Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm âm nhạc của mình liên tục bị các cá nhân, đơn vị sử dụng không xin phép, khiến nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường không khỏi bức xúc. PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn “nạn nhân” này để nghe quan điểm của anh.
Dù Việt Nam đã là thành viên của công ước quốc tế về bản quyền như Công ước Berne,…, nhưng vấn nạn vi phạm tác quyền âm nhạc luôn trong tình trạng báo động. Thậm chí, một số nghệ sĩ Việt còn “vay mượn” sản phẩm của nghệ sĩ nước ngoài khiến họ phải lên tiếng. Là nhạc sĩ có nhiều năm trong nghề, anh nhìn nhận thế nào về câu chuyện đáng buồn này?
Câu chuyện bản quyền âm nhạc ở nước ta còn khá nhập nhằng giữa việc được hay không được “mượn” những tác phẩm của người khác để đưa vào sản phẩm riêng của mình. Vậy nên, khó tránh có những trường hợp vi phạm bản quyền xảy ra. Đây cũng là điều đáng buồn, vì dù biết hay không biết, nghệ sĩ cũng đều bị mang tiếng là thiếu ý thức về bản quyền, và tất nhiên là sẽ kèm theo những khoản phạt khá nặng.
Thời gian gần đây, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường bức xúc lên tiếng vì liên tục bị vi phạm bản quyền tác phẩm. Anh đã xử lý thế nào để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình?
Chuyện là ca khúc Hoa nở không màu của tôi thời gian gần liên tục bị người khác “xài chùa”. Hết bị một nhà sản xuất phim sử dụng không xin phép, lại đến một ca sĩ tự ý hát rồi còn đăng tải lên kênh Youtube cá nhân. Điều đáng nói là tôi không hề hay biết, cũng như không nhận được sự xin phép trước đó từ các đơn vị, cá nhân này về việc sử dụng ca khúc. Đây là một việc làm rất thiếu tôn trọng tôi và ý thức kém về vấn đề bản quyền ca khúc.
Tác phẩm âm nhạc do nhạc sĩ sáng tạo ra, tất cả đều là tài sản riêng của cá nhân họ. Vậy nên, khi “đứa con tinh thần” bị người khác xâm phạm, tất nhiên là mình phải lên tiếng. Nhưng, thật ra tính tôi cũng khá “dễ chịu”, khi chỉ cần bên vi phạm nhận lỗi với mình, và tất nhiên là cũng phải kèm theo việc đền bù chi phí tác quyền phù hợp với việc mà họ đã sử dụng.
Đã có nhiều vụ việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam gây nhức nhối, nhưng các vụ kiện đòi lại quyền lợi cho chủ sở hữu quyền tác giả vẫn chỉ đếm “trên đầu ngón tay”. Phải chăng, chính cách xử lý không triệt để, dứt khoát đã dung dưỡng cho thói quen “xài chùa”?
Cũng có thể nói là như vậy. Do, lâu nay các điều luật về bản quyền ở nước ta chưa được truyền bá rộng rãi, nên việc “xài chùa” một tác phẩm dần dần đã trở thành thói quen. Thậm chí, với một số cá nhân, họ còn coi hành động “vay mượn” không cần xin phép là điều hiển nhiên.
Nhưng, tôi hy vọng, hành động “xài chùa” chất xám của người khác sớm muộn sẽ bị xử lý triệt để. Nếu không nó sẽ làm ảnh hưởng đến cả nền âm nhạc đang rất phát triển của chúng ta.
Vậy theo anh, cần có những biện pháp gì để vấn đề bản quyền âm nhạc không còn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nữa?
Tôi thấy, pháp luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy nên, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, tùy theo sai phạm để có hướng xử lý, răn đe thật nghiêm khắc các hành vi xâm phạm. Phải như vậy thì mới dần dần hình thành ý thức tôn trọng bản quyền được.
Là một nhạc sĩ, anh kỳ vọng thế nào về câu chuyện “được sống bằng tác phẩm của mình”?
Rất kỳ vọng chứ! Đối với một nhạc sĩ, tác phẩm không chỉ là đứa con tinh thần, mà nó còn có thể giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Vậy nên, càng thắt chặt về bản quyền, thì nhạc sĩ sẽ càng giảm đi sự thiệt thòi.
Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường!