Không còn hàng quán, thức ăn giao tận nhà, nhiều người trẻ sống một mình ở TP.HCM đang phải tự vào bếp, học cách nấu ăn qua Internet hoặc những cuộc điện thoại với người thân.
Sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 (ngày 9/7), hàng quán đóng cửa, không bán thức ăn mang đi, các app giao đồ thông báo tạm dừng hoạt động. Nhiều người trẻ vốn quen với việc ăn ngoài vì nhanh gọn, đỡ mất thời gian, nay phải học cách tự nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn cho chính mình.
Chia sẻ với Zing về lần đầu vào bếp, một số người kể những “tai nạn” dở khóc dở cười, trong khi số khác tỏ ra bất ngờ vì phát hiện năng khiếu bếp núc của mình.
Thế nhưng, cho dù có chán ghét hay yêu thích, thất bại hay thành công với trải nghiệm nấu ăn lần đầu, tất cả đều đang cố gắng học cách tự lập, làm quen với cuộc sống không có thức ăn nhanh và ứng dụng giao bữa trưa, bữa tối đến tận nhà.
Chăm chỉ làm đồ eat clean
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Huyền Thy (sinh viên, quê Tiền Giang) mắc kẹt tại TP.HCM từ đầu tháng 6. Thy đang ở trọ tại quận 1, do lệnh phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7 nên cô phải tự nấu ăn tại nhà.
“Bình thường, lịch học và công việc làm thêm khá bận rộn nên mình chủ yếu ăn uống ở ngoài. Những ngày giãn cách, có nhiều thời gian hơn nên mình mới thường xuyên vào bếp. Đa số món ăn mình học từ mẹ hoặc mày mò theo công thức trên mạng. Liên tục ở trong phòng khá bí bách nên nấu ăn giúp mình xả stress và vui vẻ hơn”.
Suốt thời gian dài không vào bếp nên khi bắt đầu nấu ăn trở lại, Thy nêm nếm không chuẩn, phải vài ngày sau cô mới quen với cách gia giảm gia vị.
Thường xuyên nấu nướng, thử nhiều món khác nhau trong những ngày giãn cách giúp tay nghề nấu nướng của cô được “nâng tầm”.
“Hết giãn cách chắc mình đi làm đầu bếp được luôn”, Thy nói vui.
Thy thích nhất nấu cánh gà chiên nước mắm, đó cũng là món cô làm mà cả nhà đều thích. Mới đây, cô học thêm được món cánh gà rim coca.
“Phải ở trong nhà, ít được vận động nên mình lựa chọn nấu các món ăn lành mạnh, ăn nhiều rau củ và hạn chế tinh bột. Mình hay mày mò các công thức trên mạng nên học được khá nhiều món hay. Thỉnh thoảng mình cũng nấu những món yêu thích chứ không hẳn là ăn kiêng nghiêm ngặt”.
Thy kể nhà ở Tiền Giang cũng nằm trong vùng phong tỏa vì dịch nên gia đình cô không gửi được đồ ăn lên cho con gái. Thời gian này, để hạn chế phải ra đường, cô thường mua thực phẩm đủ cho một tuần.
“Mình chỉ mong dịch sớm được kiểm soát. Chúc Sài Gòn sớm khỏe lại”.
“Học nấu ăn trên mạng không dễ”
Sống xa nhà hơn 7 năm nhưng Minh Châu (sinh năm 1993) cho biết số lần anh vào bếp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây ở trọ cùng bạn, Châu chỉ lo việc rửa bát. Còn sau khi đi làm, chuyển ra sống một mình, anh chủ yếu ăn ngoài vì không có thời gian đi chợ, nấu nướng.
“Nhà mình chỉ có một nồi cơm điện, một cái chảo, một nồi nhỏ và vài cái bát ăn cơm. Những món mình biết làm chủ yếu là chiên và luộc”, Châu nói.
Nhân viên văn phòng 28 tuổi này không thích vào bếp nên chưa từng có ý định học nấu ăn. Anh nói thêm công việc bận rộn, ngày làm 10 tiếng càng khiến anh xa rời căn bếp.
“Đợt giãn cách nay đúng là cú sốc lớn với mình. Hàng quán đóng cửa, app giao đồ ăn dừng hoạt động, làm việc tại nhà… Mình chỉ còn hai lựa chọn một là ăn mì gói, hai là tự lăn vào bếp”.
Biết con trai bắt đầu tự nấu ăn, bố mẹ Châu ở quê gửi cho anh khá nhiều thịt, cá, rau củ. Thực phẩm tươi sống đều đã được mẹ Châu làm sạch, cắt vừa ăn, một số tẩm ướp sẵn gia vị.
“Mình có gọi điện về hỏi mẹ cách nấu nhưng nói qua điện thoại thực sự mình không hiểu lắm. Thế là mình quyết định lên mạng tìm các clip nấu ăn để làm theo”, Châu chia sẻ.
Tuy nhiên việc học nấu ăn online không dễ như chàng trai 28 tuổi tưởng tượng. Chưa kể, Châu còn thiếu nhiều dụng cụ nấu ăn nên chỉ có thể làm đại khái một vài món đơn giản.
“Thịt kho, cá kho dù đã làm theo đúng hướng dẫn, bấm giờ để canh thời gian, mình cũng không thể làm được ra đúng cái màu, cái vị ưng ý. Chắc là học nấu ăn trên mạng cũng phải có khiếu mới làm theo được. Thế là mình lại trở về với mấy món chiên, luộc. Tuy không đẹp mắt nhưng vẫn dễ làm, dễ ăn hơn”.
20 mâm cơm từ tình thương của mẹ
Nguyễn Thị Kim Ngoan (sinh năm 1995) vốn rất yêu thích nấu ăn. Tuy nhiên, từ ngày đi làm ở TP.HCM, cô chủ yếu ăn cơm ngoài vì không có thời gian vào bếp.
“Nhiều khi mình cũng thèm mâm cơm dân dã mẹ nấu nhưng bận quá và cũng nghĩ bản thân làm sao nấu ngon như vậy, nên phải chờ đến khi có dịp về quê mới được thưởng thức”, Ngoan nói.
Tuy nhiên, từ ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cô gái 26 tuổi phải tìm cách xoay xở, tự lo bữa ăn khi các nhà hàng đóng cửa, app giao thức ăn cũng tạm dừng hoạt động.
“Giống như nhiều phụ huynh khác, cha mẹ mình ở Tiền Giang cũng gửi lên rất nhiều thức ăn, phải nói là gần bằng cái chợ quê luôn. Từ thịt cá, rau xanh, trái cây cho đến gia vị, hành tím, tỏi ớt… đều đủ cả. Một nửa là đồ nhà mình trồng được còn một nửa là mẹ ra chợ mua để gửi lên”.
Đáp lại tình cảm của bố mẹ, Ngoan quyết tâm vào bếp nấu ăn đàng hoàng 3 bữa/ngày rồi chụp ảnh gửi về cho gia đình yên tâm. “Mình không hiểu nhiều về dinh dưỡng mà nguyên liệu mẹ gửi nên ưu tiên cái nào dễ hư thì nấu trước, ăn trước. Lúc chế biến thức ăn chỗ nào không biết thì gọi về hỏi mẹ”.
Sau vài tuần tự nấu ăn, Ngoan nhận thấy tay nghề của mình cũng tiến bộ rõ rệt. “Ban đầu, mình nấu nhiều món còn bị khét, ăn không được. Nhưng nấu dần cũng lên tay, được bạn ở chung và mẹ khen rất nhiều”.
Dù vậy, sau 3 tháng chưa về quê, Ngoan giờ đây chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cô có thể trở về ăn bữa cơm gia đình đúng nghĩa. “Nấu ngon cỡ nào thì cũng không thể sánh bằng đồ ăn của mẹ, của bà làm. Hy vọng Sài Gòn sẽ sớm khỏe lại, mọi người có thể về quê, đoàn tụ người thân”.
Nấu cơm tặng hàng xóm
Do lệnh phong tỏa toàn thành phố, Vy (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) tạm nghỉ ở nhà. Cô nói suốt một tuần qua, tập thể dục và nấu ăn là niềm vui duy nhất của mình.
“Buổi tối trước khi đi ngủ, mình nghĩ nhiều nhất đến việc ngày mai sẽ nấu món gì mới. Đến lúc làm hết các món ‘hot trend mùa dịch’ năm ngoái như cà phê dalgona, trứng ngâm tương, cà tím nướng, mình lại lên mạng xem công thức món mới. Gần đây mình học làm trứng cút rim”.
Nhưng vì đang ăn theo chế độ eat clean để giảm cân, nhiều món ăn nấu xong đều được Vy mang đi… phát cho hàng xóm.
“Những người ở cạnh phòng trọ đều thích thú khi thử mấy món ăn mình làm. Các chị còn nói đùa mùa dịch này chỉ cần nấu một nồi cơm thôi còn đồ ăn thì đợi Vy tặng. Đổi lại, mọi người thường cho mình rau để ăn kiêng. Vài niềm vui nho nhỏ vậy thôi cũng khiến mình bớt căng thẳng vì dịch”.
Khó khăn lớn nhất của Vy khi nấu ăn là lúc đi mua nguyên liệu. “Nhiều lúc muốn thử món mới mà trong tủ lạnh không có sẵn đồ, mình lại phải đi mua. Chợ đã đóng gần hết, siêu thị lại quá đông nên mình cũng sợ phải ra ngoài. Vì vậy, mỗi lần đi siêu thị mình cố gắng mua thêm một số nguyên liệu để nấu ăn dần trong những ngày giãn cách tiếp theo”.