GÁNH PHỞ SUỐT 30 NĂM SÁNG ĐÈN LÚC NỬA ĐÊM Ở HÀ NỘI

Thưởng thức tô phở đêm muộn giữa cái se lạnh những ngày tháng 11 là trải nghiệm để lại nhiều dư vị trong hành trình khám phá mảnh đất Thủ đô của tôi.

– “Đi ăn phở đêm Hà Nội nhé?”

Đáp chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội khoảng 2h, lúc bụng đói cồn cào, cô bạn đồng hành mở lời rủ đi ăn phở, tôi lập tức đồng ý. Chúng tôi khệ nệ xách vali, bắt taxi đến ngã tư Hàng Đường – Hàng Chiếu trong đêm muộn.

Trước đó, tôi từng nghe bạn bè giới thiệu gánh phở đêm nổi tiếng nhất nhì Hà thành nhưng chưa có cơ hội đến thử. Quán mở cửa lúc 3h sáng, thời điểm hầu như ai cũng đang say giấc và khó lòng rời khỏi chiếc giường ấm áp.

30 năm sáng đèn phục vụ khách lúc nửa đêm

Không biển hiệu hay chỗ ngồi rộng rãi, gánh phở nhỏ nằm trong phố cổ vẫn tấp nập thực khách ra vào.

Quán ăn mở cửa từ 3h, khi nhiều người đang say giấc và đóng cửa lúc ngày mới bắt đầu. Giờ bán hàng chẳng giống ai làm nên thương hiệu phở gánh Hà Nội. Cô Thoa, chủ quán cho biết ban đầu vợ chồng cô chỉ bán vào buổi sáng nhưng chiều ý khách quen là dân lao động, những người đi chợ sớm nên thay đổi.

“Ngày nào còn sức bán hàng thì tôi vẫn sẽ mở cửa lúc 3h, như suốt 30 năm qua. Sau này con tôi nối nghiệp, nó muốn thay đổi thế nào cũng được”, cô Hoa hóm hỉnh nói.

pho ganh Ha Noi anh 2
Cô Hoa cùng chồng bán phở gánh đã được 30 năm.

Gánh hàng đơn giản với nồi nước dùng, nồi sốt vang, đĩa thịt bò phục vụ các món như phở chín, tái, sốt vang… Bàn ghế ngồi của khách đặt ở vỉa hè.

Ai đến quán cứ thấy chỗ trống thì vào ngồi, nhân viên đem ra một tô quẩy và rổ chanh, ớt ăn kèm. Chủ quán làm xong cho khách này thì người tiếp theo mới bắt đầu gọi món. Cô Thoa thoăn thoắt xếp các nguyên liệu rồi múc nước dùng vào tô phở. Phần ăn đến tay khách còn nóng hổi, nghi ngút khói.

Nguyên liệu được xếp cẩn thận, đẹp mắt trên mâm.

Xì xụp phở Hà thành trong tiết trời se lạnh

Trên đường đến, tôi tham khảo thông tin về quán trên một số hội nhóm ẩm thực. Địa điểm này chỉ nhận được 5,5/10, nhiều người cho biết họ có trải nghiệm không mấy vui vẻ ở đây vì phải chờ đợi quá lâu. Tuy vậy, phải có lý do để gánh phở ấy vẫn âm thầm tồn tại suốt 30 năm trời giữa đất Hà thành.

Cá nhân tôi cho rằng khung giờ bán không giống ai và hương vị phở bò sốt vang độc đáo là yếu tố níu chân thực khách.

pho ganh Ha Noi anh 3
Tô phở thập cẩm có giá 55.000 đồng.

Tôi và người bạn ghé tiệm phở lúc 3h, kế bên là một vài thực khách cũng đang ngồi chờ đợi. Không ai lên tiếng giục chủ quán làm nhanh, họ chỉ nói chuyện với nhau bằng những âm thanh rất nhỏ. Cứ thực khách nào nói to, ông chủ hàng phở lại nhắc nhở bằng gương mặt nghiêm nghị: “Nhà kế bên có người già, mọi người giữ trật tự”.

Có lẽ vì cơn mưa rả rích kéo dài từ đêm nên hàng quán vắng hơn thường ngày, không có hình ảnh khách ngồi kín bàn chờ gọi món như lời người bạn kể.

Gánh phở đã được dọn ra sẵn sàng, quan sát đĩa thịt bò xếp chồng từng miếng hoàn hảo, nồi chứa nước dùng đầy ăm ắp càng khiến bụng tôi thêm đói cồn cào.

Một tô phở thập cẩm bắt mắt, tương đối đầy đặn gồm bò sốt vang, bò tái, chín có giá 55.000 đồng.

pho ganh Ha Noi anh 4
Món phở bò sốt vang làm nên tên tuổi gánh phở.

Nước dùng phở hơi ngả màu vàng nâu của sốt vang và khá mặn so với khẩu vị của tôi. Hai miếng bò sốt vang trong tô to, được ninh nhừ, mặn mà. Sợi phở nhỏ, mềm nhưng không bở. Tôi thích phở Hà Nội vì có nhiều hành lá, ăn rất thơm và đỡ ngấy. Món ăn thêm hấp dẫn khi dùng kèm quẩy, vắt ít chanh, thêm ít ớt tươi.

Các nguyên liệu trong tô dễ ăn, vừa miệng song có lẽ không quá đặc biệt nếu đem so với hàng quán gia truyền có tiếng ở Hà Nội khác.

Duy chỉ có trải nghiệm ngồi xì xụp món ăn nóng hổi, chấm miếng quẩy ngọt nhẹ và cảm nhận cái se lạnh gần về sáng làm tôi khó lòng quên.

pho ganh Ha Noi anh 5
Nhiều thực khách phải đợi 1 giờ đồng hồ để thưởng thức phở ở đây.

Tôi ăn xong tô phở thì trời cũng gần sáng, thực khách ghé mỗi lúc một đông hơn. Họ có thể cũng như tôi, là khách du lịch nghe tiếng quán ăn mà tìm đến. Hoặc như lời chủ quán nói, họ là những người lao động dậy sớm, bắt đầu ngày mới bằng tô phở tròn vị.

Bỗng tôi nhớ đến câu văn mà Thạch Lam viết trong cuốn 36 phố phường: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội. Không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”.