“Được khen, tôi dĩ nhiên hạnh phúc nhưng không bao giờ dám nghĩ mình cao sang hay bắt khán giả phải sang giống mình. Người tự cao khi được khen “hát sang” là không đúng với tư cách nghệ sĩ”, Quang Dũng nói.
Quang Dũng nói, để cầm chiếc đĩa than trên tay, là hành trình rất nhiêu khê, nhất là việc sắp xếp để toàn bộ ban nhạc cùng chơi live một cách đồng bộ nhất trong một phòng thu lớn
“Trong năm 2019, tôi có ra CD và MV nhưng thu CD dễ hơn đĩa than rất nhiều. Tôi sống với nghề gần 30 năm rồi, muốn chứng tỏ điều gì đó trong sự nghiệp như chinh phục thể loại đĩa than như thế này. Nếu ra album, CD… thì giống như tất cả mọi người. Làm đĩa than không dễ, không phải ca sĩ nào cũng làm được. Tôi muốn thử thách chính mình. Khi cầm trên tay chiếc đĩa này, tôi kiêu hãnh vì những gì mình đã làm được”, Quang Dũng cho hay.
Đĩa than Nỗi niềm gồm 8 ca khúc: Tôi với trời bơ vơ, Cô đơn, Nếu một mai em sẽ qua đời, Tạ tình, Nỗi niềm, Bài ca không tên số 5, Có những niềm riêng và Vì đó là em.
8 bài được chọn trong 12 ca khúc mà Quang Dũng từng hát thời non trẻ ở phòng trà hàng đêm. “Giờ đây, tôi thu lại với sự bằng trải đời của người đàn ông ở tuổi 44. Tôi có tuổi nghề, sự từng trải và nhiều va chạm trong đời sống làm giọng hát tôi già dặn, chín hơn, chuyển tải tâm hồn vào âm nhạc “đời” hơn. Với tôi, lớn tuổi không đồng nghĩa có sự bào mòn nào hết, người hát nhạc tình càng kinh qua đau khổ hát càng hay”, anh tâm sự.
Chiếc đĩa than “Nỗi niềm” trên tay Quang Dũng. |
Hỏi Quang Dũng có nhắm đến đối tượng khán giả là thượng lưu hoặc tai nghe thẩm mỹ cao, vì đĩa than đòi hỏi những tai nghe đủ sành và tinh vi? Anh không cho là như vậy. Theo nam ca sĩ, nhiều người lầm tưởng rằng đọc đĩa than cần dàn máy đắt tiền hoặc phòng nghe nhạc tiêu chuẩn nhưng sự thật việc đầu tư một dàn máy nghe nhạc tùy vào tài chính của mỗi người vì có nhiều mức giá khác nhau.
Quang Dũng thừa nhận có hướng đến đối tượng người nghe nhạc phải tinh tế từ tai nghe đến gout thưởng thức, nhưng không hẳn phải là người có tiền hay sang trọng.
“Tôi không chọn lọc tầng lớp khán giả nào, ai yêu nhạc, muốn tìm đến âm nhạc tinh tế là đủ. Khác với việc bỏ CD vào nghe được ngay, người ta nghe chiếc đĩa này bằng sự chiêm nghiệm khi đêm về, bên cạnh là ly rượu hay bình trà. Từng thao tác để đọc đĩa đều có thể tạo sự hào hứng cho người nghe, khi đĩa chạy tạo nên những tiếng lách tách như thời xa xưa vậy.
Nghe đĩa than rất chuẩn, nhắm mắt lại có thể thấy như ca sĩ đang đứng trước mặt mình, độ “live” rất rõ. Thời nay, khán giả sành điệu rất nhiều. Không chỉ hai thành phố lớn, tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang… cũng có CLB nghe đĩa than đấy”, anh nói.
Trước câu hỏi về việc Quang Dũng xưa nay được gắn mác nhạc sang, anh nói mình chỉ hát đúng với thẩm mỹ, muốn tiếng hát chạm đến trái tim người nghe còn khán giả nhìn nhận thế nào thì anh đều cảm ơn.
“Được khen, tôi dĩ nhiên hạnh phúc nhưng không bao giờ dám nghĩ mình cao sang hay bắt khán giả phải sang giống mình. Người tự cao khi được khen “hát sang” là không đúng với tư cách nghệ sĩ”, ca sĩ nói thêm.
Quang Dũng không dám tự nhận hát sang. |
Quang Dũng chỉ in hạn chế 2.000 đĩa. Nếu như CD có thể sao chép tràn lan hay album mạng tải không giới hạn thì đĩa than là định dạng có quy trình sản xuất công phu, không có chuyện in dư.
7 năm trước, anh từng ra đĩa Tình ca Phạm Duy, đến nay đã tái bản lần 3 nên anh hiểu mức tiêu thụ sản phẩm của mình như thế nào. Sau 2.000 đĩa Nỗi niềm, nếu muốn in thêm, Quang Dũng sẽ phải thực hiện lại từ đầu quy trình in ở Mỹ, từ bước đăng ký đến khi ra thành phẩm mất 3 – 5 tháng.
Hỏi Quang Dũng việc sản xuất album ở Mỹ đắt đỏ như thế, có phải bán tài sản cá nhân không? Anh cười lớn: “Rất may, tôi không phải bán bất cứ cái gì của mình cả. Sau nhiều năm đi hát, tôi có tích lũy nhất định cho bản thân và gia đình. Hiện tại, tôi không dám nói mình giàu nhưng điều kiện sống rất tốt, đầy đủ để thực hiện những mong muốn của bản thân chứ không đến nỗi phải bán xe, bán nhà. Tôi làm đĩa than này cho mình, tôi hát theo cách tôi thích, hòa âm theo đúng ý muốn của mình, giờ chỉ mong khán giả ủng hộ.
Đúng là bán hết 2.000 đĩa này thì vẫn không hòa vốn vì chi phí sản xuất rất cao. Tuy nhiên, tôi thấy không hẳn lỗ, nếu bán hết 2.000 đĩa này, có thể tôi tái bản thêm 1.000 đĩa nữa thì sao? Tôi không đặt nặng chuyện lời lỗ, giả dụ có bị lỗ đi nữa nhưng sản phẩm hay được khán giả đánh giá cao là đủ rồi”.
Thời gian đầu đi hát, Quang Dũng từng được ví là “Hoàng tử tình ca”. Nhưng ở tuổi 44, anh quá tuổi để làm “hoàng tử” nhưng cũng chưa đủ để gọi là “ông hoàng tình ca”.
Quang Dũng hoàn toàn thoải mái với điều này. Anh chia sẻ: “Nghệ sĩ mà không còn được đứng trên sân khấu hát là cô đơn tột cùng. Danh xưng là do mọi người yêu quý đặt cho mình, tôi không bao giờ nghĩ mình là hoàng tử, ông hoàng hay ông bảo vệ gì cả. Đến hôm nay, tôi còn được đi hát khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại đã quá hạnh phúc thì danh xưng không là gì cả. Thú thật, tôi không thích để chọn danh xưng nào cho mình”.
Hiện tại, mỗi năm, Quang Dũng dành 6 tháng ở Việt Nam, 6 tháng ở Mỹ. Anh chọn lọc chương trình để diễn chứ không chạy show như hồi trẻ nữa. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm anh ít xuất hiện lại nhưng đó là điều anh mong muốn.