Người dân sinh sống tại ngôi làng nhỏ Shoyna, Nga, luôn canh cánh nỗi lo sợ bị vùi lấp dưới các đống cát, nhất là khi trời có gió to.
Đến với Shoyna, người dân nơi đây luôn phải tuân thủ theo một điều “luật bất thành văn”: Không bao giờ đóng cửa khi tối trời.
Bởi lẽ, dưới sự tác động của gió tây, các cồn cát tại ngôi làng nằm ở rìa vòng Cực Bắc này có thể dễ dàng bị vùi lấp, “biến mất” hoàn toàn sau một đêm. Nếu đóng cửa nhà lại, người dân sẽ không thể mở cửa vào sáng hôm sau vì cát đã chất lên tới gần nóc nhà, nhốt họ lại bên trong.
Nghe có vẻ kì lạ, nhưng sự thật là dân cư nơi đây đã quá quen với hiện tượng này rồi! Họ vẫn thường thức dậy khi ánh nắng chỉ le lói chiếu vào phần trên cùng của cửa sổ, còn những phần dưới hoàn toàn bị che phủ bởi các cồn cát. Đơn cử trong số các “nạn nhân” của cát là bà Anna Golubtsova, người bị buộc phải sống ở tầng hai của ngôi nhà, vì tầng một đã biến thành một bãi biển cát trắng bất đắc dĩ. Sau một đêm gió to, bà phải thuê một chiếc máy ủi để đẩy cát ra ngoài, nếu không cát và tuyết sẽ chất thành đống khiến bà kẹt cứng trong nhà.
Không riêng gì Anna, các hộ nhà hàng xóm của bà cũng bị cát vùi lấp gần hết, khiến các gia chủ phải đi vào nhà qua gác mái. Đến nay, đã có tổng cộng hơn 20 ngôi nhà trong làng bị chôn vùi hoàn toàn dưới cát.
Hàng xóm của Anna thậm chí phải chịu số phận hẩm hiu hơn, khi có người phải ra khỏi nhà bằng đường gác mái.
Vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân cư nơi đây từng chạm mốc 800 người, nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn 285 người. Ngoài những người làm nhà giáo hay làm việc trong hội đồng quản trị làng ra, phần lớn người dân sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, lương hưu hoặc những buổi đi săn ngỗng; ngoài ra, công việc thu nhập cao nhất ở Shoyna là nghề lái xe ủi, bởi lúc nào cũng có người dân cần dọn cát quanh khu nhà.
Công việc lái máy ủi có lợi nhuận cao là vậy, nhưng đến nay cả làng chỉ có duy nhất một chiếc xe ủi. Người duy nhất thực hiện trọng trách đào cát quanh nhà dân này, anh Sasha, cho biết tiền công đào cát mỗi giờ là 70 USD (khoảng 1,6 triệu đồng). Số tiền này là rất lớn đối với dân cư nơi đây, nhất là khi thời gian dọn thường giao động trong khoảng 10 tiếng. Vì thế, Sasha vẫn thường sẵn sàng đào cát miễn phí cho những hộ gia đình khó khăn.
Vào mùa hè, đi máy bay nhỏ và trực thăng là cách duy nhất để mọi người tiếp cận ngôi làng. Vì địa hình giống hệt sa mạc, người lớn tại Shoyna phải tạm biệt ước mơ được xỏ chân vào đôi giày cao gót. Còn với trẻ em, ngôi nhà của chúng lúc nào trông cũng giống như một hộp chứa cát lớn vậy.
Tuy nhiên, theo như một người dân đã lớn tuổi trong làng, trước đây Shoyna từng được bao phủ bởi những đồng cỏ xanh tươi, nơi đàn bò được chăn thả và ai ai cũng có trang trại cho riêng mình. Khác xa với khung cảnh sa mạc đầy cát heo hút như hiện tại, thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Shoyna từng là một cảng cá phát triển mạnh mẽ, song việc khai thác quá đà đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên ở đây.
Sau khoảng thời gian hưng thịnh ấy, hệ sinh thái dưới đáy biển bị phá vỡ, cùng sự thay đổi tự nhiên ở lòng sông chảy qua Shoyna vào biển Trắng, đã khiến nơi đây biến thành một cồn cát mênh mông.
“Tôi vẫn nhớ lúc đó, khi ngôi làng Shoyna còn tràn ngập sự sống chứ không phải ‘ngập cát’ như bây giờ.” – bà Evdokiya Sakharova, 81 tuổi, bồi hồi nhớ lại.
Sự thật là người dân Shoyna vẫn được tiếp xúc với internet. Họ vẫn biết những gì diễn ra với thế giới xung quanh mình, nhưng vẫn chọn ở lại đây. Lý do thì có nhiều, nhưng hầu hết người dân đều quá gắn bó với ngôi làng nhỏ bé này. Mặc dù gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, dân làng Shoyna vẫn rất tự tin về nơi ở. Họ rất hiếu khách, sẵn sàng chiêu đãi những vị du khách vãng lai tới nhà thưởng thức hải sản.