Thợ ảnh nói rằng: họ không-thể-làm-gì hơn nữa để giúp các cô cậu học trò nói trên xinh-xắn-hơn. Còn học sinh vẫn một mực nói rằng ảnh mình tự chụp còn đẹp hơn ảnh thợ chụp.
Mới đây, công đồng mạng bất ngờ thi nhau chia sẻ một câu chuyện về mùa kỷ yếu được anh chàng thợ ảnh có tên Lưu Minh Khương đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Hơn 40 bức ảnh chụp màn hình trong đoạn hội thoại cuộc nói chuyện giữa một nhóm thợ ảnh và lớp 12A6 trưởng THPT Lê Quý Đôn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã được đăng tải.
Theo chia sẻ, các bạn học sinh đã sẵn sàng cãi tay đôi, nhắn tin chê bai đủ thứ, thậm chí đòi hoàn lại hơn 50%-70% số tiền vì bộ ảnh không như mình mong muốn. Thợ ảnh chụp bộ này còn nói rằng họ nhận được lời hăm dọa từ người nhà các bạn học sinh.
Trong khi dưới đánh giá của phần đa cư dân mạng và các thợ ảnh kỷ yếu khác: họ không-thể-làm-gì hơn nữa để giúp các cô cậu học trò nói trên xinh-xắn-hơn.
Nhóm thợ ảnh nói rằng họ bị người nhà của học sinh hăm dọa
Theo những đoạn tin nhắn trò chuyện mà Minh Khương chia sẻ, có thể thấy nguyên nhân chính khiến nhóm bạn lớp 12 không hài lòng là do ảnh chụp “mặt méo”, đạo cụ sơ sài, thái độ của các thợ ảnh thiếu tôn trọng. Cụ thể, theo nội dung tin nhắn mà nhóm bạn chia sẻ, một trong các thợ ảnh đã có lời lẽ thiếu tôn trọng các bạn như gọi: con béo này, con già kia… Ngoài ra, theo yêu cầu từ team chụp, các bạn đã mang file ảnh đi tham khảo nhiều nơi nhưng đều bị chê xấu.
Ngay sau khi bài chia sẻ được công khai đi kèm hình ảnh, nhiều người đã bảo vệ nhóm thợ ảnh và đồng loạt có nhận xét tích cực về sản phẩm kỷ yếu mà team đã thực hiện. Đông đảo dân mạng đã lên tiếng chỉ trích nhóm học sinh lớp 12 và cho rằng sản phẩm của nhóm thợ ảnh thực hiện không đến nỗi tệ đến mức phải đòi lại tiền.
Sau đấy, thợ ảnh Minh Khương – người đã công khai toàn bộ vụ việc và ngỏ lời “kêu cứu” dân mạng tiếp tục cập nhật thông tin liên quan. Trên trang cá nhân của mình, thợ ảnh này cho biết anh vừa nhận được hàng loạt tin nhắn thoại với lời lẽ khó nghe từ tài khoản Facebook có tên C.L (theo anh Khương thì đây là một thành viên trong lớp mà anh nhận chụp kỉ yếu).
Một người khác tự nhận là anh trai của nữ sinh C.L yêu cầu “gặp mặt giải quyết” với team chụp ảnh, đồng thời đe dọa “chúng mày không xong với tao đâu“, trong tin nhắn thoại người này cũng liên tiếp có những lời văng tục và chửi bới.
Giáo viên, phụ huynh phải lên tiếng – học sinh xin lỗi thợ ảnh
Người chụp ảnh Minh Khương chia sẻ: “Mình xin nói thêm về câu chuyện, cả ngày mình không làm được việc gì vì hết người này gọi xin lỗi rồi tới người kia dọa đánh. Trong lúc phụ huynh và cô giáo gọi điện xin lỗi thì các bạn trong lớp vẫn quan điểm cũ vẫn bới móc và không chịu nhận lỗi. Tại sao các em là người có lỗi mà lại bắt phụ huynh đứng ra nhận lỗi thay mình vậy, các em cũng 17-18 tuổi rồi mà. Dám chịu trách nhiệm trước hành vi của mình mới nhận được tôn trọng“.
“Cũng không có gì to tát nhưng mỗi lần nghĩ đến là ăn cơm khó nuốt trôi. Anh em thợ ảnh lên đường từ tờ mờ sáng mang đủ thứ đồ balo máy ảnh máy quay, đồ chụp tối, loa đài. Mình chỉ nhờ 1 việc bé xíu mà các em tỏ thái độ khó chịu, sau bên mình vẫn phải lo hết. Cả quá trình chụp và quay ngày hôm đó anh em thợ ảnh đã cố gắng “cười tươi một mình” và đối diện kia là những ánh mắt soi mói. Các anh thợ vẫn cố gắng niềm nở trêu đùa làm tròn nghĩa vụ cho tới khi kết thúc buổi chụp. Mình nói thật, tuy mình không đi trực tiếp gặp lớp nhưng cũng rất hiểu cảm giác của anh em khi làm việc.
Quá áp lực khi lớp không có tính xây dựng hợp tác. Đến khi về các bạn trong lớp lại tag các anh thợ vào nhóm chat và tổng xỉ vả mà mình không nghĩ những em viết những dòng đó là học sinh lớp 12. Mà đó là cái cảm giác khó chịu nhất, khi dành cả tâm huyết tận tâm tận tình xong về lại như đi xem phim ”lật mặt”. Khi trao đổi về vấn đề lớp bức xúc. với các em mình đã cố nhỏ nhẹ và chưa từng văng tục chửi mắng gì các em vì đó là nguyên tắc làm việc bên mình“, thợ ảnh Minh Khương chia sẻ thêm.
Khoảng một ngày sau khi bài đăng được đăng tải, ngày 5/4, Minh Khương cho biết rằng các bạn học sinh đã gọi đến gửi lời xin lỗi một cách khẩn thiết: “Trong ngày hôm qua, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm gọi điện xin xóa bài đi. Nhưng mình không đồng ý vì quan điểm của mình là ai làm người đó chịu đừng bắt ai phải hứng chịu thay mình, các bạn ý cũng 17-18 tuổi rồi lớn rồi biết suy nghĩ cả rồi. Mình chỉ muốn các bạn ấy hiểu 1 điều là làm việc gì cũng phải suy nghĩ thấu đáo và đặt mình vào vị trí người đối diện xem đã hợp lý chưa. Đồng thời, học cách chia sẻ thấu hiểu với mọi người xung quanh. Sau này bước chân vào đời các em sẽ vững vàng hơn. Đó là mong muốn của mình.
Vừa rồi, bạn L.C đã gọi cho mình với giọng xin lỗi thành khẩn. Và mình cũng chỉ chờ điều đó, tức là các em đã nhận ra mình sai ở đâu và sẽ rút kinh nghiệm“.
Đừng biến ảnh kỷ yếu từ niềm vui trở thành “drama khó quên” của tuổi thanh xuân
Vài năm gần đây, phong trào chụp ảnh kỷ yếu trở thành một “nghi lễ” gần như bắt buộc đối với những học sinh sắp rời ghế nhà trường. Trào lưu này hot tới mức khiến người ta ví von: Song hành với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong năm thì mùa kỷ yếu bây giờ còn sôi động hơn cả… mùa cưới. Bởi cứ đến dịp kỷ yếu là trên mạng rậm rịch trước cả tháng. Thư mời chụp ảnh, công tác chuẩn bị sôi động chẳng khác gì dân tình đón Tết.
Lưu lại những thời khắc cuối cùng của cuộc đời học sinh bùng cháy, trong sáng là nguyện vọng chính đáng của giới trẻ. Thậm chí nhiều người đã bước qua cuộc đời học sinh rất lâu cũng ước giá như một lần được cùng đám bạn học ghi lại những kỷ niệm theo cách này.
Tuy nhiên, những gì mà các bạn học sinh thể hiện trong vụ việc này vô tình khiến cho nhiều người có cái nhìn ác cảm về việc chụp kỷ yếu. Từ khoảnh khắc lưu giữ quãng thời gian tươi đẹp nhất, biến thành một cuộc cãi vã không đáng có. Hi vọng, trong tương lai khi nhắc về hai từ “kỷ yếu”, chúng ta sẽ chỉ nhận được những câu chuyện vui vẻ, những bộ ảnh độc đáo, sáng tạo thay vì những cuộc cãi vã như trên!