HẠT NGỌC CỦA TRỜI

Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần

          Thật vậy, câu ca dao đã gợi cho ta thấm thía sự cực nhọc, gian nan của con người khi làm ra hạt lúa, hạt cơm thơm lừng, cho ta mỗi bữa ăn ngon, những bữa ăn thấm đậm tình người, không gian ấm áp của gia đình người Việt.

          Người đồng bằng Nam bộ hay nói ở cửa miệng trong ba ngày Tết là: “Cúng ông bà một mâm cơm”. Cơm gạo cũng là thứ dân tộc ta làm nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ 4000 năm dựng nước. Thế cho nên thời đại nào, vùng miền nào rồi cũng cần cơm. Đó cũng chính là nguồn nuôi ta đến “vai u thịt bắp”, nên người. Ai cũng nhận biết giá trị vật chất của nó nhưng cũng không hẳn ai cũng hiểu được linh hồn của hạt cơm. Cũng chính linh hồn của hạt cơm đã làm nên sự dung dị những bữa cơm gia đình người Việt thật mộc mạc, tự nhiên, giản dị nhưng vượt trội các chuẩn mực đạo đức con người và gia đình ở nhiều dân tộc, quốc gia khác.

Ngày tôi còn bé, Má tôi nói riêng và những người già của làng tôi nói chung đều có một thói quen: hễ dọn cơm lên ăn mà con cái làm rơi rớt hạt cơm, nếu là chỗ sạch, thì họ bắt nhặt lên ăn cho kỳ hết mới thôi, nếu cơm rớt chỗ dơ bẩn thì họ dùng tay hay những dụng cụ sạch để nhặt lên mang đi cho gia súc ăn. Không bao giờ họ dùng chổi quét nhà để quét cơm. Nếu con cái lỡ chân giẫm phải hạt cơm đổ thì Má tôi cứ suýt xoa: “Tội chết con ơi”. Tương tự như hạt cơm, hạt muối cũng được tôn trọng đến mê tín. Việc giẫm chân lên hạt muối, hạt cơm là một điều cấm kỵ trong nếp sống của làng tôi.

Không chỉ có vậy, vào dịp ngày rằm và 30 âm lịch hàng tháng, dân làng tôi đều bài 2 dĩa gạo muối trên bàn ông thiên trước sân nhà để cúng trời đất. Hồi nhỏ tôi hỏi Má tôi: “Sao không cúng những thứ quý hơn…”. Má tôi nói: “Gạo, muối là hạt ngọc, có gì quý bằng hả con?”.

Trong đời sống tinh thần của làng tôi, có một câu chuyện cổ tích về hạt lúa rằng: Ngày xửa ngày xưa hạt lúa to bằng trái dừa khô, đến mùa lúa chín thì lúa tự lăn vào nhà chủ ruộng. Hôm nọ, tại nhà một người đàn bà có máu mê cờ bạc, ngay trong lúc mụ ta gấp rút đến chiếu bạc thì lúa ngoài đồng lăn vào choáng nhà, choáng cả lối đi. Bực bội nên mụ ta dùng chổi quét nhà vừa quét vừa đập, hạt lúa bể ra. Kể từ đó hạt lúa biến thành hạt nhỏ xíu như bây giờ và khi chín nó không tự lăn vào nhà nữa.

          Câu chuyện cổ tích ấy như sương như khói, lảng vảng trong đời sống bọn trẻ làng tôi từ thế hệ này cho đến thế hệ khác để gợi thêm sự hình thành nhân cách con người. Thành bài học răng dạy con người phải biết quý hạt gạo từ thời tấm bé và lớn lên thành người.

Khi tôi lớn lên đi khỏi làng, có một ít trải nghiệm cuộc đời thì tôi mới ngộ được sự sùng tín hạt lúa của Má tôi. Đất đai của làng tôi xưa thuộc huyện vùng sâu của Cà Mau, là một vùng đất nhiễm phèn mặn lâu đời, thời đó lại chưa có khoa học kỹ thuật tác động tới. Người làng tôi trồng lúa theo kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác. Vì đất nhiễm phèn nên mùa sa mưa là các loại cỏ như: năng, lác, cỏ nước mặn thi nhau mọc lên ngang lưng quần. Nếu cách canh tác thông thường như ĐBSCL là đến mùa mưa người ta cày bừa rồi cấy thì ở làng tôi đất cỏ nhiều quá không thể cày mà dùng phản phát cỏ. Phát xong thì chế (phát cỏ lại lần nữa) rồi mới cấy, mà không phải cấy tay như bình thường, phải dùng đến nọc cấy, chọt xuống đất cứng một lổ để tra bụi mạ non vào. So với đất cày, cấy tay được thì đất phát cỏ, cấy nọc nặng nhọc gấp đôi. Tôi nhớ tháng tám mưa dầm, Má tôi trầm mình dưới đồng sâu cấy đến đỏ đèn mới xong một công cấy nọc. Lúa ở đồng làng tôi cấy xuống nở rất nhanh, thế nhưng đất có quá nhiều cỏ, lại có gốc phèn mặn nên chỉ cần thời tiết thay đổi một chút, ví dụ như: hạn bà Chằn, dứt mưa sớm, gió bấc về sớm hơn thường niên… là lập tức những bụi lúa to bằng cái tô con gà bỗng héo úa, tàn lụi. Người nông dân “chết đứng” nhìn cánh đồng của mình, trong đôi mắt họ ngọn lửa hy vọng về một cái Tết có pháo nổ, áo mới, nồi thịt kho hột vịt… cũng tàn lụi theo bụi lúa.

              Chuyện mùa màng thất trắng xảy ra thường xuyên ở làng tôi, thế nên cái xóm lưa thưa những mái lá đó cứ nghèo ấp lẫm, tả tơi manh áo. Trong xóm có ai mời đám giỗ dân làng tôi cũng chỉ có thể mang theo để góp phần một chai rượu đế 3 xị. Ai mà đi đám được hai chai rượu là đã có quyền ăn nói rổn rảng ở đám giỗ. Thời trẻ có dịp đi đưa dâu ra khỏi làng với bộ đồ cũ, tôi mang theo nỗi mặc cảm nặng nề và hay tự trách trời cao đất dày sao tôi lại sinh ra ở một cái làng nghèo đến như thế.

               Những năm mùa màng thất trắng, Ba tôi thì giận dữ bỏ đi qua vùng đất khác đập lúa mướn. Má và chị Hai tôi sáng tinh mơ đã cắp thúng ra đồng, lục lọi trong đám cỏ năng, cỏ nước mặn để tìm những bông lúa chắc còn sót lại (gọi là đi mót lúa). Họ đội nắng đến xế chiều về đến nhà cũng chỉ mót được mỗi người lùm lùm một thúng táo. Những hạt lúa đó có màu rất lem luốc chứ không sáng rỡ mây mẩy như lúa trúng mùa. Má tôi cho vào cái cối giã gạo rồi sàng ra được những hạt gạo sứt đầu mẻ trán và ốm còm như người dân quê tôi ốm yếu xanh lả vì thiếu dưỡng chất. Vậy mà rồi “giẻ rách cũng đỡ đầu móng tay”, những hạt gạo ấy trộn thêm khoai sắn đã giúp lũ anh em chúng tôi sống lây lất qua mùa giáp hạt để chờ mùa vụ tới. Tôi nhớ như in cái hương vị của hạt cơm đó, nó ít chất béo, không ngọt hơn cái vị mặn. Phải chăng cái vị mặn ấy có được do mồ hôi, nước mắt của Má tôi và chị Hai tôi tưới lên.

Chính vì làm ra hạt lúa nó khó khăn đến “chảy máu con mắt” như thế nên dân làng tôi quý trọng hạt lúa đến sùng tín. Như thể hạt lúa là vật linh, là trong hạt lúa có cả linh hồn.

Mỗi thời đại, mỗi vùng miền giá trị dinh dưỡng, giá trị tiền bạc của hạt lúa ít bị thay đổi nhưng nó thay đổi rất lớn cái giá trị lao động làm ra hạt lúa.

Có một bài toán của hạt lúa và cuộc đời rất dễ tính như cộng, trừ, nhân, chia nhưng không hẳn là ai cũng làm được phép tính ấy. Một đất nước nghèo, một làng quê nghèo, một bà mẹ nghèo khi làm ra hạt lúa để nuôi ta lớn khôn hẳn phải tốn nhiều mồ hôi nước mắt hơn hẳn những làng nước những bà mẹ khá giả. Các nhà đạo đức gọi đó là công đức. Còn tôi, chỉ gọi bừa nó là một phép tính. Ai không làm được phép tính ấy thì thiếu đi cái nhân cách con người./.

                                                                          Lâm Thế Hùng