Có nhiều lần ẩm thực Việt Nam khiến chính bản thân người Việt phải “hoang mang” và chữ “chè” tưởng như đơn giản là một trong số đó.
Chữ “chè” là một trường hợp gây bối rối khi được dùng để chỉ nhiều món ăn, món uống khác nhau.
Khác ở đây không chỉ các món ăn cùng loại, chỉ khác về biến tấu nguyên liệu (như chè ngọt miền Nam thì có chè đậu xanh, chè chuối, chè đậu đỏ…). Chữ “chè” này được dùng để chỉ nhiều món ăn khác nhau hoàn toàn từ tính chất đến hình dáng và đặc biệt là không hề… liên quan gì nhau.
Nhắc đến chè, phần lớn đại chúng sẽ liên tưởng ngay đến các món tráng miệng ngọt, có nước, được làm từ các loại trái cây, rau củ, các loại đậu, nếp… và tương đối lỏng, ăn bằng chén và dùng muỗng để múc. Loại chè này ở Việt Nam rất phổ biến và đa dạng và gần như có mặt ở khắp mọi vùng miền, mỗi miền lại nổi tiếng với những món chè đặc sản rất riêng của mình. Ở miền Nam có các loại chè như chè bà ba, chè đậu xanh, chè chuối bột báng… Ở miền trung, ta có cố đô Huế nức tiếng với các món chè cung đình như chè long nhãn hạt sen, chè đậu ván và chè heo quay bột báng. Di chuyển về khu vực miền Bắc, thủ đô Hà Nội lại có các món chè quen thuộc như chè sắn, chè bà cốt, chè đỗ đen…
Chè heo quay bột lọc (trái) và chè đỗ đen (phải) là hai món chè Việt Nam nổi tiếng.
Như vậy, ta thấy từ chè đã được dùng để chỉ cả một nhóm những món tráng miệng ngọt truyền thống nổi tiếng mà vùng nào cũng có. Những tưởng chỉ đến thế cũng đủ “rối rắm” khi phải phân biệt các loại chè, nhưng không. Chữ chè còn xuất hiện trong tên của một số món khác đấy.
Một ví dụ điển hình của sự “bối rối” do chữ chè gây ra có thể lấy từ một câu chuyện thực tế của bản thân tôi, một người con miền Nam nhưng có rất nhiều họ hàng thân thích sống ở khu vực miền Bắc. Thời còn bé, có lần các cô chú từ miền Bắc đã lặn lội đến thăm, mang theo một món đặc sản gọi là “chè lam”. Khi đó, không chỉ tôi mà nhiều người trong gia đình sinh ra và lớn lên ở miền Nam đã phân vân, không biết làm thế nào mà người ta có thể mang các món chè ngọt có nước đi nghìn dặm vào đây được? Để rồi, khi những chiếc hộp được gói tinh xảo đặt lên bàn, chúng tôi lại ngẩn ngơ. “Chè” ở đây nào phải chè mà chúng tôi biết. Đó là một loại “bánh”!
Hoá ra chè lam chính là một món đặc sản của nhiều tỉnh thành miền Bắc, được làm từ bột nếp, lạc (đậu phộng), mật mía và gừng. Chè lam dai dai, có hình khối, khi ăn được cắt ra thành từng miếng mỏng, dùng với chè xanh nóng thì thật không còn gì bằng.
À mà đấy, đến đây lại “tòi” ra thêm một mặt khác của chữ “chè” rồi. Chè này lại không phải món ngọt mà là thức uống. Một số người Việt Nam dùng chè để chỉ “trà”. Trong bài ca dao Hà Nội ba mươi sáu phố phường có câu “Uống chè mạn hảo, ngâm nôm Thuý Kiều”. Nguyễn Trãi cũng thường dùng từ chè trong thơ của ông như “Sớm ba chén chè sen, mát ruột, nài chi vò đất hẩm hiu” hoặc “Say mùi đạo, chè ba chén”. Có thể thấy, chè được dùng để chỉ các loại thức uống làm bằng cách ngâm lá, chồi hay cành cây trà (cây chè) trong nước sôi.
Mặt khác, chè cũng có mặt trong tên một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội, ấy là món chè kho. Chè kho được làm bằng bột đỗ xanh nghiền nhuyễn có hương vị ngọt thanh, thơm thoang thoảng mùi đỗ, mùi vừng, hương bưởi. Đây là một món ăn truyền thống được làm rất kì công của người Hà Nội.
Chúng ta có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” mà ai cũng quen thuộc, nhưng ít ai nhận ra ẩm thực Việt Nam cũng lắm… “phong ba” không kém. Chỉ một chữ “chè” lại có thể dùng để chỉ thật nhiều khía cạnh khác nhau, chưa chắc ai cũng phân biệt được hết hoàn toàn. Vậy mới thấy, ẩm thực Việt đúng là chỉ có phong phú hơn, chứ không có phong phú nhất!