Độc đáo những món ăn làm từ hoa vừa đẹp, vừa ngon

Đây là những món ăn làm từ hoa vô cùng độc đáo, ngon miệng mà bạn chỉ có thể tìm thấy trên bản đồ ẩm thực của Việt Nam. 

1. Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch là một trong những món ăn làm từ hoa rất nổi tiếng của tỉnh Hà Giang. Về miền cao nguyên đá nở hoa, bạn sẽ được nhìn thấy và thưởng thức loại bánh đặc biệt này. Tuy không là một món bánh cao sang mỹ vị nhưng đây là loại bánh gắn liền với cuộc sống của người dân Hà Giang.

Xem thêm: 6 trái cây đặc sản Việt Nam ăn buổi sáng sẽ là ‘thần dược’

Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của Hà Giang.

Bạn biết đấy, hoa tam giác mạch vốn là loài hoa “thương hiệu” nổi tiếng của Hà Giang. Người dân miền rẻo cao Tây Bắc không chỉ trồng hoa cho đẹp hay phục vụ du lịch mà còn thu hoạch hạt để tạo nên món bánh ngon và đặc trưng này. Với người Hà Giang, tam giác mạch không chỉ là hoa mà còn là một nguồn lương thực.

Món bánh dễ làm, dễ ăn.

Từ mạch trong “tam giác mạch” thể hiện đây là loại lương thực có thể ăn được. Và để làm bánh tam giác mạch, người ta sẽ thu hoạch hạt từ chính loài hoa này, sau đó phơi khô và xay bột làm bánh. Quá trình làm bánh, người ta có thể cho thêm ít đường, ít muối để tăng thêm hương vị.

Về Hà Giang, bạn nhớ thưởng thức món bánh tam giác mạch.

Bánh tam giác mạch là món ăn Việt Nam làm từ hoa khá đơn giản. Bột sau khi pha chế sẽ đem hấp cho chín và nướng lại để thưởng thức hoặc đem bán. Bánh thành phẩm thường có vị ngọt và bùi rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ. Đi du lịch Hà Giang, bạn có thể mua loại bánh này ở các khu chợ hoặc thưởng thức ở gia đình của đồng bào các dân tộc ít người.

2. Nộm hoa ban

Thêm một món ăn làm từ hoa rất ngon của núi rừng Tây Bắc mà bạn nên thử chính là nộm hoa ban. Loài hoa nguyên sơ, thuần khiết và trong lành ấy không chỉ vẽ nên một bức tranh đẹp cho miền núi mà còn góp phần tạo nên một món ăn thơm ngon khó cưỡng, làm đa dạng thêm nền ẩm thực Việt Nam.

Hoa ban cũng có thể làm nên những món ngon đặc biệt.

Được biết, nộm hoa ban là món đặc sản của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La. Hàng năm cứ vào độ tháng 2, 3 khi hoa ban khoe sắc khắp núi rừng, người Thái lại trổ tài làm món nộm hoa ban đặc biệt này. Hoa ban khi hái về được sơ chế, rửa sạch và để chuẩn bị làm nộm cùng với các loại gia vị khác.

Nộm hoa ban là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.

Theo kinh nghiệm của người dân tộc Thái, hoa ban khi sơ chế xong sẽ được đem luộc cùng nước sôi vừa chín tới. Hoa sau đó sẽ vớt ra và trộn đều cùng gừng, giềng, rau mùi, tỏi non, mắc khén, ớt,… tạo nên món nộm vô cùng hấp dẫn. Món nộm thành phẩm có nhiều hương vị như chua, đắng, ngọt, cay,… rất kích thích vị giác.

Đây là món ăn rất kích thích vị giác.

Món ăn làm từ hoa này muốn ngon và “đúng bài” thì khi trộn, không nên bỏ hết nước luộc đi. Người Thái chia sẻ rằng cần để lại một ít nước xấp xấp giúp món nộm ngon và đậm đà hơn.

Không chỉ người miền cao mới có những món ăn làm từ hoa hấp dẫn. Mà ở miệt đồng bằng như miền Tây cũng có loạt món ngon chế biến từ các  loài hoa. Một trong số đó là canh chua hoa điên điển – loài hoa đặc trưng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mỗi mùa nước lũ về.

3. Canh chua hoa điên điển

Điên điển là loài hoa đặc trưng của miền Tây.

Canh chua nấu bông điên điển là một trong những món ăn làm từ hoa chỉ có ở Việt Nam, thể hiện một nét đẹp mộc mạc và bình dị của người dân miền sông nước. Mỗi mùa lũ về, điên điển trổ hoa đầy trên những cánh đồng. Người dân chỉ việc ra hái về, rửa sạch và nấu thành món canh chua hấp dẫn.

Canh chua bông điên điển cá linh là món ngon của miền Tây mùa nước lũ.

Với bông điên điển, người miền Tây có thể nấu cùng nhiều loại cá khác nhau. Nhưng ngon “đúng điệu” nhất vẫn là canh chua bông điên điển với cá linh – một loại cá đặc trưng mùa lũ. Vị cá linh non ngon ngọt thơm béo hòa cùng chút nhẫn nhẫn của bông điên điển tạo nên một món ăn ngon hấp dẫn, ăn một lần là đem lòng thương nhớ.

Cá linh dùng nấu canh chua phải là cá linh non mới ngon.

Chẳng cần cầu kỳ gì mấy, ngoài hai nguyên liệu chính là cá linh và bông điên điển, người miền Tây chỉ cần thêm chút me, rau nêm, ớt,… là có thể nấu một nồi canh hấp dẫn. Quy trình nấu canh chua cũng đơn giản bằng việc nấu nước me chua, cho cá vào, nêm nếm và cho bông điên điển, rau thơm là xong.

Về miền Tây mùa nước lũ, du khách sẽ được thưởng thức món ngon này.

Giản dị, mộc mạc là vậy mà món ăn này trở thành thứ đặc sản tuyệt vời của miền miền Tây sông nước. Mỗi năm lũ về, món ngon này lại được dịp “lên sóng” ở các gia đình. Về sau, du khách phương xa đến miền Tây cũng biết đến nhiều hơn và gật gù khen ngon khi thưởng thức.

Sẵn về miền Tây ăn món canh chua rồi, thôi thì sang Đồng Tháp thử món gỏi gà hoa phượng. Đây cũng là món ăn làm từ hoa độc đáo mà bạn nên thử một lần khi có dịp. Món ăn này đã có từ lâu, nhưng phổ biến nhất là ở xứ “sen hồng” và các tỉnh lân cận. Dĩ nhiên muốn thưởng thức món ăn này, ai cũng phải đợi hè về.

4. Gỏi gà hoa phượng

Gỏi gà hoa phượng là đặc sản của Đồng Tháp.

Nguyên liệu chính của món gỏi gà hoa phượng chính là thịt gà luộc và hoa phượng. Nếu bình thường, người ta kết hợp thịt gà với hoa chuối, bắp cải hay các loại rau, hoa khác thì lần này kết hợp cùng hoa phượng. Hoa phượng khi dùng trộn gỏi cùng thịt gà có vị chua chua, mát mát hòa cùng vị mặn ngọt đặc trưng của gỏi miền Tây.

Hoa phượng có vị chua chua, chát chát, ăn cùng thịt gà thì “hết sảy”.

Công thức chế biến món ăn làm từ hoa này khá đơn giản. Thịt gà sau khi luộc đem xé nhỏ thành miếng vừa ăn, trộn đều cùng hoa phượng được sơ chế sạch. Sau đó cho thêm nước trộn gỏi và các nguyên liệu khác như rau thơm, hành phi, đậu phông, chanh, ớt, đường, muối,…

Món gỏi gà hoa phượng vô cùng đẹp mắt, hấp dẫn.

So với các món gỏi gà khác, gỏi gà hoa phượng không chỉ ngon miệng mà còn rất bắt mắt. Thịt gà trắng muốt cùng sắc hoa phượng đỏ rực, điểm xuyết thêm sắc xanh của rau thơm, màu vàng của đậu phộng,… tạo nên một món ăn hấp dẫn, khó cưỡng.

Mỗi món ăn làm từ hoa đều có sức hấp dẫn riêng.

Có nhiều món ăn làm từ hoa trong ẩm thực Việt Nam như bánh tam giác mạch, nộm hoa ban, gỏi gà hoa phượng hay canh chua bông điên điển. Mỗi món ngon mang một hương vị đặc trưng, thể hiện nét đẹp ẩm thực của từng vùng miền trên đất Việt, góp phần làm đa dạng thêm nền văn hóa của các dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Xem thêm: Loại quả dân dã tốt cho gan, giảm ho với cách chế biến cực kỳ đơn giản