Giỗ Tổ Sân Khấu – Ngày 12 tháng 8 âm lịch

Ngày Giỗ Tổ sân khấu là một nét đẹp văn hóa của nghệ sĩ Việt Nam, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn cũng là dịp để nghệ sĩ nhìn lại chính mình. Và là ngày tề tựu của đại gia đình hoạt đông nghệ thuật sân khấu trên mọi miền đất nước.

Trải qua hàng trăm năm, truyền thuyết ông tổ sân khấu vẫn còn in dấu vết trong sinh hoạt nghệ sĩ, gánh hát. Ngày giỗ tổ được vinh danh thành Ngày Sân khấu Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới của loại hình nghệ thuật này. Từ năm 2010, ngày giỗ tổ sân khấu (ngày 12-8 âm lịch) được Ban Bí thư trung ương và Chính phủ công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam. Sân khấu đã có hàng trăm năm lịch sử tồn tại và sức lan tỏa hiếm thấy vào đời sống xã hội, chuyện về ngày giỗ và ông tổ của giới sân khấu Việt Nam đã trải bao thăng trầm với nhiều thế thái nhân tình đẫm nụ cười và nước mắt…
Hằng năm, cứ đến 12/8 Âm lịch, giới nghệ sĩ Việt lại nô nức hướng về ngày Giỗ Tổ Sân Khấu bằng tất cả lòng thành kính. Người trong nghề dần thân thương gọi ngày này là Tết Nghệ Sĩ, thật vậy, vì dù người nghệ sĩ đang ở đâu, làm gì, còn ở thời hoàng kim hay ở bên kia sự nghiệp, tất cả đều mong muốn thắp một nén hương lòng trước bàn thờ Tổ Nghiệp.
Ban đầu, chỉ những nghệ sĩ mới đặc biệt chú ý đến ngày này, nhưng dần dà, cả những người thợ hóa trang, làm tóc, những người làm âm thanh, ánh sáng, thiết kế, phục trang những người làm công việc phía sau hậu trường, nói chung là tất cả những nghề có liên quan trực tiếp đến nghệ thuật – sân khấu,… đều tề tựu trước bàn thờ Tổ Nghiệp trong ngày đặc biệt này.

Sau một năm làm việc cật lực dưới ánh đèn sân khấu, đem lời ca, tiếng hát và diễn xuất làm vui đời, vui người, họ lại ngồi lại với nhau, có thể là ở một ngôi đền thờ Tổ Nghiệp uy nghi, có thể là một bàn thờ trang nghiêm được dựng giữa một sân khấu, hoặc cũng có thể là một mâm cúng đơn giản nhưng thành kính. Họ gọi một năm qua họ đã “ăn lộc Tổ”, “được Tổ đãi”, với những nghệ sĩ có một năm thành công, họ lại đến tạ ơn Tổ Nghiệp đã rộng mở cho con đường mình đi; với những nghệ sĩ mãi lận đận, đây lại là dịp nguyện cầu những điều tốt đẹp cho con đường nghệ thuật sắp tới.
Những mâm lễ tươm tất đem theo lòng thành và những nguyện ước, những nén nhang kết nối con người với thế giới siêu thực, những lời nguyện cầu từ trong tim được dâng lên trước bàn thờ,… tất cả tạo nên một cảnh tượng thiêng liêng nhưng cũng đầy ấm áp. Và rồi, họ cùng ngồi lại với nhau, chia ngọt, sẻ bùi, có những nghệ sĩ cả năm trời – người Đông người Tây, kẻ Âu người Á – chưa gặp được nhau, nay lại trùng phùng, ôn lại dăm ba câu chuyện xưa, trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề, tự hào về những thành tựu một năm qua đạt được. Lớp nghệ sĩ trẻ lại được gặp gỡ những bậc lão làng, tiền bối, để lại có thêm động lực và sức mạnh đi tiếp trên con đường đã chọn. Lớp nghệ sĩ đi trước lại được dịp hồi tưởng về những tháng năm hoàng kim của nghệ thuật sân khấu, lại dặn dò hậu bối những điều đối nhân xử thế với đời, với nghề.

Tổ Sân Khấu thực ra là ai? Cho đến nay chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng từ khi những nghệ sĩ lão thành như NSND Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há… còn nhỏ xíu thì đã thấy có lễ giỗ tổ rồi. Các học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi,… đã có nhiều nghiên cứu về ông tổ sân khấu và đưa ra nhiều yếu tố lịch sử, giai thoại, truyền thuyết… nhưng không chuyện nào giống chuyện nào. Nhiều truyền thuyết cho rằng ông thợ may, thợ rèn, thợ mộc, bà bán quán, một đứa bé, cả thần bạch mi của giới bán phấn buôn hương… là tổ sân khấu. Bởi như nhà nghiên cứu Đinh Bằng Phi nói: “Nghề hát phải học của tất cả nghề và mang ơn tất cả khán giả mọi thành phần đã nuôi sống mình”. Song phổ biến nhất là câu chuyện: Tổ sân khấu là ba người gồm ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin.
Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền chuyện về hai vị hoàng tử mê tuồng đến mức chết trong buồng hát nên được thờ. Câu chuyện kể rằng, ngày xưa, có một vị vua vì khó có con nên hàng ngày khẩn cầu trời phật ban phúc. Cứ mỗi khi làm lễ lại có người đóng vai thần linh bay trên trời vừa múa vừa hát. Lòng thành lâu ngày cũng được chứng giám, hoàng hậu thai nghén và sinh ra hai người con trai. Từ đó mỗi năm nhà vua đều cho làm lễ để tạ ơn Trời Phật. Lâu dần thành quen, hai hoàng tử lớn lên thích xem hát đến quên ăn quên ngủ, rồi trở nên gầy còm, ốm yếu. Thương con, vua cha cấm không cho xem hát nữa. Nhưng vì mê quá, hai hoàng tử đã lén chui vào xó buồng nghe hát. Chỗ khuất quá nên không ai để ý, tới lúc tìm ra cả hai đã qua đời. Nhưng dù đã về bên kia thế giới, thỉnh thoảng họ vẫn hiện về để xem hát nên con hát quyết lập bàn thờ, phụng kính là Tổ.
Theo lời của một số nghệ sỹ cải lương cùng các hương án bàn thờ cải lương xưa, tổ cải lương có 3 vị là Tam Thánh. Trong đó một vị là Bạch Hoa từng được vua Lê sắc phong là “Đào Hoa Công chúa”, vợ Đinh Lễ và là người có nghề ca múa. Hai vị hai bên là Lã Động Tân và Lý Thiết Quài – một người ăn xin. Phù hợp với tương truyền trong nghề là 1 trong 3 vị tổ là ăn xin nên giới nghệ sĩ thường không cho tiền ăn xin.

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, ông Tổ sân khấu là một hoàng tử vì mê sân khấu nên trốn vua cha, chui vào bộng cây vông để theo gánh hát rồi không may chết cháy trong đó. Tượng của ông sau này được làm bằng cây vông, đó cũng là lý do giới nghệ sĩ kiêng mang guốc vông. Câu chuyện khác cũng có liên quan đến những vị hoàng tử. Ba người có cái tên lần lượt là Càn, Chơn và Chất. Vì mê xem hát, cả ba đã nghĩ ra cách dùng quả thị làm ám hiệu để trốn vua cha. Một ngày nọ, không rõ vì lẽ gì, chỉ có Chơn và Chất đi xem hát, trên đường về, hai hoàng tử mắc một trận mưa lớn và chết vì quá lạnh. Hoàng tử Càn lên ngôi nhưng ông làm vua chẳng được bao lâu. Vì thương nhớ hai em và mê hát, ông đã bỏ cung đình và tìm người lập gánh hát. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, mùa mưa bão chẳng ai thuê nên gánh rã. Gom tài sản vào hai chiếc thúng, hoàng tử Càn gánh đi nhưng đất trời khắc nghiệt, ông gục ngã khi quá kiệt sức. Nghe đâu trước khi qua đời, ông còn gọi tên hai em. Ở nơi ông mất, nhiều người nói họ nhìn thấy bóng hình của ba anh em ôm nhau trong hương thơm ngào ngạt của quả thị. Lúc sống mê hát, lúc chết vẫn nguyên như thế. Họ tìm đến những gánh hát để tá túc và giúp đỡ con hát. Sau này, người ta thường lấy ngày hoàng tử Càn mất để làm ngày tưởng nhớ ba anh em và xem họ là Tổ Nghề.
Một giả thuyết khác dựa trên tư liệu lịch sử thì người được thờ đúng vào 12/8 âm lịch là Tổ Hát chèo – bà Phạm Thị Trân, người đầu tiên được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu Bà và dạy quân lính múa hát. Bà được giới chèo coi là Tổ nghề, và cũng có thể gọi là Tổ của những nghề liên quan đến sân khấu.
Nói đi nói lại để chúng ta có thể thấy rằng: vị Tổ Sân Khấu không cố định, mà tùy vào niềm tin của đoàn hát, tùy vào từng vùng miền,… Hương án thờ Tổ của giới sân khấu hiện nay chỉ gồm một chữ “Tổ” hay “Tổ Nghiệp”, đa phần không còn tượng và cũng khó biết là ai. Có thể thấy, Tổ Nghiệp Sân Khấu đến tận thời điểm hiện tại, vẫn chưa ai có thể nói rõ chính xác là những vị nào. Nhưng rõ ràng, trong tâm thức của bất kì người nghệ sĩ Việt nào, họ đều có một Tổ Nghiệp ở trong tim, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nơi gửi gắm những ước nguyện về công danh. Tổ không chỉ đơn giản là một người, mà đã trở thành một đấng thiêng liêng, luôn ở trên cao soi xét những hành động của người nghệ sĩ trên sân khấu.

Cũng chính vì quan niệm đó, đông đảo nghệ sĩ đều quan niệm phải trân trọng nghề, yêu nghề và “sống chết” vì nghề vì chính Tổ đã ưu ái ban nghề đến cho mình. Phải làm nghề sao cho xứng đáng, làm rạng danh Tổ. Và cũng vì thế, không được làm những điều làm vấy bẩn và ô uế sân khấu và nghề, hậu quả sẽ không thể lường trước được. Chính những quan niệm mang tính tâm linh đó như một kim chỉ nam cho mỗi người nghệ sĩ khi dấn thân trên con đường nghệ thuật, và cũng chính là lời răn dạy nghiêm khắc cho mỗi người đứng trên sân khấu, “ăn lộc Tổ”.
Đó là xét về khía cạnh tâm linh, nhưng rõ ràng trong thực tế, mỗi người nghệ sĩ đều cần phải nghiêm túc khi đứng dưới ánh đèn sân khấu. Họ đã được phú cho khả năng nghệ thuật hơn người, được người người ngưỡng vọng nên họ càng cần phải hoạt động nghề nghiêm túc, đó là một sự tôn trọng khán giả mà ai cũng cần phải có. Quan niệm trên tuy tâm linh, nhưng lại thực tế, giá trị ấy vẫn tồn tại đến tận ngày hôm nay. Những câu chuyện truyền miệng trong giới nghệ sĩ về sự linh thiêng của Tổ, về những giai thoại kì lạ nhuốm màu sắc tâm linh chính là một cách nhắc nhở người nghệ sĩ luôn tận tâm với nghề.
Ngày xưa, khi sân khấu nghệ thuật còn trong hoàn cảnh khó khăn, các bậc tiền bối đã đi trước, đặt nền tảng cho thế hệ sau này bất chấp những khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Ngày nay, xã hội hiện đại khiến cho bất kì ai muốn theo đuổi nghệ thuật đều dễ dàng và rộng mở hơn trước rất nhiều. Ngày giỗ Tổ không chỉ là dịp các nghệ sĩ hướng lòng thành về các vị Tổ Nghề, mà còn là dịp tri ân những bậc tiền bối, những nghệ sĩ đi trước, là dịp để những người nghệ sĩ tự hào và thành kính đứng trước Tổ Nghiệp để nhìn lại chính mình.