Chuyện “gãy gánh” giữa Orange và công ty quản lý một lần nữa lại ồn ào, gây nhiều tranh cãi. “Câu chuyện muôn năm cũ” cứ lặp đi lặp lại trong showbiz Việt.
Những lần chia tay ồn ào giữa nghệ sĩ và công ty quản lý
Tối 26-2, hai ca sĩ Orange, LyLy tố công ty quản lý Superbrtothers (do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa làm chủ tịch) không minh bạch về tài chính, quản lý, truyền thông. Cả hai có nguyện vọng rời khỏi công ty này.
Việc “gãy gánh” này tiếp tục nối dài câu chuyện hậu trường “cơm không lành, canh không ngọt”giữa công ty quản lý và nghệ sĩ, khiến dư luận xôn xao. Hiện tại, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đang nhận nhiều lời chỉ trích sau chia sẻ của 2 nữ ca sĩ Orange và LyLy; dù vậy, anh vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
Orange tố công ty quản lý bất minh về tài chính, truyền thông, nữ ca sĩ muốn rời khỏi nơi này
Cách đây không lâu, làng giải trí Việt cũng dậy sóng khi ca sĩ Jack rời công ty quản lý. Thời điểm đó, anh và K-ICM đang là cặp nghệ sĩ trẻ có tiếng trong làng nhạc Việt, chuẩn bị ra mắt thêm sản phẩm. Sự việc này kéo theo những ồn ào ở cả hai phía với lời qua tiếng lại đầy ẩn ý. Trong khi đó, người hâm mộ của đôi bên cũng lao vào cuộc chiến dai dẳng hạ bệ đối phương, đến nay mọi việc vẫn chưa dừng.
Điểm lại một số vụ ồn ào giữa nghệ sĩ và công ty quản lý thời gian qua sẽ thấy “câu chuyện muôn năm cũ” lặp đi lặp lại: Tháng 2-2017, Erik rời nhóm Monstar trong sự bất ngờ của khán giả. Thời điểm đó, nhóm nhạc của Công ty St.319 đang được yêu thích nồng nhiệt. Erik và đại diện Công ty St.319 – nhà sản xuất Aiden cũng liên tục lời qua tiếng lại về cuộc chia tay.
Năm 2014, việc Sơn Tùng rời khỏi công ty quản lý Văn Production do nhạc sĩ Huy Tuấn điều hành cũng kéo theo không ít tai tiếng. Tuy xảy ra cách đây khá lâu, nhưng đây là sự vụ gây nhiều chú ý nhất do lần đầu tiên có việc nghệ sĩ bị công ty quản lý đưa ra tòa, dù sau đó đơn vị này không theo đến cùng vụ kiện của mình.
Vì đâu nên nỗi?
Showbiz Việt hiện tồn tại 2 hình thức quản lý nghệ sĩ: công ty quản lý và cá nhân quản lý nghệ sĩ. Trong đó, mô hình công ty quản lý khá phổ biến trong vài năm gần đây.
Mô hình công ty quản lý có thể xem là bước tiến trong việc chuyên nghiệp hoá công nghệ giải trí. Nghệ sĩ được hỗ trợ về phát triển chuyên môn, xây dựng hình ảnh; hỗ trợ pháp lý, giải quyết sự cố… Một bầu show cho biết khi làm việc với các đối tác nước ngoài, nghệ sĩ trực thuộc công ty quản lý sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Tại Hàn Quốc, nghệ sĩ thường gắn bó với công ty quản lý lâu dài, có khi đến hơn 10 năm. Nhưng ở Việt Nam, đa phần mối quan hệ này tồn tại theo kiểu sớm hợp chiều tan. Nhiều người dứt áo ra đi, không ít mối quan hệ gãy đổ khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Ca sĩ Jack (trái) rời công ty quản lý kéo theo những lùm xùm dai dẳng đến hiện tại
“Khi nghệ sĩ có danh tiếng, thường có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, nghệ sĩ tìm đường để “đậu cành cao” hơn, rời bỏ công ty cũ. Thứ hai, công ty ra sức bào vét để tận dụng thời của nghệ sĩ. Không ít nghệ sĩ lâm vào tình trạng kiệt sức vì chạy show liên tục. Nhưng đồng lương, lợi ích mà họ được nhận về lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Dần dần, sự bất mãn khiến đôi bên không thể tiếp tục hợp tác” – bầu show Quang Cường cho biết thêm.Nguyên nhân lớn dẫn đến việc “gãy gánh” giữa nghệ sĩ và công ty quản lý thường xuất phát từ vấn đề kinh tế, lợi ích đôi bên. Bầu show Quang Cường giải thích ngắn gọn trong 2 từ “lòng tham”. Quang Cường nhấn mạnh, sự bất minh tài chính là một trong những điều dễ dẫn đến đổ vỡ nhất trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công ty quản lý.
Khi “dứt áo ra đi” Sơn Tùng bị công ty quản lý cấm diễn 6 tháng vì vi phạm quy định hợp đồng. Nhưng chỉ sau 2 tháng kể từ khi có lệnh cấm, nam ca sĩ vẫn nhận show biểu diễn bình thường, sau đó chuyển sang hợp tác với một công ty khác. Thời điểm này, hợp đồng giữa nam ca sĩ và công ty cũ vẫn còn hiệu lực. Khi ca sĩ Erik rời công ty quản lý, anh cũng từng lên tiếng tố cáo việc bị bóc lột sức lao động.
Trở lại trường hợp của Orange, LyLy và công ty quản lý, lý do chính khiến các nữ ca sĩ muốn dừng hợp tác với đơn vị quản lý cũng chỉ quẩn quanh với vấn đề tài chính không minh bạch.
Bên cạnh đó, sự bất nhất trong đường hướng phát triển, định hướng hoạt động cũng dễ dẫn đến sự đổ vỡ. Năm 2017, Phan Mạnh Quỳnh rời công ty quản lý vì nguyên nhân này.
Ngoài việc bất mãn do công ty quản lý thiếu minh bạch trong vấn đề tài chính, LyLy, Orange cũng cho biết họ và công ty quản lý không tìm được tiếng nói chung về định hướng hoạt động trong tương lai. LyLy tiết lộ, cô từng là người đầu tiên được một nhạc sĩ tin tưởng giao cho ca khúc hot, nhưng công ty quản lý bác bỏ khiến sau đó ca khúc này rơi vào tay người khác. Còn Orange muốn hoạt động độc lập nhưng luôn bị xếp vào các sản phẩm phải đứng chung với người khác.
Sự bất nhất trong đường hướng phát triển khiến LyLy muốn rời công ty quản lý hiện tại.
Lý tính đứng sau cảm tính
Thông thường, công ty quản lý sẽ ký hợp đồng với nghệ sĩ trong một thời hạn nhất định theo thoả thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, bản hợp đồng này thường thiếu tính pháp lý bởi nghệ sĩ và đơn vị quản lý hợp tác dựa vào tình cảm là chính. Thậm chí, có những trường hợp nghệ sĩ và công ty quản lý không ký kết hợp đồng.
Anh Hoàng Tuấn, quản lý của ca sĩ Đan Trường chia sẻ: “Tại Hàn Quốc hay các nước Âu-Mỹ, mọi việc đều được giải quyết theo pháp luật, điều đó tồn tại nhiều năm nay, tạo nên thói quen. Tuy nhiên, tâm lý người Việt thì ngược lại, luôn thích sống và làm việc thiên về tình cảm. Bên cạnh đó, người hoạt động trong giới nghệ thuật luôn có đặc thù thích sự bay bổng, tự do. Vì thế, hợp đồng, sự ràng buộc càng chặt chẽ lại càng khó làm việc với nhau”.
Một bầu show khác cho biết khi ký kết hợp đồng, các điều khoản thoả thuận cũng không được quy định chi tiết, cụ thể; phần chế tài khi vi phạm luôn du di, nhẹ nhàng hoặc chỉ là hình thức cho có, nhằm tạo cảm giác thoải mái cho đôi bên khi hợp tác. Đây chính là kẽ hở, dễ gây nhiều điều bất lợi, phiền toái khi xảy ra sự cố, tranh chấp giữa nghệ sĩ và công ty quản lý.
Nhưng ngay cả khi hợp đồng có những điều khoản chặt chẽ, mọi việc cũng không đi đến đâu. Bầu show Quang Cường lý giải: “Tâm lý người Việt luôn ngại đụng chạm. Việc theo đuổi các vụ kiện thường tốn thời gian, công sức nên không mấy ai kiên nhẫn để đi đến cùng. Việc lôi nhau ra toà chỉ mang tính “dọa nhau” là chính. Vì thế, khi có bất hòa xảy ra, nghệ sĩ nói cách này, công ty quản lý nói đằng khác”.
Dẫu có hợp đồng nhưng nghệ sĩ và công ty quản lý vẫn chủ yếu hoạt động dựa vào tình cảm.
Luật sư Lê Quang Vy cho biết, hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý thuộc hợp đồng dân sự nên hai bên tự thoả thuận về lợi ích, chế tài, không trái với quy định của luật hiện hành. Anh đưa ra lời khuyên: “Để đôi bên bảo vệ được quyền lợi chính đáng nếu có xảy ra tranh chấp, ngay từ đầu, hợp đồng càng chi tiết càng tốt”.
Dù đã xảy ra nhiều vụ vi phạm hợp đồng, nhưng chưa có trường hợp nào đi đến tận cùng và có sự can thiệp của luật pháp để cảnh tỉnh. Năm 2015, Công ty Văn Production đệ đơn kiện Sơn Tùng vì vi phạm điều khoản, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thế nhưng đến cuối năm 2019, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. Đại diện công ty này cho biết không còn muốn theo đuổi vụ kiện vì quá phiền phức.
Lùm xùm giữa Erik và Công ty St.319; Tronie Ngô tự ý tiết lộ hợp đồng khi đứng lên tố cáo công ty quản lý, thậm chí ca sĩ Ngô Thanh Vân còn tổ chức họp báo, cho rằng hành vi của nam ca sĩ Tronie Ngô là sai luật, có thể bị phạt… tất cả những vụ nghệ sĩ, công ty quản lý dọa kiện nhau sau đó cũng chìm vào quên lãng. Hết vụ này đến vụ khác, nghệ sĩ rời công ty quản lý và luôn kéo theo những ồn ào.
Bầu show Quang Cường cho rằng hai yếu tố tiên quyết để nghệ sĩ và công ty quản lý có thể đi cùng nhau lâu dài là sự minh bạch tài chính và lòng tin, phải được xây dựng dựa trên sự tôn trọng, tạo cảm giác an tâm cho đối phương.
“Muốn mọi sự chia tay êm đẹp khi không còn chung tiếng nói thì trước hết, cách cư xử của đôi bên phải đẹp” – anh khẳng định.