National Geographic chọn ra 28 bức ảnh đẹp nhất về ẩm thực các nước trên thế giới, Việt Nam “góp” 2 món ăn bình dân không ai ngờ tới.
National Geographic là một kênh truyền thông uy tín hàng đầu về nghiên cứu văn hoá, thiên nhiên, khoa học và lịch sử được hiệp hội địa lý Quốc Gia Hoa Kỳ quản lý. Mới đây, trang này đã chọn ra 28 bức ảnh để tạo thành bộ sưu tập những bức ảnh ẩm thực đầy màu sắc từ các nền văn hoá khác nhau trên thế giới, trong đó có hai bức ảnh về hai món ăn Việt Nam bình dị người nước ngoài ít ai biết đến. Và hai món được chọn ấy là món canh bún trên chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ) và món tương Bần của thị trấn Bần Yên Nhân (Hưng Yên).
Canh bún chợ nổi miền Tây và tương Bần Hưng Yên.
Vậy là thêm một lần nữa, ta có thể thấy nền ẩm thực Việt đang chậm rãi vươn mình ra thế giới. Không chỉ có phở, bánh mì, gỏi cuốn hay những món ăn đã trở nên quá phổ biến mà đến cả những ngõ ngách nhỏ bé bình dị hơn cũng đã dần dà lộ mình.
Xuất hiện ở vị trí thứ hai trong chùm ảnh là món canh bún trên chợ nổi Phong Điền ở Cần Thơ. Các món canh bún, hủ tiếu được bán trên những con đò nhỏ trong các chợ nổi là một nét đặc trưng ẩm thực đẹp của miền Tây sông nước. Ở những tỉnh thành miền Tây với hệ thống sông ngòi chằng chịt, con người đã làm quen và mưu sinh trong điều kiện này trên các chợ nổi. Mặt khác, đây cũng không phải lần đầu tiên những món ăn chợ nổi được các kênh truyền thông nước ngoài tìm đến. Chẳng nói đâu xa mà cách đây không lâu, những gánh bún nhỏ trên chợ này đã có dịp chào đón những bếp trưởng có sao Michelin lẫy lừng trên thế giới như Anthony Bourdain hay Gordon Ramsay. Truyền thông Hàn cũng có lần làm phóng sự về nét văn hoá ẩm thực trôi nổi trên sông của người Việt ở khu vực này.
Hai bếp trưởng lừng danh là Anthony Bourdain và Gordon Ramsay đã từng thử qua hình thức ẩm thực chợ nổi miền Tây.
Không bàn đến hương vị (dù hương vị đã được công nhận bởi hai bếp trưởng danh tiếng rồi), thì nét đặc sắc của những món bún, hủ tiếu được bán trên những con đò nhỏ chính là khả năng “ứng biến” và bản sắc vùng miền mà không nơi nào có được. Bếp trưởng Ramsay từng thổ lộ rằng ông đánh giá cao cái cách mà cô bán bún có thể tạo ra một món ăn đủ đầy hương vị chỉ trong một không gian chật hẹp và chỉ trong một thời gian ngắn. Đây cũng là một đặc trưng ẩm thực Việt Nam, ngoài sự tinh tế trong kết hợp nguyên liệu thì chúng ta vẫn có thể tạo ra những món ăn ngon trong môi trường thiếu thốn hay bất tiện.
Ngoài món canh bún chợ nổi đã được biết đến trước đó thì món thứ hai xuất hiện trong chùm ảnh (số thứ tự thứ hai mươi) là một loại gia vị mà thậm chí đến cả người Việt cũng không phải ai cũng biết. Ấy chính là tương Bần. Tương Bần là loại tương truyền thống và mang tính đặc thù đến mức tìm khắp cả Việt Nam cũng chỉ có một địa điểm sản xuất ra loại tương này, ấy là thị trấn Bần Yên Nhân, Hưng Yên. Tương Bần có vị trí quan trọng trong nhiều phương diện của ẩm thực vùng Bắc Bộ Việt Nam.
Tương Bần Hưng Yên.
Trong thực tế thì nhiều vùng khác cũng có thể làm ra loại tương tương tự, tuy nhiên chỉ có nguyên liệu làm tương được trồng ở đất làng Bần mới được người sành ăn đánh giá là “chính tông” và “chuẩn vị”. Tương Bần nghe có vẻ bình dân nhưng thực chất lại là món ăn được chế biến phức tạp. Nguyên liệu làm tương Bần bao gồm gạo nếp, đậu tương và muối. Trong đó gạo vo kỹ được đồ thành xôi rồi mang phơi. Phần xôi sẽ có màu vàng ươm và đem trộn cùng với đỗ tương. Đỗ tương trước đó được rang cho chín giòn rồi ngâm nước sạch trong khoảng một tuần.
Người làng Bần ngâm tương trong những chiếc chum, vại bằng sành rồi phơi ngoài nắng. Sành giữ nhiệt tốt, hứng nắng mặt trời làm chín tương nhanh. Một vại tương có thể được phơi nắng ít nhất hai tháng, những vại lâu nhất có thể được phơi từ hai đến ba năm. Tương Bần là nguyên liệu quen thuộc trong rất nhiều các món ăn thường ngày của đồng bào Bắc Bộ như canh dưa chua, lạc dầm, củ sen xào tương, các loại rau củ kho tương. Ngoài ra thì tương bần cũng được ăn kèm với các loại bánh cuốn, bún, bánh đa chần. Tuy nhiên, tương Bần cũng không thực sự là một món ăn quá phổ biến ngay cả với người Việt cả nước nên việc món này xuất hiện trên National Geohgraphic cũng đã nói lên một điều. Ấy chính là những mảng kém phổ biến hơn của ẩm thực Việt Nam đã bắt đầu vươn ra quốc tế và đây là một tín hiệu tốt cho việc truyền bá văn hoá, nét đẹp đất nước.
Tương Bần trong các món ăn dân dã hằng ngày.
Có thể thấy, nền ẩm thực Việt đúng là “hữu xạ tự nhiên hương” khi mà được rất nhiều những kênh truyền thông nước ngoài tìm đến mà chẳng mất nhiều công sức quảng bá. Thử tưởng tượng nếu những nét đẹp này được tích cực tìm hiểu và lưu truyền bởi giới trẻ thì còn “phủ sóng” đến mức độ nào nữa đây? Vậy thì chúng ta, với vai trò là giới trẻ nước nhà cũng nên “góp sức” bằng cách tìm hiểu thêm về các nét đẹp này để còn giới thiệu cho bạn bè quốc tế đấy. Bạn nghĩ sao?