Sinh năm 1991, Nguyễn Bảo đã có gần 10 năm gắn bó với công việc này.
Ông chủ trại hòm không hề sợ xác chết!
Trong cuộc sống, đôi khi có những công việc đặc biệt khiến người bình thường giật mình khi nghe nói đến, như công việc của Nguyễn Bảo là một ví dụ. Bảo sinh năm 1991, sinh sống ở Biên Hòa và là chủ một trại hòm.
Bảo là truyền nhân đời thứ 2 trong nhà. Anh chính thức làm công việc này được hơn 10 năm nay.
“Học cấp ba xong mình đi học dược sĩ. Học được 2 năm chán nên bỏ luôn, đi làm tài xế được 2,3 năm rồi nghĩ về quê làm quản lý của nhà.
Lúc đó ý mình muốn về, gia đình cũng bảo về nên về làm quản lý luôn và làm toàn thời gian từ đó đến giờ.
Nhà mình là cơ sở trung bình, bắt đầu làm nghề này từ năm 1996, có 4,5 người làm trong cơ sở thôi“, Nguyễn Bảo chia sẻ.
“14 tuổi mình đã tắm xác luôn. Nhiều người sợ người chết nhưng mình thì chưa từng, cảm giác bình thường lắm. Hồi đó nhà cho đi theo rồi bảo vào nhìn làm gì làm theo, dần thì quen luôn”.
Công việc của Nguyễn Bảo ở trại hòm là trọn gói. Anh sẽ chăm sóc tất cả mọi thứ, người thân không phải làm gì để người chết tươm tất, đẹp hơn.
“Người nhà chẳng phải làm cái gì hết, bên trại hòm bọn mình lo hết. Từ tắm rửa, thay đồ đến trang điểm. Tất tần tật mọi thứ giúp họ đẹp đẽ lần cuối. Mình không câu nệ giàu nghèo, già hay bệnh hay tai nạn máu me.
Ai gọi giờ nào đi giờ đấy, không cần biết đang làm gì, gọi là phải đi, dù là nửa đêm”.
Với một công việc ít người dám chọn, Nguyễn Bảo đã có những trải nghiệm cũng rất đặc biệt.
“Làm nghề này cũng có đủ cái hay ho. Có nhiều lần bị trả giá tiền hòm hay bị hỏi dò giá cả. Thậm chí người ta gọi đến tắm rửa cho xác nhưng lại mua hòm chỗ khác. Nhiều nhà đi theo người nhà xem hòm rồi lại chê bai hòm dở, hòm đắt, trả giá như ngoài chợ.
Có lần có bà kia đi chọn hòm, đòi hòm ngon, dịch vụ từ đầu đến cuối và đòi giá gốc. Vậy là ăn bớt trên đầu trên cổ người ta rồi. Thà nghèo thì mình chấp nhận cho hẳn hòm chẳng cần trả giá. Đi mua hòm cho người thân, bao trọn gói mà trả giá lên xuống.
Bình thường có khi đang tắm thì người nhà vào đánh rồi khóc lóc: “Sao anh làm đau ba/mẹ em?”, “làm nhẹ tôi anh ơi”. Thậm chí có người gào rú, cào cấu rồi đấm mình”, Nguyễn Bảo chia sẻ.
Những câu chuyện quanh nghề nghiệp đặc biệt
Khi được hỏi những năm qua tiếp xúc với bao nhiêu xác người, anh Bảo cũng không còn nhớ chính xác. Chỉ biết rằng con số đó rất nhiều, những câu chuyện đi kèm theo cũng tương đương, không thể nhớ hết.
“Mình làm sao nhớ hết được từng tiếp xúc bao nhiêu xác người. Tai nạn, bệnh tật hay thậm chí xác người chết có HIV/AIDS đều có. Mỗi cái xác là một câu chuyện khác nhau, đau thương có, rùng rợn có và đầy ám ảnh cũng có nốt”, anh Bảo chia sẻ.
“Có lần đang ăn sáng thì mình được gọi đi vớt xác chết đuối. Mình chính là người trực tiếp vớt nó lên từ suối rồi tắm xác rồi liệm.
Khi đó là 8,9 giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề xong xuôi dến thì đông lắm. Đợi công an làm việc xong thì đến phần mình vớt xác. Mình gọi một ông chuyên đào huyệt và bốc mộ ra phụ, có thêm ông nữa. Cả ba bắt đầu.
Mình nhảy xuống suối, lật ngửa cái xác cho hai ông nắm tay kéo lên. Hình cái xác lúc đó thì đúng là không dám miêu tả lại.
Mình ôm cái xác đẩy lên bờ thì hai ông kia mới kéo lên. Đưa lên được, ai nấy đều tránh xa. Đưa lên xong mình chạy về tranh thủ tắm rồi chạy ra làm tiếp các công việc của mình.
Làm được lát ngồi nghỉ thì thấy từ cái xác máu trào ra. Mình giật mình bởi trước đó bơm formol vào không trào, sao giờ lại rỉ. Nhìn kĩ hình như miệng xác hé thêm ra. Thấy vậy, mình lại lấy bông gòn nhét vào miệng nhưng càng nhét càng trào máu.
Lúc đó mẹ chị ấy biết tin nên chạy ra nhận xác con. Lạ kỳ chưa, máu không rỉ nữa và ngừng hẳn.
Chị này hoàn cảnh khó khăn, bị tâm thần nhẹ bán vé số nuôi mẹ. Mẹ chị bệnh không đi đâu được. Hóa ra, 6,7 giờ tối hôm trước chị để lại lá thư rồi tự tử.
Gia đình khó khăn lại quá hiền, nhiều người xóm đó nói chuyện góp tiền mua hòm, mình chỉ bảo: “Thôi cho cháu ít tiền ăn sáng cà phê. Ra trả tiền tô phở đang ăn dở hồi sáng. Tí cháu chở hòm xuống cho“, Nguyễn Bảo tâm sự.
Tuy nhiên, đó chưa phải là đám khó khăn nhất trong suốt sự nghiệp của anh Bảo. Anh đã từng gặp một sự việc gây ám ảnh mãi.
“Khi đó là tầm 3 giờ sáng, đang ngủ thì bị gọi điện thoại dậy, một người phụ nữ bị tai nạn đứt đầu. Mình đến thì thấy có 3 đứa nhỏ đang gào khóc. Hoàn cảnh chị khó khăn, chồng bỏ, một mình nuôi con.
Nghĩ cũng tội, ba đứa con gái theo má vào nơi đất khách quê người giờ má mất bỏ tụi nhỏ lại. Bổn phận của mình giúp họ yên nghỉ, mình bắt đầu vào làm.
Cái xác nát bét…. Làm nhiều năm, nắm trong tay nhiều xác chết nhưng chưa có cái xác nào như vậy. Thở đều, mình ngồi xuống.
“Chị gái, em tắm cho chị nhé”, mình nói thầm với cái xác. Mình cặm cụi lau rửa sạch sẽ, đặt đầu chị ấy sang một bên. Ba đứa bé ngồi ngay góc phòng, con bé út lên tiếng: “Má con nhìn chú kìa”.
Mình quay lại thấy đầu chị ấy quay ra phía cửa chỗ mình đang đứng. Mình tiến đến phủ khăn lên mặt chị ấy rồi lau cơ thể. Sau đó chích formol giữ xác thì con bé thứ hai lao vào không cho. Mình quát ra ngoài rồi làm tiếp: “Chị ráng chút xíu, sắp xong rồi, chích có chút xíu thôi”, mình nói với cái xác.
Mình chích 7 ống nhưng sau đó chỉ có 6 cái ống tiêm. Tìm đi tìm lại hoài không thấy. Làm xong thì 4 giờ 30 phút sáng. Mình ra ngoài thì gặp tụi nhỏ, hai đứa bé ngồi ngủ gục thương lắm.
Bé lớn vẫn thức, vẫn nhìn vào phòng. Mình bảo nó: “Vào tâm sự với má đi con, chú làm cho má đẹp rồi”. Nó nhìn vào phòng nói nhỏ: “má mới gật đầu chào chú”.
Những câu chuyện của anh Bảo luôn có chút gì đó liêu trai, đáng sợ. Tuy nhiên, với một thế giới như vậy thì những chi tiết khó hiểu không có gì hiếm hoi.
“Ai cũng nói mình còn trẻ mà theo nghề này. Thật sự mình làm một phần không phải vì tiền. Mình làm vì muốn để đức cho con cháu. Bây giờ trại hòm mọc lên như nấm sau mưa, cạnh tranh giành giật vì tiền. Mình làm vì cái tâm, cái lòng thôi.
Nghề này cũng đâu dễ, có bao nhiêu người xin theo mình tắm xác. Mình nhận nhưng đa số chẳng ai trụ được quá một tuần Có người gặp xác tai nạn đã bỏ chạy, có người tiếp xúc xác được một lần đã lăn ra ốm.
Mình đã có bạn gái, khi biết nghề nghiệp cô ấy hơi ngạc nhiên nhưng không nói gì. Mình thì cho dù khó khăn vất vả nhưng chưa hề nghĩ đến việc bỏ đi công việc này”, Bảo trầm ngâm rồi khẳng định chắc nịch.