịch. Song hành cùng nhau, hai ca khúc phản ánh rõ rệt chuyện tình lắm truân chuyên không tưởng của hai nhân vật chính.

2. Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa

Còn nhớ hai năm trước, Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa gây sốt không chỉ nhờ cốt truyện và diễn xuất, mà còn nhờ bộ nhạc phim quá chất. Trong đó, Lạnh Lẽo của Trương Bích Thần song ca cùng Dương Tông Vỹ hẳn là bài hát được tìm nghe nhiều nhất bởi giai điệu thê thiết và lời ca ý nghĩa thật sự phù hợp với chuyện tình trắc trở của Dạ Hoa (Triệu Hựu Đình) và Bạch Thiển (Dương Mịch). “Còn cố tỏ vẻ không đau, không buồn, không miễn cưỡng. Tất cả chỉ là giả dối.” Thật may mắn là sau bao nhiêu hiểu lầm và đau khổ mấy kiếp, người yêu nhau cũng về được bên nhau.

3. Hậu Cung Chân Hoàn Truyện

Nhắc đến phim Hoa ngữ dòng cung đấu, cái tên đầu tiên phần lớn mọt phim nghĩ đến tin rằng là Hậu Cung Chân Hoàn Truyện, một tác phẩm cung đấu chỉn chu, kịch tính từ đầu đến cuối và được xem là mẫu mực của dòng phim cổ trang cung đình. Phim theo chân cuộc đời của nàng Chân Hoàn (Tôn Lệ) từ một thường tại từng bước từng bước đi đến ngôi vị Hi Qúy Phi tôn quí. Ca khúc Kiếp Hồng Nhan do cố ca sĩ Diêu Bối Na thể hiện ngắn gọn mà súc tích đi với với giai điệu chậm buồn như hát lên cuộc đời lắm huy hoàng mà cũng nhiều khổ đau của Chân Hoàn: “Thiên cơ không thể lường trước, khổ đau và hạnh phúc song hành”. Tin rằng mỗi khi giai điệu này vang lên, không ít khán giả phải bồi hồi hoài niệm về một bộ phim quá mức chỉn chu, một cuộc đời nữ cường nhân lắm chông gai và một nữ ca sĩ tài hoa mà bạc mệnh.

4. Hậu Cung Như Ý Truyện

Như Ý Truyện vốn là phim nữ chủ theo chân Như Ý (Châu Tấn) từ lúc là Thanh Anh với tình yêu trong sáng cùng Hoằng Lịch đến lúc trở thành hoàng hậu của hoàng đế Càn Long (Hoắc Kiến Hoa). Như Ý, cũng như Chân Hoàn, có được nhiều nhưng cũng mất đi nhiều. Đau đớn nhất là nàng thực lòng yêu Càn Long, nên trở thành hoàng hậu mà dần đánh mất đoạn tình cảm chân thành năm nào, đối với Như Ý là mất nhiều hơn được. Trầm Hương Lưu Niên đã hát thay cuộc đời của Như Ý, “một sợi chấp niệm khóa vào ải tình, quay đầu nhìn lại như giấc mộng như khói sương.” Trầm Hương Lưu Niên, hương trầm còn vương mãi đến vạn năm, chẳng phải ý nói dù người có ra đi, hương thơm lưu lại trên nhân thế vẫn chảy mãi theo năm rộng tháng dài, giống như nhân vật Như Ý vậy?

5. Phù Dao

Theo “truyền thống”, cứ diễn cùng bạn diễn thực lực là Dương Mịch lại phát huy tối đa được năng lực của mình, nhờ vậy nên sau cú hit Tam Sinh Tam Thế, Dương Mịch tiếp tục gây ấn tượng mạnh với màn kết hợp ăn ý cùng ảnh đế Nguyễn Kinh Thiêntrong Phù Dao. Ca khúc nhạc phim đầu tiên – Mộng Phồn Hoa ngay – từ lúc được phát hành đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả, trong khi đó các bản nhạc phim sau lại không được chú ý. Thật ra, ca từ của bài hát không quá buồn bã, nhưng giai điệu quá trầm và giọng hát nhấn mạnh cảm xúc của Hoàng Linh cho khán giả hiểu rằng hai nhân vật phải trải qua rất nhiều gian lao khổ ải mới về được bên nhau.

6. Sở Kiều Truyện

Sở Kiều Truyện của Triệu Lệ Dĩnh và Lâm Canh Tân được gọi là phim Hoa ngữ “siêu hit” từng càn quét mặt trận truyền thông năm 2017, nhờ thế mà bộ nhạc phim bài nào cũng chất của phim cũng được khán giả hăng hái “replay”. Trong nhiều bài nhạc phim, Tinh Nguyệt có lẽ là ca khúc da diết nhất, biểu thị rõ nhất tình cảm giữa hai nhân vật chính Vũ Văn Nguyệt và Sở Kiều. Tinh Nguyệt, trăng và sao, cũng chính là Nguyệt công tử và Tinh nhi của chàng. Họ đã yêu nhau sâu đậm, nhưng đến cuối phim vẫn là một kết cục bỏ ngỏ. “Trăng và Sao, dù xa xôi nhưng vẫn hướng về nhau. Ngàn vạn khổ, vẫn can đảm mà yêu người.”

7. Đông Cung

Thành viên mới nhất của “câu lạc bộ” những phim “nghe nhạc là biết ngược” chính là Đông Cung. Khắc họa chuyện tình ngược tâm đau đớn giữa Lý Thừa Ngân (Trần Tinh Húc) và Tiểu Phong (Bành Tiểu Nhiễm), hẳn nhiên Đông Cung phải có bộ nhạc phim “sầu tương xứng”. Ngoài Ái Thương, vốn đã là bản nhạc kinh điển trong lòng người thích nhạc Hoa ngữ nhờ giọng hát đi vào lòng người của Đổng Trinh nay do Tiểu Thời và Gong Tuấn thể hiện lại, Đông Cung còn có Sơ Kiến, ca khúc sở hữu phần điệp khúc cất lên là thấy đau khổ: “Biệt ly tan nát cõi lòng. Lệ rơi vô ích, người đã không về.” Đây chẳng phải là hát lên nỗi lòng của Tiểu Phong, mãi mãi ôm bóng hình Cố Tiểu Ngũ lương thiện đã mãi mãi chẳng thể quay về nữa?!