– Là một nhà thơ trước khi là một nhạc sỹ, Nguyễn Vĩnh Tiến có thế mạnh về ca từ. Những ca khúc của anh chiếm được tình cảm của khán giả nhờ công không nhỏ của phần lời giàu hình ảnh: “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng, một mình bà đội cả trời nắng to”… Vì thế, nhiều người bất ngờ khi Nguyễn Vĩnh Tiến phổ nhạc cho một số bài thơ, trong đó phải kể đến “Bên kia sông Đuống, thi phẩm nổi tiếng của cố nhà thơ Hoàng Cầm.
Anh mê “Bên kia song Đuống” của Hoàng Cầm từ bao giờ? Người viết lời tốt như anh mà còn phổ thơ thi sĩ khác sao?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi chơi với Hoàng Cầm từ thuở còn ở Câu lạc bộ Thơ Sinh viên Hà Nội. Tôi thích sự lãng mạn cũng như ngôn ngữ của Hoàng Cầm.
Ca khúc “Bên kia sông Đuống” đúng nghĩa phổ thơ. Vì có sự tác động rõ ràng của Nguyễn Vĩnh Tiến vào ca từ. Thí dụ có hai câu hoàn toàn mới: “Hiu hiu gió rét, mịt mù mưa bay” hay “giày vò môi xinh”… Có vẻ anh luôn ý thức mình là thi sĩ ngay cả khi làm nhạc?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi làm chủ giai điệu. Và chọn được những từ ngữ phù hợp theo dòng chảy của giai điệu. Các trường hợp phổ thơ khác họ hay bị ngợp và bị cuốn theo ca từ. Còn tôi thì khác. Tôi chủ động giai điệu. Giống như thiết kế sẵn một hệ kết cấu âm nhạc, sau đó để thơ Hoàng Cầm tuôn chảy trong kết cấu đó.
“Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm có hình ảnh được đánh giá cao: “Sao xót xa như rụng bàn tay”. Khi phổ nhạc anh đã “biên tập” hình ảnh đắt giá này, anh không sợ fan Hoàng Cầm giận?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Còn nhiều câu thơ hay nhưng không thể tham được. Cần biết chọn lọc và tái cấu trúc lại. Tôi chơi với chữ mấy chục năm rồi nên chữ cũng yên tâm để mình xoay chuyển dưới ngòi bút. Lại còn thêm gia vị là âm nhạc nữa chứ! (cười)
Hoàn cảnh nào để anh viết ca khúc “Bên kia sông Đuống”?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi viết bày này đúng hôm nghe tin Hoàng Cầm mất. Khi đó tôi đang ở Pháp.
Tức là “Bên kia sông Đuống” không phải sáng tác mới tinh của anh? Nhưng vì sao chưa thấy ca khúc này phổ biến rộng rãi?
Nguyễn Vĩnh Tiến: : Là vì tôi chưa tiến hành thu âm và sản xuất. Ở Việt Nam lạ lắm. Ca sỹ ít đặt hàng, hay hát bài có sẵn, nên nhạc sỹ phải khá tốn kém và vất vả cho sự ra đời của những tác phẩm mới.
Anh đã nhắm ca sỹ nào hát “Bên kia sông Đuống” chưa?
Nguyễn Vĩnh Tiến: “Bên kia sông Đuống” chờ đợi dành cho một giọng ca thực sự đàn ông, nam tính, truyền cảm. Mà điều đó giờ đang hơi hiếm. Còn album về 12 loài hoa của tôi thì chắc sẽ có sự hợp tác của Thanh Lam, Mỹ Linh và Ngọc Khuê rồi.
Tò mò một chút, tiêu chí nào để một bài thơ lọt vào “mắt xanh” của thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Thơ hay thực sự thì tôi sẽ phổ thôi. Mới đây, tôi vừa phổ bài “Góc chiều” của nhà thơ Duy Thảo ở Hà Tĩnh. Bài đó ca từ cũng tuyệt hay. Hay bài “Ông tôi” là phổ từ thơ của bố tôi đấy chứ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền! Bài thơ có hình ảnh và lời thơ thực sự xuất sắc. Thí dụ: “Con trâu khổng lồ đi theo ông…”; “Vạm vỡ một trung du của quá khứ và của hiện tại”…. Tôi cũng đã phổ hai bài cho nhà thơ, họa sỹ Ly Hoàng Ly. Đó là bài “Tri kỷ” và “Rơi khăn”. Chỉ đơn giản vì đó là hai bài thơ xuất sắc. Nguyên tắc của tôi khi phổ nhạc cho thơ người khác khá khác biệt, theo kiểu kiến trúc sư. Có nghĩa là xây dựng cấu trúc âm nhạc trước sau đó để thơ tuôn chảy trong cấu trúc âm nhạc đó. Vốn có sẵn điểm mạnh về ca từ, nên tôi có thể ngồi sàng sảy chữ nghĩa được.
Anh sàng sảy khéo quá có khi lại thành ra thơ Nguyễn Vĩnh Tiến thì dở!
Nguyễn Vĩnh Tiến: Không. Nguyên tắc nữa của tôi là tuyệt đối trân trọng nhà thơ. Vì mình cũng là nhà thơ mà. Kết hôn giữa nhạc và thơ, vốn rất khó. Nhưng tôi đã từng thành công với “Giấc mơ trưa”, hoàn toàn để ca từ chảy vừa khít với giai điệu của Giáng Son nhưng vẫn có sự tự do bay bổng của thơ.
Vậy anh sẽ làm cho các thi phẩm vừa khít với giai điệu của anh chứ? Anh có tự tin không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tự tin chứ. “Bên kia sông Đuống:” của Hoàng Cầm là một ví dụ.
Liệu anh có làm dự án các ca khúc phổ thơ không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Đó là ý tưởng hay. 15 năm kết duyên với âm nhạc và làm chủ hơn về kỹ thuật sáng tác nên tôi cũng tự tin hơn. Có lẽ tôi sẽ chọn 12 bài thơ đương đại.
Anh tự tin mình sẽ thắng trong dự án ca khúc phổ thơ?
Nguyễn Vĩnh Tiến. Thắng thua gì đâu. Làm nghệ thuật thì cứ xác định là cống hiến.
Anh có dám thử sức với “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan không?
Nguyễn Vĩnh Tiến. Bài đó quá nổi rồi. Và Phạm Duy đã phổ quá hay. Tôi sẽ làm những việc chưa ai làm.
Cống hiến nhiệt tình cho âm nhạc và thi ca có ảnh hưởng tới nghề kiến trúc sư của anh không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Về kiến trúc thì tôi có kế hoạch xuất bản một cuốn sách rồi. Cuốn sách đó là sự định hình lại bản thân. Nghề kiến trúc sư giống nghề bác sỹ. Gừng càng già càng cay mà. Từ 50-80 tuổi mới là giai đoạn sung sức nhất của các kiến trúc sư, trên thế giới là vậy đấy.
Thi ca, âm nhạc có đợi đến 50-80 tuổi mới thăng hoa không?
Nguyễn Vĩnh Tiến: Tôi thấy nghề kiến trúc là vậy. Còn âm nhạc và thơ thì không hẳn vậy. Tôi luôn lạc quan nghĩ rằng, mình còn hơn một nửa thế kỷ để tiếp tục sáng tạo. Sống điều độ và khoa học thì thọ 100 tuổi bây giờ là chuyện bình thường.
Và anh vẫn còn hơn một nửa thế kỷ để yêu thêm một người phụ nữ nữa?