Từ câu chuyện “cúi đầu” của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh!

Cộng đồng mạng dậy sóng sau phát ngôn của Tiên Cookie về khán giả, nghệ sĩ và cả sao Hàn trên mạng xã hội, để rồi nữ nhạc sĩ tên tuổi bỗng chốc trở thành tâm điểm của tranh cãi. Nhưng đúng sai ở đâu cũng là một câu chuyện phải xét, ai cũng cần có cái nhìn toàn diện…

Bạn nghĩ nghệ thuật đáng giá bao nhiêu? Tất nhiên, ngày hôm nay bạn có thể mua một bức tranh trong viện bảo tàng, một chiếc CD ngoài hàng đĩa, một chiếc album của thần tượng nào đó, hoặc một cuốn sách nào đó bắt mắt trên sạp – ấy là bạn đang “mua” nghệ thuật. Đúng vậy, ở trên đời cái gì cũng có thể định giá được, nhất là khi con người ta luôn tìm cách “vật chất hoá” những giá trị ấy. Thế nên đã từ lâu người ta coi những thứ có thể định giá bán – mua, kể cả nghệ thuật, là những thứ bình thường. Thế rồi nghệ thuật phục vụ con người, nhưng con người lại nghĩ rằng nhờ họ mà nghệ thuật mới sống, nên nghệ thuật phải biết ơn, và thậm chí là “cầu cạnh” những người đã nuôi sống nó.

Thế nên khi Tiên Cookie phát ngôn “ca sĩ và người của công chúng chỉ nên yêu cái nghề của mình chứ đừng yêu công chúng” – nhiều người phản bác, nhiều người trách móc, thậm chí kêu gọi nhau tẩy chay Tiên vì “thái độ coi thường công chúng”. Nhưng mọi người có thực sự hiểu ý nghĩa trong câu nói của Tiên Cookie? Người làm nghệ thuật nếu không tập trung sáng tạo nghệ thuật thì chẳng lẽ cứ phải tập trung mãi vào vui buồn của khán giả ư?

Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 1.

Tiên Cookie đang nói thay lời nghệ thuật, rằng “tại sao nghệ thuật phải nói tiếng cảm ơn?”

“Tại sao nghệ sĩ cứ nhất thiết phải biết ơn người hâm mộ?”, đây có lẽ là câu hỏi gây tranh cãi nhất ngày hôm qua.

Bạn có biết ơn nếu có ai đó thích mình không? Tôi nghĩ là không, vì chắc chắn rằng bạn sẽ nghĩ, tình cảm là thứ khó công bằng, người ta thích bạn không có nghĩa bạn phải đáp đền lại họ. Vậy thì nghệ thuật còn ở một đẳng cấp khác hơn, người nghệ sĩ được phân một vai rõ ràng, đó là làm thế nào để ra những tác phẩm hay, làm tốt vai trò của mình. Điều đó mới là quan trọng hàng đầu. Một nghệ sĩ thực thụ không phải là một nghệ sĩ chỉ biết giỏi chiều lòng người hâm mộ, mà phải là người đem đến những tác phẩm hay. Vậy thì trọng tâm trong câu nói của Tiên đâu có sai? Việc chú tâm vào làm nghề và yêu nghề mới chính là mấu chốt của một người làm nghệ sĩ!

Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 2.

Người nghệ sĩ cống hiến hết mình cho âm nhạc, tất nhiên, họ sẽ biết phải tôn trọng những người yêu mến mình. Nhưng tôn trọng không có nghĩa là luồn cúi, tôn trọng không có nghĩa là ngày ngày phải kè kè một lời biết ơn.

Cách một người nghệ sĩ tôn trọng fan làm đó là đầu tư cho nghệ thuật, chứ không phải hàng ngày chỉ tìm cách lấy lòng và phải sống trong cảm giác “được ban ơn”, “được yêu mến nên phải biết điều” của người hâm mộ. Chẳng lẽ mọi người thích một nghệ sĩ cứ suốt ngày lên báo đọc bình luận về mình, rồi buồn rầu về những lời chỉ trích, hơn là việc họ đóng cửa lại và viết một bài hit đình đám làng nhạc?

Tính ra, nghề làm nghệ thuật cũng có nhiều phần bạc bẽo. Công chúng lại có nhiều người “tham lam”.

Nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, có người thành danh, có người mãi mãi không được biết đến, nhưng cái họ mang tới cho cuộc đời chính là những giá trị trong các tác phẩm mà họ để lại. Và mối quan hệ giữa khán giả với nghệ sĩ là một mối quan hệ sòng phẳng, nếu nói trắng ra, bạn thích tác phẩm của họ thì mới yêu mến họ. Vậy thì điều mà khán giả quan tâm nhất là một bài hát hay hay là một người nhạc sĩ biết cách chiều fan?

Tất nhiên là không! Nghệ sĩ không cần phải nói lời cảm ơn với công chúng, khi bản thân họ đã làm ra những sản phẩm tuyệt vời để phục vụ cho công chúng. Và nhận lại sự yêu mến.

Nhưng nếu Tiên chấm hết ở câu đầu tiên và chỉ dừng lại ở quan điểm “nên yêu nghề chứ đừng yêu công chúng”, thì hẳn đây sẽ là một phát ngôn rất tuyệt…

Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 3.

So sánh với hành động “cúi người” cảm ơn hay cúi người xin lỗi của sao Hàn, chính là sự khập khiễng trong quan điểm của Tiên Cookie. Nếu ai đã từng tìm hiểu, hoặc biết nhiều về văn hoá Hàn Quốc, về Kpop, hay đơn giản là lễ giáo bình thường của họ, sẽ thấy đây là một hành động thể hiện tình cảm, một nét riêng của những thần tượng xứ kim chi, một sự tôn trọng mà họ dành cho người hâm mộ, chứ không phải là bất cứ sự luồn cúi nào.

Văn hoá Hàn Quốc coi trọng lễ giáo, người ta cúi mình trước những người lớn tuổi, các bậc bề trên, những tiền bối và người có địa vị… để thể hiện sự lễ phép. Đó không chỉ là một cách thể hiện sự tôn trọng, còn là hành động thể hiện tình cảm, sự khác biệt về văn hoá là điều không thể so sánh.

Xem những chương trình ca nhạc hay các show giải trí, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp những nghệ sĩ, những thần tượng Kpop cúi người cảm ơn người hâm mộ mỗi khi lên sóng, hay bắt gặp những cái cúi đầu khi nghệ sĩ nào đó gặp scandal rồi sự cố nào đó. Đó là văn hoá của họ, là tư tưởng của nơi mà văn hoá thần tượng phát triển mạnh. Nghệ sĩ biết ơn fan hâm mộ vì nhờ đó họ có sự nghiệp, họ được nổi tiếng, và sức mạnh của công chúng là điều chẳng thể bàn cãi. Nhưng đó không phải là sự luồn cúi, đó là hành động tự nguyện, xuất phát từ bản thân người nghệ sĩ.

Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 4.
Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 5.

BTS – nhóm nhạc quốc dân với danh tiếng lan rộng toàn thế giới, khi đang đứng trên đỉnh của sự nổi tiếng, họ vẫn thường xuyên cúi rạp người, thậm chí có lần họ quỳ xuống lạy khán giả nhân dịp năm mới. Đơn giản họ cho rằng, người hâm mộ đã dành sự yêu mến để họ có sự nghiệp nở rộ, hành động này chỉ là một hành động đáp lại tình cảm và trân trọng khán giả. Đó không phải là sự-luồn-cúi, đó đơn thuần là một sự kính trọng, theo như văn hoá của người dân xứ kim chi.

Có thể nhắc đến cách DBSK cúi gập người chào hỏi hậu bối ngay chính trên sân khấu âm nhạc, G-Dragon vẫn thường coi cúi đầu 90 độ thay cho lời chào khách sáo trước tất cả những người mà anh tiếp xúc, hay nhóm nhạc Wanna One cũng từng đứng chào từng nghệ sĩ Việt Nam một khi tới tham dự MAMA 2017 tại Việt Nam. Một hành động thể hiện sự tôn trọng, một hành động khiêm tốn đáng khen mà không phải ở đâu cũng có thể làm được.

Từ câu chuyện "cúi đầu" của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 6.
Từ câu chuyện "cúi đầu" của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 6.
Từ câu chuyện "cúi đầu" của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 6.
Từ câu chuyện "cúi đầu" của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 6.

Có nhiều ý nghĩa và giá trị của những cái cúi đầu. Có thể là tôn trọng, có thể là lễ phép, là cảm ơn hay có thể là sự khiêm nhường khiêm tốn, nhưng tuyệt đối, những cái cúi mình ấy không nên bị mang ra so sánh, rằng đó là hành động không đúng và “vô lý” như lời Tiên Cookie. Họ cúi đầu để tôn trọng người khác và cũng nhận lại những sự tôn trọng, lời cảm ơn nghệ sĩ không nhất thiết phải nói, nhưng nếu nói ra thì lại càng đáng khen.

Nghệ sĩ Hàn vẫn tập trung làm nghệ thuật. Họ vẫn yêu nghề, vẫn đam mê, vẫn tập luyện “điên cuồng” để được yêu mến và được nổi tiếng. Nhưng việc họ muốn cảm ơn fan một cách tự nguyện thì đó là chuyện chẳng có gì, vậy tại sao lại mang chuyện đấy để rồi nói lời khắt khe?

Văn hoá là văn hoá, sự tôn trọng ở đâu thì vẫn cần!

Thực ra, nghệ thuật luôn cần có một sự sòng phẳng. Phải làm ra những sản phẩm hay mới lôi kéo được sự ủng hộ từ công chúng. Thế nhưng không có nghĩa là chúng ta gạt nghệ thuật sang một bên để tập trung lấy lòng người hâm mộ. Quan trọng nhất vẫn là làm sao để sản phẩm hay. Nghệ sĩ cũng được quyền chọn lựa cách thể hiện sự cảm ơn theo mong muốn của mình, miễn là mọi thứ xuất phát từ sự chân thành, còn một cái cúi đầu, chỉ là cách để truyền một thông điệp đi, rằng chúng tôi cảm ơn bạn!

Có thể với Tiên Cookie, sự tôn trọng chính là dồn lòng vào viết nhạc, dồn tình yêu vào sự đam mê với nghề, để ra mắt những sản phẩm hay. Điều này chẳng ai phủ nhận, mà cũng không phủ nhận được. Nhưng người ta cũng có thể thể hiện sự tôn trọng bằng cử chỉ và hành động khiến công chúng yêu mến họ hơn, vì họ là những thần tượng – những người nổi tiếng nhờ công chúng yêu mến.

Từ câu chuyện cúi đầu của Tiên Cookie: Nghệ thuật không cần nói tiếng cảm ơn, nhưng văn hóa khác nhau đừng so sánh! - Ảnh 7.

Chẳng ai đánh thuế việc cảm ơn, nên cảm ơn cũng được, không cảm ơn cũng chẳng sao. Vì thực sự là người hâm mộ điều cuối cùng quan tâm cũng chỉ là sản phẩm, chứ không phải chỉ là những lời nói.

Thôi thì Tiên Cookie nói hơi dài, vì nói dài nên thành “nói dai”, đoạn cuối lại trở thành “nói dở” mất rồi. Đúng là nghệ thuật thì không cần nhất thiết phải nói lời cảm ơn, nhưng nếu nói thì cũng chẳng mất gì, và chúng ta cũng đừng quá gay gắt với nhau…