Tiệm trà phục vụ khách bằng cốc giấy, còn với những cốc take-away, tiệm phải đậy thêm nắp nhựa và để lại câu đề trên miếng decal nhỏ: “Xin lỗi vì chúng tôi chưa tìm ra giải pháp thay thế nắp nhựa”.
Ở bất kì đâu, khi mua cà phê hay trà sữa, chủ quán đựng nước trong một chiếc cốc nhựa, đậy bằng một chiếc nắp nhựa, kèm một ống hút bằng nhựa rồi bỏ tất cả vào trong một chiếc túi nilon. Từ đó, rác thải nhựa ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta.
Theo các nhà khoa học, mất hơn 500 năm, một chiếc túi nilon – “đại diện” cho rác thải nhựa, mới bị phân hủy hoàn toàn trong đất. Các chất phụ gia làm nên túi nilon như chất hoá dẻo, kim loại nặng và phẩm màu, sẽ theo đất tiếp tục gây ô nhiễm. 500 năm là một con số ước tính, nhưng trên thực tế, hơn 1.000 năm may ra rác thải nhựa mới biến mất thực sự.
Thời gian gần đây, hưởng ứng trào lưu zero waste – không rác thải, nhiều người bắt đầu tập làm quen với lối sống hạn chế sử dụng đồ nhựa. Ở các quán cà phê, trà sữa, giới trẻ có cách riêng để thể hiện tình yêu môi trường, chẳng hạn như từ chối ống hút nhựa, uống nước trong bình, ly đã chuẩn bị trước.
Một tiệm trà ở Hà Nội sử dụng ống hút tre và ống hút cỏ bàng.
“Xin lỗi vì chúng tôi chưa tìm ra giải pháp thay thế nắp nhựa”
Một tiệm trà nhỏ ở Hà Nội đã chủ yếu bán các loại trà nguyên vị và không có topping, do đó ống hút chính mà họ sử dụng là ống hút cỏ bàng, rất tự nhiên lại không làm ảnh hưởng đến vị trà. Tiệm trà chỉ sử dụng ống hút tre loại to cho các khách hàng có nhu cầu dùng trà kèm topping, hoặc phòng trừ cho trường hợp không có ống hút cỏ bàng.
“Trước đây chúng tôi cũng đã thu phí ống hút tre nhưng nhận được nhiều phản đối từ khách hàng nên chúng tôi đã bỏ thu phí, thay vào đó là cố gắng tái sử dụng để tối ưu hoá chi phí. Nói là cố gắng là bởi chúng tôi cần phải kiểm tra chất lượng ống hút sau nhiều lần sử dụng có đảm bảo vệ sinh để dùng tiếp hay không” – đại diện tiệm trà chia sẻ.
Các cốc dành cho khách order và uống tại quán là cốc giấy không có nắp. Còn với cốc trà take-away, tiệm sử dụng thêm chiếc nắp nhựa với câu đề: “Xin lỗi vì chúng tôi chưa tìm ra giải pháp thay thế nắp nhựa”. Một lời xin lỗi không hẳn là xin lỗi, thực tế là một cú gợi nhắc người uống về việc rác thải nhựa đang ở mức báo động.
Lời nhắn nhủ dễ thương trên nắp nhựa giúp người uống nhận thức rõ hơn về rác thải nhựa.
Việc tìm ra giải pháp thay thế nắp nhựa đang là bài toán nan giải với nhiều quán cà phê, trà sữa. Với tiệm trà, họ đã từng thử dụng giấy nhôm, tuy nhiên chưa thu được kết quả khả thi đáng mong muốn. Họ đành chấp nhận dùng nắp nhựa cho những trường hợp take-away hoặc giao hàng. Trong thời gian tới, họ hứa hẹn sẽ triển khai dịch vụ cho thuê bình đựng nước. Tức là khách hàng sẽ đặt cọc 1 khoản tiền để sử dụng bình đựng trà trong trường hợp take-away. Sau đó họ có thể mang trở lại cửa hàng để lấy lại khoản đặt cọc hoặc cứ tái sử dụng để đựng trà trong các lần tiếp theo.
Những khách hàng mang theo ống hút cá nhân hoặc bình nước tới quán đều nhận được ưu đãi. Tuy nhiên, số lượng này còn ít.
“Chúng tôi cũng hiểu rằng không dễ gì thay đổi một thói quen tiêu dùng của khách hàng, do đó chính chúng tôi mới chủ động thay đổi vật dụng và hi vọng sau nhiều lần sử dụng thì khách hàng sẽ quen, rồi cảm thấy thoải mái với các vật dụng đó, tiếp đến là chủ động hưởng ứng.
Chúng tôi mong muốn ngoài việc kinh doanh có hiệu quả, làm ra thu nhập thì cũng phải quan tâm tới những yếu tố tác động gián tiếp đến việc kinh doanh là môi trường, là xã hội, bởi đây là những yếu tố trực tiếp hình thành nên con người, và con người lại là những người làm kinh doanh, lao động. Chúng tôi muốn mọi người nhìn thấy được một vòng tròn của sự sống, rằng tất cả những gì chúng ta làm đều tạo ra những tác động và những tác động này đều sẽ quay lại với chúng ta”.
Tiệm trà còn giảm tiền cho khách hàng mang theo ống hút hoặc bình nước cá nhân.
Không gian bên trong quán được bố trí khá nhiều cây xanh.
Hãy mạnh dạn nói “Tôi không cần ống hút nhựa”
Một trong những khó khăn thách thức các doanh nghiệp, quán cà phê, tiệm trà sữa hưởng ứng lối sống, lối kinh doanh xanh, chính là chi phí. Những vật dụng có chi phí tối ưu nhất thường có thành phần nhựa, đó cũng chính là lí do mà nhựa được sử dụng nhiều đến vậy. Khi thay đổi sang ống hút tre, chi phí đội lên bao gồm cả chi phí của bản thân sản phẩm và chi phí phát sinh. Ống hút tre với giá bán cao gấp nhiều lần ống hút nhựa, sau còn mất thêm nhân công điện nước để rửa, làm sạch cho các lần sử dụng tiếp theo.
Một khó khăn khác nữa, rõ ràng những vật dụng thân thiện môi trường không thể tiện dụng bằng các vật liệu dùng một lần, tuy nhiên điều này phụ thuộc nhiều vào mặt thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Bạn biết đấy, ống hút tuy không chiếm lượng lớn rác thải nhựa nhưng đây là thứ chúng ta có thể dễ dàng từ bỏ nhất. Theo một khảo sát ở Singapore, 60% số người được hỏi nói không cần ống hút nhưng vẫn dùng theo quán tính vì nhà hàng tự động mang ra. Vậy, chỉ cần 60% này chủ động nói “Tôi không cần ống hút nhựa” khi đi ăn hàng, chúng ta đã có thể cắt giảm một lượng đáng kể ống hút nhựa.
Các khách hàng đều rất hài lòng khi sử dụng ống hút tre dù giá thành sản phẩm tăng hơn so với các tiệm đồ uống khác.
Các loại ống hút tre hay ống hút cỏ bàng có thể tái sử dụng nếu đảm bảo yêu cầu. So với giá thành một cốc cà phê thì chi phí bỏ ra cho một chiếc ống hút thân thiện môi trường chẳng đáng là bao. Nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là những loại ống hút mới của tương lai, đóng góp công sức giảm thiểu phần nào rác thải nhựa vào môi trường.
Sự nỗ lực của một cá nhân không thể thay đổi cả cục diện, nhưng Trái đất thì luôn cần những cá nhân như thế.