Nguồn gốc tên gọi bánh tét miền Tây

Bánh tét có nguồn gốc khá mơ hồ, có nhiều câu chuyện, nhiều ý kiến khác nhau kể về nguồn gốc bánh tét. Và có nhiều ý kiến cho rằng, bánh tét biến thể từ bánh chưng.

Một trong số những truyền thuyết được đề cập nhiều nhất có liên quan tới sự kiện vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào dịp Tết năm Kỷ Dậu 1789.

Tương truyền để có thể tạo được cuộc tiến công thần tốc từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, đạo quân gồm 7 vạn binh lính của Quang Trung phải thực hiện cuộc hành quân ngày đêm không nghỉ.

Quân đội được chia thành từng tổ, mỗi tổ 3 người, mang theo một cái cáng. Cứ thế một người nằm nghỉ và ăn uống trên cáng thì 2 người còn lại sẽ gánh đi suốt dọc đường, đến giờ lại thay phiên nhau một người nằm nghỉ thì hai người sẽ cáng đi.

Để đảm bảo lương thực cho quân lính, vua Quang Trung cho người nấu bánh chưng, nhưng lại thay đổi hình dạng của bánh chưng miền Bắc thành hình đòn như bánh tét miền Nam ngày nay để tiện mang theo, không cồng kềnh, không phải dừng lại nấu nướng.

Kể rằng vua Quang Trung đổi hình dạng bánh chưng thành dạng đòn để dễ mang theo hành quân, rồi gọi tên bánh tét.

Một truyền thuyết khác bổ sung thêm cho nguồn gốc của bánh tét, cách gọi tên bánh và thói quen ăn bánh tét trong ngày Tết được kể như sau:

Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay (tuy nhiên lúc bấy giờ chưa có tên gọi). Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.

Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng (có thể xem là đau dạ dày) nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.

Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Từ đó bánh này có tên gọi là bánh tết, lâu dần đọc trại thành bánh tét.

Một số ý kiến cho rằng, bánh tét là sản phẩm của sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau tại miền Nam. Trong đó, chủ đạo là văn hóa Chăm với tín ngưỡng “phồn thực”. Hình dạng bánh tét là hình tượng Linga. Nó không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhân bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).

Bánh Tét không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc.

Tết, người Nam Bộ chỉ gói hai loại bánh tét là: bánh tét chay và bánh tét mặn. Bánh chay để cúng ông bà, trời đất, bánh mặn dùng trong bữa ăn. Bánh tét ăn kèm với củ kiệu, dưa chua, thịt kho tàu.

Điều đặc trưng nhất của bánh tét miền Tây là màu sắc: Bánh tét Trà Cuôn, Trà Vinh với màu xanh ngắt của lá bồ ngót bao bọc lấy nhân bánh vàng. Bánh tét lá cẩm Cần Thơ với màu tím lãng mạn như hoa pansy. Bánh tét ngũ sắc Vĩnh Long, rồi bánh tét nhưn 3 màu, bánh tét lá mật cật, bánh tét nhưn chuối. Rồi còn có cả bánh tét màu đỏ cam từ quả gấc vô cùng hấp dẫn với ý nghĩa đem lại may mắn trong những ngày Tết. Những  sắc màu rực rỡ được lấy từ các loại lá, cây trái có trong tự nhiên, tạo nên hương thơm tinh tế khó lẫn đi đâu được của bánh tét miền Tây.

Nói đến những làng nghề bánh tét lâu đời ở miền Tây phải kể đến bánh tét Hội Gia (Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) bên bờ sông Tiền. Ở đây nổi tiếng với nghề làm bánh tét đã năm sáu chục năm. Đến Hội Gia có thể thưởng thức bánh tét lá cẩm hay bánh tét ba màu nhưng thập cẩm rất được ưa chuộng.

Muốn cảm nhận trọn vẹn sự diệu kỳ của bánh tét, phải trải nghiệm từ khâu làm nguyên liệu đến gói bánh, nấu bánh. Đặc biệt là trong những đêm nấu bánh tét Tết, nó cho người ta cảm giác bình yên, ấm áp lạ thường.

Ngày nay, công nghiệp hóa hiện đại hóa, người ta có thể sản xuất bánh tét bằng quy mô công nghiệp, cách làm cũng có những biến tấu hơn để linh động thời gian. Ví như người ta thường làm bánh tét bằng dây nilong thay cho dây lạt. Dù như thế, những chiếc bánh tét nói chung và bánh tét miền Tây thủ công nói riêng vẫn có sức sống mạnh mẽ trong lòng người Việt.