Cái lu, cái kiệu chỉ còn trong kí ức đời sống của người miền Tây

Ở miền Tây, cách nay khoảng 30 năm trở về trước chuyện cái lu, cái kiệu là nét văn hóa riêng trong đời sống người dân. Có thể nói, cái lu, cái kiệu đã hình thành trong nếp sống con người nơi đây từ rất lâu. Đời sống kinh tế phát triển, bây giờ cái lu, cái kiệu, chái bếp, cái sàn lãng… chỉ còn trong ký ức, trong kỷ niệm rất khó phai nhạt trong mỗi người ở xứ sở vùng sông nước này.

Về miền Tây, hầu như bất cứ gia đình nào cũng đều có 1 dãy lu, dãy kiệu đặt bên hiên nhà, bên chái bếp, sau mái hứng nước mưa. Cái lu, cái kiệu trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống thường nhật của người dân miền sông nước. Ông bà xưa quan niệm rằng những hàng lu, hàng kiệu bên hiên nhà còn được coi là biểu tượng kinh tế gia đình. Nhìn những hàng lu, người ta biết gia cảnh của gia chủ thế nào.

Phân biệt cái lu và cái kiệu

Lu, kiệu cũng chỉ là tên gọi, không biết có từ khi nào. Có vùng gọi chung là cái lu  không phân biệt, nhưng cũng có vùng phân biệt cái lu với cái kiệu là khác nhau. Được sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây, lúc nhỏ tôi được dạy rằng cái lu là cái to tròn mập mạp màu xi măng xám xịt, còn cái kiệu là cái dáng cao ráo, thon gọn hơn màu vàng có vẽ hoa văn hình rồng đẹp mắt, trông sang trọng. Nhà nào có điều kiện kinh tế cũng rất thích sắm 1 hàng kiệu đặt bên mái hiên nhà.

Ở quê, cái lu thường đặt ngay bến nước để trữ lại nước ngọt từ sông về, hay được đặt bên chái bếp đựng nước mưa… Còn cái kiệu được đặt thành hàng dài bên hiên nhà. Hồi đó, nhà nào mà có hàng kiệu dài bên hiên nhà thì được coi là khá giả lắm.

Mặc dù là nơi có hàng triệu người sử dụng lu nhưng hầu hết các lu ở vùng đồng bằng miền Tây từ xưa tới nay được sản xuất ở nơi khác, cụ thể là khu vực miền Đông Nam bộ. Sau đó, lu được các ghe thuyền của thương lái buôn bán đưa đi, qua hệ thống sông ngòi kênh rạch. Ngày xưa, nghề buôn lu được coi là một trong những nghề làm ăn khấm khá của người dân miệt đồng bằng.

Hầu hết lu của người dân miền tây là lu sành, được sản xuất bằng cách nung đất sét ở nhiệt độ khoảng 500 độ C. Những chiếc lu này dù không phải độ bền vĩnh cửu nhưng sử dụng cũng vài chục năm. Có những chiếc lu có tuổi đời tới trăm năm.

Những cái lu, cái kiệu được ghe lái thương hồ mua trên vùng Lái Thiêu, Thuận An (Bình Dương) hay Biên Hòa (Đồng Nai) đưa về miền Tây bán lại. Đó là những chiếc lu sành được làm từ đất sét trắng nung ở nhiệt độ cao để có độ bền tốt trước điều kiện mưa nắng hai mùa. Ở miền Tây đến bây giờ cũng có nhiều gia đình vẫn còn sử dụng cái lu, cái kiệu, có những gia đình còn giữ được cái lu cả trăm tuổi đời.

Công dụng phổ biền nhất của lu, kiệu miền Tây là dùng hứng nước mưa hay để dự trữ nước ngọt phù sa về. Ngày xưa, những cặp vợ chồng trẻ  khi “ra riêng”, còn thường được ba má tặng cặp lu làm của.

Tìm hiểu kỹ hơn về cuộc sống của người dân miền Tây, ta biết thói quen sử dụng lu – kiệu, xuất phát từ điều kiện tự nhiên nơi đây, đặc biệt là mùa nước nổi. Khi đó, những chiếc lu chứa lúa gạo, khoai sắn hay mắm muối của người dân được kê cao lên để đề phòng nước ngập.

Các vựa làm mắm buôn bán thì dùng lu lớn, các gia đình chỉ sử dụng hàng ngày thì dùng lu nhỏ. Mắm cá linh, mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm tôm…, mỗi loại mắm lại phải dùng một loại lu khác nhau. Thậm chí, một loại mắm cũng phải có vài cái lu, tùy từng thời gian mà người ta sẽ trữ mắm. Phía hạ lưu Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau thì có mắm cá biển, mắm rạm, mắm ba khía, mắm tôm tép…, vì thế, có nhiều gia đình, trong vườn có cả hàng trăm chiếc lu.

Ngày trước, dường như mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải dùng nước đựng trong lu; nấu cơm, giặt giũ, rửa chén đều lấy nước từ cái lu ấy. Đến tháng mưa, người dân dùng lu để chứa nước, bỏ trái bí đao vào lu nước mưa tạo nên vị ngọt lành, mát mẻ của nước mưa được chứa trong đó.

Giờ đây, ở miền quê, đã có nước máy để sử dụng, không còn cảnh đợi nước lớn để gánh vào lu kiệu như những ngày xưa. Và nếu mỗi lần đâu đó bắt gặp hình ảnh cái lu, cái kiệu bên hiên nhà,  người ta lại thấy hiện ra trước mắt khung cảnh bình yên đến lạ thường.