Trước nay, “thánh địa” của phở vốn nằm ngoài Bắc còn hủ tíu thường hùng cứ trong Nam. Thế nhưng, vẫn có ngoại lệ. Chẳng hạn, dòng bánh phở hai trong một ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa (thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), đã làm những người biết ăn có cái nhìn khác.
Sợi “phở Nam” tươi lại giống hủ tíu
Thật bất ngờ, trong một lần rong ruổi khám phá ẩm thực Phú Yên, nhóm chúng tôi được giới thiệu một món vừa lạ vừa quen: phở Nam.
Đúng ra, đó là một dạng sợi hủ tíu tươi. Chúng đương lặn hụp trong tô nước lèo cũng của hủ tíu, có khoanh giò heo và cục nạc xương khá lớn làm “điểm tựa”. Bên cạnh, sẵn dĩa rau ăn kèm thập cẩm, trông tựa như dĩa rau đi cùng tô bánh canh chả cá Nha Trang, nhưng họ không xắt nhỏ.
Thật bất ngờ với đũa hủ tíu giòn dai của Phú Yên. Ảnh: Tấn Tới
Nét duyên ngầm của tô hủ tíu “lai” phở này chính là, những dòng hủ tíu trắng tươi, “thân” dẻo mịn. Và dù có bị nhấn chìm khá lâu trong tô nước lèo đương bốc khói, chúng vẫn không bở, không lềnh lại chẳng tỏa ra mùi chua đặc trưng khi để nguội.
Anh Kim Tuấn, nhiếp ảnh gia cũng là thổ địa ở đây, nháy giọng miền Nam, cho hay: “Ngạc nhiên chưa! Em út của bánh tráng Hòa Đa đó nha!”
Hấp dẫn, lạ miệng với tô hủ tíu chả cá. Ảnh: Tấn Tới
Thì ra là vậy. Trước nay, chiếc nôi bánh tráng, bánh ướt, bánh hỏi của vùng Bình Phú xưa đã vang danh khắp cả nước rồi. Nay, người thợ nơi đây, lấy chiếc bánh tráng “Hòa Đe” (Hòa Đa – nói giọng địa phương Phú Yên) cỡ dày gần gấp đôi loại bánh để nướng, đem sấy hoặc phơi nắng đến độ deo dẻo, rồi cắt thành từng sợi nhỏ dùng làm bánh phở hoặc hủ tíu đều tiện lợi, thêm đa dạng dòng sản phẩm sau bột.
Thế nhưng, nếu dòng “phở Nam” tươi vừa nêu, cứ giậm chân tại chỗ ở miệt ao làng đất Phú thì kỳ tích sẽ không xảy ra.
Phơi khô, càng ấn tượng
Và trên bước đường mưu sinh khắp nẻo phương Nam, một số con dân xứ Nẫu cũng đã rao bán mớ sản vật miền biển quê nhà. Trong đó, không thể thiếu miếng chả cá, tô bánh canh hẹ và cả mấy túi “phở Nam” vừa kể.
“Mới đầu ế nhệ! Rầu thúi ruột chớ! Cho nên tôi phải mang mấy bịch phở cũ ra phơi khô, để không bị mốc. Nào ngờ, càng khô chúng lại càng giòn dẻo bất ngờ, khi trụng – vớt ra từ nồi nước dùng”, chị Nguyễn Thị Diệu dân gốc xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), kể.
Ở Hòa Đa, số lò cán bánh tráng xấp xỉ lượng giếng trong thôn, hơn 200 cái. Ảnh: Kim Tuấn
Chị Diệu mở quán bán canh chả cá cạnh bờ kè, gần chợ Lái Thiêu khoảng ba năm nay. Do vậy, món hủ tíu chả cả chỉ là món ăn theo mà thôi. Thế nhưng, anh bạn đi cùng có kiến văn rộng về hủ tíu, phải sững người với chớp mắt liên tục khi vừa nhai miếng đầu tiên.
Bởi, cọng hủ tíu thật giòn mà lại dẻo dai. Với lại, chẳng còn “nghe” mùi hôi chua của bột ngâm qua đêm. Thêm muỗng nước dùng mùi vị thanh cảnh, rất ít bột ngọt. Cắn tiếp miếng chả cá dai ngọt thanh đậm, nổi rõ tư vị của cá tươi. Mút nối, đũa tương ớt ủ xổi cay thơm lẫn chua nhẹ, thật kích thích cơn thèm ăn.
Cọng hủ tíu Hòa Đa còn dẻo dai hơn cả hủ tíu trong Nam, sau khi phơi khô rồi hoàn nguyên. Ảnh: Tấn Tới
Dịp tết Canh Tý vừa rồi, tôi đã đặt mua chỗ chị Diệu 10 ký hủ tíu tươi gốc Đông Hòa. Mang phơi khô, rồi biếu cho họ hàng cùng bạn bè thân miệt Gò Công (Tiền Giang) như một trò chơi trắc nghiệm. Bởi, vùng trời tuổi thơ của nhiều con dân xứ Gò đã quá đỗi thân quen với các món hủ tíu: khô, nước, xào (chay hoặc mặn). Kết quả thật ngạc nhiên: mười người cười tươi ngợi khen đủ… chục.
Ngoài ra, chị Diệu còn bày: có thể dùng những lọn hủ tíu khô quê chị thay thế cọng bún tàu, ăn kèm với các món cá chẽm chưng tương, cá lóc chưng cách thủy với lõi cây chuối sứ xắt mỏng…
Thế nên, với dân am tường, chuyện xóm hủ tíu “Hòa Đe” ghi điểm 10 trên vùng phụ cận của hủ tíu Mỹ Tho là chuyện không hề nhỏ chút nào.
Quả thật, cuộc sống vốn là một chuỗi đầy bất ngờ thú vị!
Kiến Tri