Ngoài bánh trôi bánh chay, Tết Hàn thực ngày xưa ông bà ta còn ăn một loại bánh khác đấy!

Chẳng xa lạ gì khi ngày 3/3 Âm lịch này nhà nhà làm bánh trôi bánh chay. Nhưng bạn có bất ngờ không khi biết trong quá khứ, ông bà chúng ta đã từng ăn “bánh Xuân Thái” vào dịp này?

Hãy bắt đầu từ nguồn gốc của Tết Hàn thực. Theo người Trung Quốc, nó gắn liền với hình ảnh anh hùng Giới Tử Thôi: Khi vua gặp nguy cấp lúc chạy giặc, ông đã tự cắt một… miếng thịt của mình dâng cho vua. Sau này ông ở ẩn, dù vua đốt rừng thúc ông quay về, Giới Tử Thôi cũng thà chịu chết cháy. Từ đó cứ dịp giỗ Giới Tử Thôi (3/3 âm lịch), người ta phải kiêng lửa, tạo ra những món ăn “lạnh” cho Tết Hàn thực.

Ngoài bánh trôi bánh chay, Tết Hàn thực ngày xưa ông bà ta còn ăn một loại bánh khác đấy! - Ảnh 1.

Bánh trôi bánh chay là thức phổ biến vào dịp Hàn thực.

Thế nhưng ở Việt Nam, Tết Hàn thực cũng xuất hiện từ rất lâu đời trong tín ngưỡng dân gian và cũng kèm theo những món ăn đặc trưng. Cụ thể là năm 1292, chính Trần Nhân Tông sai người làm một mâm bánh đem tặng… ngược lại sứ giả nhà Nguyên kèm đôi lời sau:

“Múa giá chi rồi, thử áo xuân

Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thuần

Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc

Phong tục An Nam theo cổ nhân”

(Bản dịch Hán Việt: Trần Lệ Văn)

Lời thơ trang nhã nhưng ý tứ sâu xa: Rõ ràng trong mắt người Việt, Tết Hàn thực là phong tục cổ truyền gắn với ông bà tổ tiên ta. Đoạn thơ ngắn này của Trần Nhân Tông cũng khẳng định rằng người Việt ta đã từng dùng bánh xuân thái (“bánh rau tinh khiết”) hay còn gọi là bánh cuốn ngày nay vào tiết Hàn thực khi xưa.

Bánh Xuân Thái là bánh gì?

Hãy hồi tưởng một chút về món bánh Hàn thực năm xưa cùng độ tinh tế như cái tên của nó.

Bánh Xuân Thái (春菜), “春” chỉ mùa xuân, “菜” nghĩa là rau, hiểu nôm na là loại bánh cuốn có nhân thịt và rau tươi mùa xuân bên trong. Bởi vì hình dạng khá giống bánh cuốn và gỏi cuốn ngày nay, nên nó được xem là phiên bản cổ của hai loại bánh trên. Bánh xuất hiện từ thời Lý – Trần và được các tài liệu lịch sử cùng thời ghi nhận như biểu tượng của Tết Hàn thực: “Vào tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau” (trích dẫn An Nam chí lược, sử gia Lê Tắc). Như vậy, có lẽ mãi đến thời Lê Nguyễn, tục bánh trôi bánh chay mới xuất hiện, còn trước đó ông bà ta đều ăn bánh và tặng nhau bánh cuốn.

Ngoài bánh trôi bánh chay, Tết Hàn thực ngày xưa ông bà ta còn ăn một loại bánh khác đấy! - Ảnh 2.

Bánh Xuân Thái được cho là tên gọi khác của bánh cuốn theo sử sách.

Xét về phần vỏ, bánh Xuân Thái cũng giống bánh cuốn miền Bắc ở chỗ làm từ bột gạo, thường là bột gạo hơi cũ một chút, nhằm giúp bánh bớt dính và dễ cuốn thành hình hơn. Nhân bên trong bao gồm các loại thịt đã được xào chín và rau tươi, rau thơm của mùa đấy như rau mùi, bạc hà… Tuy nguyên liệu bình dân nhưng người tráng bánh và cuốn bánh phải thật khéo, đảm bảo quấn thành hình trụ thon dài, tròn đẹp đẹp mắt và không bị rách mới đủ tiêu chuẩn đem lên mâm cúng ông bà. Trong sử sách có ghi lại lời ca ngợi của người xưa với bánh Xuân Thái hay bánh cuốn ngày nay: “Quyển bính nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay” (Sách Chỉ Nam Ngọc Âm).

Dù sách sử đã giải nghĩa bánh Xuân Thái chính là bánh cuốn, cũng có ý kiến cho rằng nó thực ra là tổ tiên của… gỏi cuốn và phở cuốn mới đúng. Nếu như rau thơm, rau sống được dọn ăn kèm cùng bánh cuốn Hà Nội, thì ở các vùng miền khác, người ta cuốn cả thịt và rau vào trong bánh.

Ngoài bánh trôi bánh chay, Tết Hàn thực ngày xưa ông bà ta còn ăn một loại bánh khác đấy! - Ảnh 3.

Nhưng dù bản chất Xuân Thái là bánh cuốn hay gỏi cuốn, cũng không thể phủ nhận nó đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam từ rất lâu đời, với sắc thái và ý nghĩa riêng biệt với món ăn Hàn thực của Trung Quốc. Món Hàn thực ở nước bạn hoàn toàn kiêng lửa, nhưng bánh Xuân Thái ở Việt Nam thì không. Tết Hàn thực ở nước bạn gắn với tích về một vị anh hùng dân tộc, nhưng Hàn thực của ta hoàn toàn hướng về đạo ông bà. Cho đến bây giờ, người ta cũng chỉ biết người thời Lý, Trần ăn bánh cuốn vào mùng 3/3 Âm Lịch chứ không mấy ai hiểu tại sao. Hoặc đơn giản như trong đôi câu thơ của Trần Nhân Tông, bánh Xuân Thái có rau có thịt, là tinh hoa đất trời mùa xuân-hạ, mùa màng nở rộ, mang đầy ý nghĩa tốt đẹp để thưởng thức và dâng lên gia tiên.

Xét cho cùng, “Những phong tục tốt đẹp được hình thành là sáng tạo văn hóa của nhân loại. Nếu người ta thấy hay, thấy đẹp thì học theo, cũng chẳng có điều gì phải ngần ngại (…) Có điều tìm đến gốc gác một phong tục để biết thêm vẻ đẹp nhân văn của nó cũng là một việc rất nên biết, trả lại cái ý nghĩa sâu xa vui vẻ và đầy sức sống như thế cho ngày tết mồng 3 tháng Ba cổ truyền của người Việt lại càng là một việc rất nên làm.” – PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh.

Nguồn: An Nam Chí Lược, Chỉ Nam Ngọc Âm, Trần Quang Đức, Trần Thị Băng Khanh.