Là diễn viên trẻ nhưng đã có trong tay hai web drama cá nhân, nhiều người nghĩ Võ Đăng Khoa chơi trội nhưng lí do đằng sau sẽ khiến bạn bất ngờ.
Nếu yêu thích web drama Việt, Võ Đăng Khoa là một trong những cái tên tạo được ấn tượng mạnh trong năm 2018 với Tay Buôn Buông Tay. Dưới cặp mắt ghen tị, sẽ có nhiều người cho rằng Khoa có bệ phóng quá tốt là NSƯT Hoài Linh, người mà Khoa luôn thân mật gọi hai tiếng “cậu Tư” đỡ đầu. Vừa ra mắt showbiz đã tự sản xuất một web drama riêng, người ta nói Võ Đăng Khoa “chơi” khá ngông, sau một năm, anh chàng lại tiếp tục ra mắt Ghe Bẹo Ghẹo Ai. Khi đặt câu hỏi vì sao lại liều lĩnh thế? Võ Đăng Khoa chỉ vui vẻ trả lời: “Thử chơi lớn xem mọi người có trầm trồ”. Đọc đến đây sẽ có nhiều người tự hỏi, sao người này có vẻ kiêu ngạo thế?
Hoá ra không phải, Võ Đăng Khoa hào nhoáng, ăn diện là vậy nhưng lại đặc sệt là một gã miền Tây chân chất, thật thà. Khoa là người bị ám ảnh bởi hai chữ “miền Tây”, cứ sản phẩm nào của nam diễn viên trẻ đều phải gắn liền với vùng đất trù phú này anh mới chịu. Tìm không ra được một diễn viên diễn ra nét miền Tây, Khoa liều lĩnh phá bỏ toàn bộ hình tượng “Hai Hận” nam tính để vào vai “cô Mến” bóng ghe bẹo miền Tây chính gốc. Khoa chia sẻ rằng khi tập đầu tiên ra mắt, người yêu cũ liền nhắn tin: “May quá kịp chia tay, chứ nhìn anh đóng Mến em thấy thật quá“.
Vì sao lần này bạn quyết định “cua gắt” đến vậy khi từ gã giang hồ miền quê “Hai Hận” thành “Cô Mến” của Ghe Bẹo Ghẹo Ai?
Nếu sau Hai Hận của Tay Buôn Buông Tay, tôi lại đi diễn một vai kiểu Chí Phèo ăn vạ, nam thần điển trai nào đó thì quá bình thường, không thể đột phá được như cô Mến.
Thậm chí kịch bản ban đầu của Ghe Bẹo Ghẹo Ai, tôi mới là người đóng vai Nhớ – anh tình nhân của Mến. Nhưng rõ là nó khá giống Hai Hận, nên tôi không theo nữa, vả lại, tìm người diễn vai Mến quá khó.
Sau Hai Hận có khoảng 8 đến 10 kịch bản yêu cầu tôi đóng kiểu vai na ná như vậy, nhưng tôi không muốn tự đóng đinh mình. Biết đâu sau vai diễn chuyển giới này tôi sẽ lại hoá thân thành chàng trai 6 múi, cơ bắp cuồn cuộn, thậm chí là gã giang hồ miền tây phiêu bạt giữa Sài Gòn thì sao?
Khán giả nhớ tới Võ Đăng Khoa là người đa năng trong nhiều lĩnh vực, vậy con đường chính mà bạn muốn theo đuổi là gì?
Tất nhiên là nghiệp diễn. Từ nhỏ tôi đã thích trở diễn viên, những thứ khác nếu tôi có tham gia nó chỉ như bổ trợ thêm cho nghề của mình thôi. Tôi cũng có tham gia những chương trình mua vui, giải trí như Giọng Ải Giọng Ai. Lúc đó tôi cố tình thể hiện mình là người hát dở, tôi được một người anh cho rằng giọng tôi có thể hát hay nhưng vì chưa am hiểu kĩ thuật nên giọng nghe tệ vậy. Thế nên khuyên tôi hát dở luôn đi, một khi đã dở phải dở banh nóc, không dở theo kiểu nhạt nhoà, sẽ chẳng ai để ý tôi trong chương trình.
Tôi biết, nó có cái sai là mình đang gạt khán giả, nhưng “cú lừa” này đem lại tiếng cười, với tôi nó không có gì xấu. Tôi tự thấy mình hát không tệ, hiện tại tôi cũng đang theo một lớp thanh nhạc đã được hai tháng nay. Nói vậy không có nghĩa là Võ Đăng Khoa đang muốn làm MV hay trở thành ca sĩ, tôi không có ý định đó đâu. Ca hát với tôi ở thời điểm chỉ có mục đích là phục vụ sở thích cá nhân. Hiện tại tôi vẫn muốn mọi người nhớ đến Võ Văn Khoa là một diễn viên.
Khi giả gái, Khoa có gặp khó khăn gì không?
Tất nhiên là có chứ, có nhiều là đằng khác. Kể cả những người con gái bây giờ còn thích mặc áo sơ mi của con trai, chứ chẳng ai thích mặc đồ bà ba. Thêm nữa, không có đứa con gái nào thích mặc áo trong hết. Sau khi đóng phim, tôi thực sự thấu hiểu nỗi khổ của chị em phụ nữ, rồi đến cả việc đôi guốc làm đau chân tới thế nào.
Vai Mến lúc nào cũng phải gắn liền với bộ tóc giả. Lúc quay cảnh đánh lộn dưới nước không may làm mất. Chất liệu của bộ tóc đó thì khó tìm, phải chạy đôn đáo, nhờ cậy hết người này đến người kia mới tìm được bộ ưng ý. Để diễn vai Mến một cách hoàn hảo nhất, Khoa luôn đặt mình là con gái thật. Những nét uỷ mị, yếu đuối, tất cả đều đến từ sự quan sát mẹ và người yêu cũ.
Cậu tư Hoài Linh có cho bạn lời khuyên nào khi biết Khoa sẽ vào vai “chị Mến”?
Cậu tôi đọc xong có hỏi tôi diễn vai nào, cậu vẫn nghĩ mình đóng Nhớ. Khi biết tôi đóng Mến thì cậu mới “ủa, giả gái hả, sao gan quá vậy”. Cậu nói rằng vai này có cái tình, nhưng nhớ diễn con gái là phải ra nét con gái, đừng diễn ra “bede”.
Kỷ niệm nào khi quay phim làm bạn nhớ nhất?
Là diễn viên mọi người cũng biết, khi vào phim mình phải thực sự trở thành nhân vật. Mấy ngày trời quay cùng ekip, ai cũng coi tôi là cô Mến, kể cả khi tôi có lột tóc giả xuống, nhiều người vẫn nghĩ tôi là Mến và chăm sóc, thậm chí mang nước cho uống. Lúc ấy tôi mới oà lên bảo rằng người ta có tay chân mà, đâu cần chăm từng xíu vậy, có phải bánh bèo đâu. Không hiểu sao, nhưng mỗi khi đội tóc giả lên tôi thấy mình rất giống Mến, thế là lại bắt đầu đi chọc ghẹo người trong đoàn, đến mức tôi bị cả ekip khiêng ra ngoài, rồi mắng: “Giờ có quay không hết nắng rồi nè, tốn tiền là mỗi ngày tồn thêm 100 mấy chục triệu, thích giỡn nữa không?”.
Có ai phản đối việc bạn đóng vai Mến chưa?
Tôi chưa nhận được phản ứng trái chiều nào, bình luận trên Youtube của khán giả đem đến cho tôi rất nhiều động lực. Họ chấp nhận hình tượng mới này của Võ Đăng Khoa, lỡ sau này có cua gắt hơn chút nữa thì công chúng cũng đã quen rồi, dễ chấp nhận hơn.
Đôi khi sẽ có những ý kiến trái chiều, vì thế giới quan, cách nhìn nhận cuộc sống của họ khác. Nếu cho rằng không phù hợp thì đừng nên xem, tôi nghĩ đơn giản chỉ có vậy. Với đối tượng công chúng như thế, họ nên tự tìm cho mình một tác phẩm khác phù hợp hơn. Còn tôi đang làm phim, phục vụ cho đối tượng khán giả của Khoa và những ai muốn xem để tìm tiếng cười. Tôi không mong ai đó xem phim mình làm để rồi bực tức làm gì.
Nói về kịch bản phim, bạn có giới thiệu rằng Ghe Bẹo Ghẹo Ai là một câu chuyện có thật được góp nhặt bởi Võ Đăng Khoa, bạn có thể chia sẻ rõ hơn?
Nếu ai xem phim cũng thấy, những câu mắng của NS Kim Xuân như “thứ quái thai hổ lốn” chính là câu chửi mà tôi được nghe một người bạn nữ chưa chuyển giới kể lại. Tôi nghe người này kể lại, người kia chia sẻ, có khoảng 6 mảnh đời được tôi mang vào bộ phim này.
Tôi đặc biệt rất có tình cảm với cộng đồng LGBT, câu chuyện của họ vô cùng thú vị, nhiều màu sắc. Đơn giản thôi, vì tình yêu của họ xã hội không công nhận, vậy nên khi yêu, họ sẽ yêu mãnh liệt hơn, thắm thiết hơn. Nếu đã tìm thấy nhau rồi, cuộc sống hai người hoà làm cuộc đời của nhau, giống như Mến và Nhớ vậy. Nam nữ bình thường gắn kết với nhau vì gia đình, lễ nghĩa, thậm chí là ép cưới, lí do đơn giản hơn là tình dục. Còn ở thế giới thứ ba, đôi khi họ dính lấy nhau vì cái nghĩa nhiều hơn cái tình.
Mở đầu phim có phần giới thiệu về các loại bóng ở miền Tây, bạn có lo lắng rằng sẽ có người nhạy cảm cho rằng Khoa đang miệt thị?
Trong buổi họp báo ra mắt phim có phóng viên hỏi tôi câu này, tôi nói thẳng rằng nếu không đối diện với nỗi đau, không có chữa lành nó đi thì sao mà sống được? Nếu ai trong chúng ta thuộc cộng đồng LGBT, chính họ phải tự công nhận mình trước đó, họ phải hiểu họ bình thường như bao người khác. Nếu cứ tự cho mình khác thường, rồi sẽ dẫn tới lí do để người ta tự cô lập, xem giới tính mình là một nỗi đau, rồi tự thấy bản thân thấp kém gì đó. Tôi biết nhiều người thế giới thứ ba rất giỏi, không hề mờ nhạt, có vị trí nhất định trong xã hội và không gặp vấn đề về bị kì thị. Mà giờ còn kì thị cái gì nữa? Muốn giỏi như người ta còn không được kìa nữa là kì thị.
Khi chọn người vào vai Mến, bạn đã gặp những khó khăn gì, vì sao không chọn những diễn viên là LGBT để hoá thân, vậy sẽ dễ dàng hơn một trai thẳng như Khoa?
Tôi nghĩ một phụ nữ bình thường vào vai Mến chưa chắc gây được ấn tượng nhiều, câu chuyện về một người nam chuyển giới thu hút hơn. Ban đầu tôi có suy nghĩ mình sẽ đóng vai Nhớ, nhưng tính đi tính lại, rồi ai đóng vai Mến đây? Ví dụ những bạn diễn viên như BB Trần, Hải Triều, hay một bạn nữ vào vai Mến, tôi nghĩ sẽ không đậm màu, không mới. Nên cuối cùng tôi nghĩ, thôi phim của mình mình đóng luôn, bớt phần kịch bản của Nhớ lại và viết thêm cho Mến.
Hơi ích kỉ chút, nhưng tôi đóng vai Mến rồi thì đất diễn của tôi nhiều hơn. Nhưng nói vậy thôi, vai Nhớ có rất nhiều phân cảnh, vì ban đầu tôi đóng Nhớ mà. Hơn nữa câu chuyện cũng xoay quanh gia đình của Nhớ.
Ban đầu tôi cũng có ý định ghê gớm lắm là một mình tự đóng hai vai đấy, nhưng đóng vậy tiền chịu không nổi đâu. Thà làm phim điện ảnh tôi chơi lớn vậy, chứ web drama làm gì có nguồn thu. Tay Buôn Buông Tay tôi chi hơn 2 tỉ, tiền kiếm về lại được nhiêu đâu?
Vậy sao bạn cứ thích “chơi lớn” vậy?
Thì thử chơi lớn xem người ta có trầm trồ không (cười lớn), nói chứ không chơi lớn thì sao khán giả nhớ mình là ai. Tôi cũng không muốn làm nổi quá đâu, chỉ đơn giản là muốn mang hình ảnh của mình đến gần công chúng hơn. Sản phẩm của tôi là dành cho mọi người, hoàn toàn miễn phí phát hành trên youtube, tôi mong ngày nào đó, những cố gắng và nỗ lực này của mình sẽ được đến đáp.
Cách đây 3 năm tôi có tâm sự với cậu Tư Hoài Linh, bản thân cậu là người chưa bao giờ ngừng hot nhưng cậu lại quan niệm rằng: “Làm nghề hơn nửa đời người, tất cả chỉ mới bắt đầu”. Thế nên tôi mới hiểu, mình còn trẻ vậy sao không cố gắng làm? Với tôi, còn sức thì mình còn làm, làm nghề tất nhiên vì niềm vui là lẽ đầu tiên, nhưng chua chát cũng không thiếu đâu. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi sao mê nghề này dữ vậy, sao không về bán cơm? Bây giờ tiền tôi đi diễn một ngày còn không bằng 1/10 số tiền tôi đi bán cơm nữa, đi đóng phim truyền hình còn không bằng.
Cuộc đời luôn như vậy, sẽ có những lúc phải chấp nhận làm 80% cái mình không thích để đánh đổi 20% thứ mà mình khát khao. Người ta cứ hỏi sao cứ phải đi diễn làm gì cho khổ, nhưng lỡ mê rồi thì sao biết đường trả lời?
Ở tuổi của Khoa thì đây liệu có phải là sự đầu tư khá lớn về tiền bạc không?
Ví dụ bạn có 100 triệu, có lẽ bạn muốn mua gì đó khoảng 5 triệu đến 10 triệu. Còn nếu tôi có từng đấy số tiền, tôi sẽ đi vay thêm ngân hàng để mua nhà rồi trả góp để làm động lực. Đó là cái máu liều rồi, nhiều lúc tôi cũng nghĩ về sau có thể sẽ chết vì nó.
Tôi ít khi nào an toàn lắm, nếu ngày nào đó có tin Võ Đăng Khoa tán gia bại sản thì cũng không lấy gì làm lạ. Tôi thuộc kiểu thích nghi được, tôi chấp nhận liều lĩnh để làm thứ mình muốn, rồi nỗ lực hết mức để bù lại. Bố mẹ cũng thấy tôi tự lực được, dù suốt ngày bị chửi là không biết lo xa, nhưng rồi cũng kệ muốn làm gì thì làm.
Tôi có ý thức để kinh doanh, ăn xài từ xưa rồi. Cũng từng có gian hàng nhỏ để bán bánh tét, gia đình cấm cản hỏi nhà thiếu gì đâu mà phải đi bán kiếm tiền tiêu. Cầm cái bằng trên tay rồi thì xin được theo đuổi đam mê. Lúc đầu thì bố mẹ cũng không cho, nhưng sau khi thấy kết quả ổn thì không có vấn đề gì nữa. Cảm thấy nó làm được thì thôi cho làm.
Có những nghệ sĩ thường chia sẻ là họ phải cầm cố để làm web drama, Khoa có phải như vậy?
Đây chỉ là quan điểm cá nhân, ai làm chuyện đó thì kệ họ, còn tôi thì không muốn được khán giả thương hại kiểu “tôi xem sản phẩm này là vì người ta thiếu nợ để làm”. Mình làm cho mình chứ mình làm cho ai. Nó giống như việc mình tự đi mua một chiếc túi hàng hiệu về dùng rồi hết tiền, lúc đấy kêu than thì ai thương?
Vấn đề nằm ở sự lựa chọn. Tôi không bao giờ có ý định đặt áp lực lên vai khán giả. Tôi cũng không muốn nói gì về kinh phí cả, làm có mượn nợ hay gì thì cũng kệ tôi, vì cũng có ai trả giùm tôi đâu. Tôi muốn theo hướng một người làm nghệ thuật muốn khán giả coi trọng và khen ngợi những sản phẩm do mình làm ra.
Nói về Ghe Bẹo Ghẹo Ai, Khoa cũng chia sẻ phim quay được 10 ngày xong “hòm hòm” rồi, dự kiến dài khoảng 4 – 5 tập. Có ai muốn đầu tư hay mua lại Ghe Bẹo Ghẹo Ai để phát trên kênh Youtube của họ, hay mang lên truyền hình, nếu thoả thuận ổn tôi vẫn sẽ bán. Có được tiền tôi sẽ lấy vốn đó làm tiếp lên 10, 20 tập. Hiện tại tôi không còn khả năng làm Youtube nữa nên mong hiệu ứng sản phẩm này sẽ tốt nhất có thể.
Có khán giả cảm thấy hai tác phẩm của bạn chơi chữ nó nên hơi khó nhớ, bạn nghĩ sao?
Lúc đầu tôi định đặt là Mến Ghe Bẹo hoặc Mến Gái Miền Tây. Nhưng nghĩ kĩ thì tên phim thế này hơi đưa cái tôi cá nhân lên quá, tôi thích cái tên hiện tại vì nó nói rõ nghề ghe bẹo ở miền Tây hơn. Tôi muốn sử dụng những từ ít dùng, ít xuất hiện để người ta biết ở quê mình cũng có ngôn ngữ đó, nghề nghiệp đó. Chẳng hạn như từ giang hồ ai cũng biết, nhưng thương hồ là gì thì không. Tôi muốn để lại chút ít giá trị văn hoá miền Tây, tạo nét ấn tượng cho bộ phim mình.
Tình yêu với miền Tây trong khoa ám ảnh đến mức nào, khi cả hai sản phẩm đinh của Khoa đều ở bối cảnh này?
Nơi mình sinh ra thì mình phải yêu thương nó nhất. Người miền Tây có nhiều thiệt thòi. Họ thường chân thành với đối phương trước, rồi lại mong người ta chân thành lại với mình. Những người chơi được với người miền tây thì đừng để đánh mất.
Lúc làm Tay Buôn Buông Tay, tôi nghĩ đến câu chuyện từ những bến phà. Đó là một nét đẹp văn hoá của miền Tây, nhưng kể từ ngày có những chiếc cầu, nhiều người mưu sinh trên phà thất nghiệp, cuộc sống cơ cực. Ở Ghe Bẹo Ghẹo Ai, gần đây tôi nghe nói chợ nổi cũng sắp bị đào thải, thế là tôi nghĩ sao mình không tận dụng những hình ảnh đẹp còn lại, giờ đi chợ nổi hoạ còn mai mốt khó đi lại lần hai.
Sẽ có ai đó nói chợ nổi khác gì chợ thường đâu, nhưng rõ ràng nó là một nét đẹp văn hoá. Cũng giống như bao cô gái ngoài kia, tại sao phải mặc áo dài trong khi quần jean áo thun bình thường thoải mái hơn rất nhiều cơ mà. Vì nhiều người nghĩ văn hoá thường gắn với yếu tố bất tiện nên cố đẩy nó đi, riêng tôi, tôi rất sợ văn hoá miền Tây bị đào thải.
Bạn có nghĩ Ghe Bẹo Ghẹo Ai sẽ có lượt xem không bùng nổ như Tay Buôn Buông Tay lần trước?
Tôi hiểu lí do vì sao Ghe Bẹo Ghẹo Ai không có lượt xem hoành tráng như lần trước. Tập một có thời lượng lên đến 40 phút, hơn nữa, sản phẩm lần này không có cậu tôi là NSƯT Hoài Linh tham gia. Khán giả xem phim lần này họ thưởng thức một web drama với tâm thế là không có người nổi tiếng, chẳng có tên tuổi nào quá nóng để thu hút số đông, người xem Ghe Bẹo Ghẹo Ai này là vì Khoa. Thế nên tôi rất tự hào rằng tự mình đã mang lại được view cho Ghe Bẹo Ghẹo Ai mà không phải nương nhờ ai. Chính cậu tôi Hoài Linh cũng rất vui, cậu là người ít nói, nhưng nhìn ánh mắt của cậu thôi tôi cũng hiểu là cậu đang rất an tâm về mình, theo kiểu: “Cháu tôi lớn rồi, tuổi nó làm được vậy là ngon rồi”.
Cám ơn Võ Đăng Khoa đã nhận lời phỏng vấn, chúc anh luôn giữ mãi lửa yêu miền Tây và ra mắt thêm thật nhiều sản phẩm chất lượng như Ghe Bẹo Ghẹo Ai!
Ghe Bẹo Ghẹo Ai tập 2 dự kiến ra mắt tối ngày 20/6/2019.