Nhằm phản ánh sự đa dạng trong cơ cấu xã hội vào bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Điện ảnh Mỹ đề ra bộ tiêu chuẩn mới cho các phim tranh giải.
Sự đa dạng và sáng kiến hòa hợp là những chủ đề lớn mà Oscar theo đuổi trong những năm vừa qua. Variety đưa tin ngày 9/9, với tư cách thành viên của sáng kiến hòa hợp Academy Aperture 2025, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đã công bố bộ tiêu chuẩn mới cho tác phẩm tranh giải hạng mục Phim xuất sắc.
Với Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 và 95 dự kiến tổ chức trong các năm 2022 và 2023, nhà làm phim sẽ phải hoàn thiện mẫu tiêu chuẩn hòa nhập (Academy Inclusion Standards) để tác phẩm đủ điều kiện tham gia tranh giải hạng mục Phim xuất sắc.
Các tiêu chuẩn mới sẽ được áp dụng từ năm 2024. Ảnh: AMPAS. |
Bắt đầu từ Oscar lần thứ 96 tổ chức năm 2024, mỗi phim tranh giải tại hạng mục này đều phải đáp ứng ít nhất hai trong bốn tiêu chuẩn mới được ban hành.
Ngoài ra, các hạng mục khác của Oscar không có thay đổi trong thể lệ. Các tác phẩm hoạt hình, tài liệu dài hay phim quốc tế khi tranh giải Phim xuất sắc sẽ được xem xét riêng.
Năm 2016, sau một mùa Oscar không có đề cử dành cho diễn viên da màu, bà Cheryl Boone Isaacs, đại diện của Viện Hàn lâm thời điểm đó, đã đi đến quyết định lịch sử khi cam kết sẽ tăng gấp đôi số thành viên nữ và thành viên da màu trong cơ cấu ban tổ chức. Tới năm 2020, mục tiêu đã hoàn thành.
Giám đốc David Rubin và CEO Dawn Hudson của Viện Hàn lâm phát biểu trong một tuyên bố chung: “Tầm nhìn của chúng ta phải rộng mở hơn nữa để phản ánh sự đa dạng của cơ cấu dân số thế giới vào các tác phẩm điện ảnh và kết nối với những khán giả thưởng thức chúng. Viện Hàn lâm cam kết đóng vai trò quan trọng trên tiến trình biến điều này thành hiện thực”.
Chiến thắng của Moonlight (2016) tại Oscar 2017 đánh dấu sự thay đổi của AMPAS trong việc tôn vinh sự đa dạng sắc tộc trên màn ảnh. Ảnh: A24. |
Các tiêu chuẩn mới được chia làm bốn nhóm ký hiệu A, B, C, D. Trong đó: tiêu chuẩn A dành cho các diễn viên, chủ đề phim và cách thức biểu đạt; tiêu chuẩn B áp dụng cho đội ngũ lãnh đạo và các thành viên dự án; tiêu chuẩn C đặt ra bảo đảm chế độ đãi ngộ và cơ hội nghề nghiệp của nhân viên đoàn phim; tiêu chuẩn D tập trung vào khâu phát hành.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn A, phim cần có ít nhất một nhân vật chính hoặc thứ chính da màu hoặc nhóm dân tộc thiểu số. Tiếp đó, phim phải có ít nhất 30% diễn viên và tình tiết đề cập tới ít nhất hai trong số bốn nhóm: phụ nữ, LGBTQ+, da màu hoặc dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Tương tự, tiêu chuẩn B cũng đặt ra yêu cầu nhóm sáng tạo và điều hành cấp cao của dự án cần có sự góp mặt của ít nhất hai thành viên thuộc bốn nhóm kể trên. Với những vị trí quan trọng tiếp theo trong đoàn, con số nâng lên thành 6.
Tổng thể, đoàn phim cần đạt được con số 30% thành phần đoàn phải là phụ nữ, LGBTQ+, da màu hoặc dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Sự xuất hiện của nhóm thiểu số trong ngành điện cũng là cốt lõi của tiêu chuẩn C và tiêu chuẩn D.