GIẢI MÃ NHỮNG CON SỐ TRĂM TỶ CỦA PHIM REMAKE VIỆT

Làm lại các kịch bản phim ăn khách nước ngoài đã trở thành lựa chọn quen thuộc trên màn ảnh Việt. Tuy nhiên, đây là canh bạc ẩn chứa không ít rủi ro.

Tại Việt Nam, hoạt động mua bản quyền làm lại các tựa phim nước ngoài (từng được gọi bằng cái tên “Việt hóa phim ngoại”) nở rộ từ sau năm 2008 khi phim dài tập Cô gái xấu xí phát sóng. Phim được làm lại từ TV series You soy Betty, la fea của Colombia và lên sóng truyền hình quốc gia với hai mùa phim dài 176 tập. Từ Cô gái xấu xí, remake (làm lại) đã trở thành một trào lưu của phim Việt.

Những dự án remake từng thất bại thê thảm

Trên màn ảnh rộng, xu hướng mua bản quyền làm lại các tác phẩm nở rộ từ năm 2015. Trong 5 năm từ 2015 tới 2020, điện ảnh Việt cho ra đời 14 bộ phim remake từ nguyên tác thuộc nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Italy, Argentina, Philippines…

Ra đời với tần suất trung bình 3 phim/năm, chất lượng các tác phẩm làm lại của Việt Nam đều ở mức khá, với một vài cái tên bật lên về cả chất lượng lẫn thành công thương mại như Em là bà nội của anh (2015), Tháng năm rực rỡ (2018) hay Tiệc trăng máu (2020).

Ngoài nhóm tác phẩm đột phá trên, nhiều phim làm lại của Việt Nam đạt được mức doanh thu an toàn, dao động trong khoảng từ 30 đến 40 tỷ đồng cũng không nhiều – Bạn gái tôi là sếp (2017), Ông ngoại tuổi 30 (2018), Anh trai yêu quái (2019). Còn lại, đa phần các phim rơi vào nhóm hòa vốn hoặc thua lỗ như Sắc đẹp ngàn cân (2017), Yêu em bất chấp (2018) hay Bằng chứng vô hình (2020)…

phim remake Viet anh 2
Bản remake Sắc đẹp ngàn cân gây thất vọng từ nội dung nhạt nhòa, rập khuôn phim gốc tới chất lượng kỹ thuật hóa trang nghèo nàn. Ảnh: CJ.

Sắc đẹp ngàn cân (2017) có sự góp mặt của Minh Hằng và Rocker Nguyễn trong các vai chính được làm lại từ kịch bản 200 Pound Beauty (2006). Yêu em bất chấp dựa trên nội dung của My Sassy Girl (2001) còn nguyên tác của Bằng chứng vô hình là Blind (2011).

Những năm đầu thập niên 2000, My Sassy Girl là một trong những tác phẩm dẫn đầu làn sóng văn hóa Hàn Quốc du nhập vào Việt Nam. Tương tự, 200 Pound Beauty cũng làm mưa làm gió trong những năm cuối thập niên 2000. Hai bộ phim, từng được phát hành tại Việt Nam với tên gọi Cô nàng ngổ ngáo và Sắc đẹp ngàn cân, đều được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, khi được remake lần lượt trong các năm 2017 và 2018, Sắc đẹp ngàn cân và Yêu em bất chấp lại khiến nhà sản xuất nhận về “quả đắng”.

Sắc đẹp ngàn cân chỉ thu về 26 tỷ đồng sau khi ra rạp, con số thấp hơn rất nhiều phim Việt khác ra mắt năm 2017 như Mẹ chồng (39 tỷ đồng), Nắng 2 (40 tỷ đồng), Cô Ba Sài Gòn (51 tỷ đồng)… Đáng nói, phim của Minh Hằng và Rocker Nguyễn còn thua kém doanh thu của hai phim làm lại khác là Yêu đi, đừng sợ! (28 tỷ đồng) và Bạn gái tôi là sếp (37 tỷ đồng).

Năm 2018 của điện ảnh Việt tiếp tục được đánh dấu bằng thành công thương mại của những bộ phim kịch bản gốc như Siêu sao siêu ngố (108 tỷ đồng), Chàng vợ của em (87 tỷ đồng) bên cạnh những cái tên dù không gặt hái doanh thu “khủng” nhưng ghi điểm vì sự chỉn chu và nội dung mới mẻ như Nhắm mắt thấy mùa hè hay Song lang… Yêu em bất chấp có Hoài Lâm và Ngọc Thanh Tâm hoàn toàn không xuất hiện trong bản danh sách những tác phẩm thành công ấy.

phim remake Viet anh 3
Yêu em bất chấp xuất hiện và nhanh chóng chìm nghỉm giữa hàng loạt phim Việt ra mắt năm 2018. Ảnh: Live Media.

 Yêu em bất chấp của đạo diễn Văn Công Viễn chiêu đãi khán giả những hình ảnh đẹp mắt đến từ khung cảnh nên thơ của thành phố Đà Nẵng hay hai gương mặt diễn viên chính trẻ trung, đúng chuẩn trai xinh gái đẹp là Hoài Lâm và Ngọc Thanh Tâm, tác phẩm vẫn mất điểm trầm trọng vì “sao y bản chính” My Sassy Girl của Hàn.

Câu chuyện cậu sinh viên hiền lành (Hoài Lâm) phải lòng cô gái bí ẩn, cá tính và đanh đá (Ngọc Thanh Tâm), dẫn đến hàng loạt tình huống dở khóc dở cười có thể là yếu tố ăn khách vì sự mới mẻ vào 17 năm trước (so với thời điểm Yêu em bất chấp ra mắt). Nhưng theo thời gian, mô-típ đã trở nên cũ mòn cùng với sự ra đời của hàng loạt tác phẩm hài, tình cảm với hình mẫu nhân vật chính tương tự.

Cái bẫy an toàn của sự cũ mòn đặt dấu chấm hết cho Yêu em bất chấp cũng là vũng lầy mà Sắc đẹp ngàn cân từng sa vào một năm trước đó. Cốt truyện hài hước, lãng mạn và ấm áp từ năm 2006 được tái hiện với độ chính xác cao trong bản làm lại dễ dàng khiến khán giả chán ngán.

Vào năm 2017, phẫu thuật thẩm mỹ – một trong những vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc – lại không phải mối quan tâm của đa phần khán giả Việt. Chưa kể, sau hơn một thập kỷ, cái nhìn của công chúng về việc nghệ sĩ chỉnh sửa nhan sắc đã cởi mở hơn rất nhiều. Lối tấu hài của năm 2006 cũng đã trở nên lỗi mốt, đôi chỗ còn vô duyên với khán giả hiện đại.

Thất bại mới nhất của dòng phim làm lại của điện ảnh Việt là Bằng chứng vô hình của Trịnh Đình Lê Minh. Bộ phim xoay quanh cuộc đối đầu giữa cô gái mù và gã sát thủ máu lạnh từng một thời khuấy động màn ảnh rộng xứ Hàn khi được làm lại tại Việt Nam chỉ thu về chưa đầy 7,6 tỷ đồng – con số nhiều khả năng chưa vượt qua mức chi phí sản xuất.

Nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với bộ phim đến từ việc bản thân tác phẩm giật gân có yếu tố điều tra phá án được làm quá sơ sài và để lộ nhiều kẽ hở trong tình tiết. Nhân vật tên giết người hàng loạt do Quang Tuấn thủ vai chỉ là phiên bản bắt chước màu mè và vụng về của gã sát nhân trong bản phim gốc.

Thêm vào đó, những khác biệt trong bối cảnh xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng khiến bộ phim buộc phải thay đổi nhiều tình tiết “đinh” theo hướng tô hồng, nói giảm nói tránh.

Số phận trái ngược của bản phim Hàn thành công và bản remake Việt thất bại của Sắc đẹp ngàn cânYêu em bất chấp hay Bằng chứng vô hình là kết quả từ những lựa chọn sai lầm của nhà làm phim Việt khi tái hiện câu chuyện ăn khách một thời.

Sự vênh lệch trong văn hóa giữa hai quốc gia ảnh hưởng không nhỏ tới cách nhà làm phim và khán giả tiếp nhận hay xử lý các vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

Bên cạnh đó, độ lùi thời gian cũng là quả bom nổ chậm dễ khiến tác phẩm làm lại thất bại khi những yếu tố từng là tiêu chuẩn của sự đột phá mới mẻ một thời nhanh chóng trở thành mô-típ cũ kỹ, lặp lại chỉ sau một vài năm.

Những con số trăm tỷ hiếm hoi

Thành bại nhìn từ doanh thu phòng vé của các bộ phim làm lại của Việt Nam cho thấy tầm ảnh hưởng và độ nổi tiếng của các phim nguyên tác chưa hẳn là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới thành bại của bộ phim. Một bộ phim làm lại sẽ sống sót, và thành công vang dội, nếu nhà làm phim biết rõ mình cần sử dụng các nguyên liệu gì, với tỷ lệ bao nhiêu cho tác phẩm của mình.

Điển hình, dù giữ lại đến 90% các tình tiết của nguyên tác Miss GrannyEm là bà nội của anh vẫn ghi điểm với khán giả nhờ có những thay đổi hợp lý về bối cảnh lịch sử. Nhân vật bà Đại (Miu Lê) là một phụ nữ người Bắc di cư vào Nam, có chồng là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh. Cuộc đời bà ghi dấu những biến động lớn lao của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong Em là bà nội của anh, ca khúc Còn tuổi nào cho em của Trịnh Công Sơn được sử dụng như một điểm nhấn cũng giúp phim tạo cảm giác gần gũi với khán giả. Không những thế, ca từ của bài hát cũng thay bà Đại kể lại cuộc đời, tâm tư và tiếng lòng mình trong vài phút ngắn ngủi trên sân khấu.

phim remake Viet anh 4
Em là bà nội của anh là tác phẩm remake đầu tiên lọt vào “câu lạc bộ” doanh thu trăm tỷ của màn ảnh rộng Việt Nam. Ảnh: CJ.

Làm lại, nhưng không bê nguyên xi mọi thứ trong nguyên tác lên màn ảnh cũng là bí quyết giúp Tháng năm rực rỡ (2018) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thành công với con số doanh thu 85 tỷ đồng. Lấy bối cảnh những năm 1970 nhiều biến động, Nguyễn Quang Dũng đặt các cô gái của nhóm Ngựa Hoang vào “xứ sở hoa” Đà Lạt.

Đà Lạt luôn là điểm đến yêu thích của điện ảnh Việt nhờ khung cảnh yên bình và cảm giác cổ điển. Với Tháng năm rực rỡ, Đà Lạt góp phần tô đậm không khí hoài niệm mà bộ phim hướng tới. Bộ phim không chỉ tái hiện câu chuyện về một nhóm nữ sinh cụ thể, mà còn lồng ghép trong đó cả một khung trời kỷ niệm gắn liền với âm nhạc, thời trang, lối sống và cả những biến động lịch sử của thời đại đã qua.

Trong Tiệc trăng máu, bộ phim remake vừa cán mốc doanh thu 120 tỷ sau ba tuần trụ rạp, thành công của nhà làm phim lại đến từ việc chọn đúng câu chuyện mang tính thời sự và có tính khái quát cao. Sống giữa xã hội hiện đại, ai cũng có sở hữu một chiếc điện thoại – công cụ liên lạc nhưng cũng đồng thời là chiếc hộp Pandora ẩn chứa biết bao bí mật sâu kín không tiện chia sẻ cùng ai.

Do đó, trò chơi công khai tin nhắn, cuộc gọi đến trong nguyên tác Perfect Strangers (2016) của Italy hay những bí mật bị tung hê xung quanh trò chơi ấy được kể lại trong Intimate Strangers (2018) vẫn luôn tươi mới sau nhiều năm, và đúng với nhiều nền văn hóa, bao gồm cả Việt Nam.

Nhà làm phim không cần quá đau đầu để toan tính làm cách nào để “Việt hóa” các yếu tố văn hóa trong bản phim gốc hay cũng không phải lo ngại tránh né những vấn đề nhạy cảm trong xã hội.

phim remake Viet anh 5
Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã cán mốc doanh thu 120 tỷ đồng và tiếp tục tăng. Ảnh: Lotte.

Bên cạnh nội dung hợp thị hiếu, cả Em là bà nội của anhTháng năm rực rỡ và Tiệc trăng máu đều quy tụ được dàn diễn viên tài năng, hợp vai, và hòa hợp với bạn diễn. Tháng năm rực rỡ quy tụ được dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt ăn khách, nhóm Ngựa Hoang thập niên 70 do Hoàng Oanh, Hoàng Yến ChibiJun Vũ, Khổng Tú Quỳnh thủ vai trong khi dàn diễn viên thủ vai các nhân vật này thời hiện tại gồm Hồng Ánh, Thanh Hằng, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên… Họ đều vào vai tròn trịa, khiến khán giả cùng khóc cùng cười theo nhân vật.

Với Tiệc trăng máu, dù bộ phim chỉ diễn ra trong một bối cảnh duy nhất, nhưng sự linh hoạt trong diễn xuất của dàn diễn viên chính gồm Thái Hòa, Thu Trang, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn, Đức Thịnh đã khiến khán giả hoàn toàn bị cuốn theo câu chuyện của từng nhân vật.

Đặc biệt, Thái Hòa và Thu Trang đã có một màn tung hứng ăn ý, trở thành trung tâm của cả tác phẩm. Trong vai nhà báo Bất Bình gia trưởng và cô vợ “ruột để ngoài da” Thu Quỳnh, Thái Hòa và Thu Trang đã thuyết phục người xem họ là cặp đôi đã yêu nhau say đắm, nhưng giờ tình cảm nồng cháy ấy đã nguội lạnh, dẫn đến hàng loạt bi kịch bẽ bàng, đớn đau.

Làm lại các tựa phim ăn khách là lựa chọn nhanh gọn và kinh tế với các nhà làm phim khi tiết kiệm được khâu tìm kiếm ý tưởng và xây dựng kịch bản từ con số 0. Tuy nhiên, sự dễ dàng nào cũng tiềm ẩn rủi ro – mà thất bại của không ít các tựa phim remake Việt thời gian qua là ví dụ.

Nhưng một khi đã hiểu, và vượt qua được những khó khăn ấy, thì bộ phim làm lại, dù là tác phẩm “chế biến” lại từ những nội dung thuộc về một nền văn hóa khác, vẫn dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.