Nhịp sống hối hả, bộn bề khiến người ta muốn nhớ về tuổi thơ xưa cũ với những không gian nho nhỏ thân thuộc.
Giữa nhịp sống hối hả với bao bộn bề khiến chúng ta dễ bị stress, bí bách bởi những chuyện vụn vặt nhỏ nhặt. Những lúc ấy, người ta chắc hẳn thèm lắm những kỉ niệm thuở nhỏ xưa cũ.
Tất nhiên thời gian thì không thể quay ngược lại được, nhưng nếu muốn được hoài niệm, bạn có thể tạm thời “đi trốn” trong những quán cà phê đậm nét ở Hà Nội dưới đây.
Căng tin 109
Nằm bé tẹo dưới chân một dãy nhà trong Khu tập thể Bộ Công An, Căng tin 109 không được rộng rãi và lộng lẫy như nhiều quán cà phê bây giờ. Nhưng bù lại, với những người ưa hoài cổ thì góc nhỏ nào ở đây cũng dễ thương khỏi bàn. Biển hiệu là chiếc bảng gỗ, viết to và rõ ràng tên “Căng tin một linh chín”.
Mái tôn cùng nền tường vàng gợi nét đặc trưng của những khu tập thể cũ, không ít chỗ đám rêu xanh đã thi nhau mọc lên. Quán bé, chỉ kê được vài bộ bàn ghế gỗ, nhưng lại có đến hai cửa sổ song sắt sơn xanh lá đón nắng.
Đến đây, bạn còn có thể tìm được những món ăn khiến người ta không thể không nhớ về tuổi thơ. Ấy là mì tôm trẻ em, ô mai phân chuột, hộp xê trái tim nho nhỏ. Trên kệ sách vốn là chiếc thang tận dụng lại, là cả bộ truyện Dấu ấn rồng thiêng, 7 viên ngọc rồng “sờn gáy cũ mèm”. Ký ức lại càng ùa về khi bạn được nghe các ca khúc đình đám một thời của Westlife, Backstreet Boys, Lam Trường, Cẩm Ly…
Cư Xá
Lần đầu tiên đến đây, có lẽ mọi người sẽ khá lúng túng để tìm được lối lên quán. Bởi đúng như nếp sống trong những khu tập thể xưa cũ, mọi thứ ở nơi đây đều chẳng hề to lớn. Vòng qua hành lang lát gạch men cũ kĩ vốn phổ biến từ thời bao cấp, thời gian như quay ngược lại thuở còn nhỏ. Góc kia đặt chiếc ti vi, máy khâu cũ, góc này lại thú vị với loạt búp bê Nga xinh xắn. Trên tường là túi y tế thân quen đến lạ, lại thêm cả áo, mũ của bố. Đến cả hoa cắm trong lọ cũng là hoa cúc dại đẹp mộc mạc mà thân thương vô cùng.
Khoảng ban công rộng hướng về trường tiểu học và trung học cơ sở Khương Thượng cũng là điểm đắt giá nhất của Cư Xá. Khách tới đây, ngồi tại góc ban công, khó mà không hồi tưởng lại tuổi thơ.
Những trưa hè trông nhà một mình, hết chơi máy điện tử 4 nút, lại đọc truyện, thổi bóng hay thơ thẩn ngắm hè phố, chỉ mong bố mẹ về thật sớm mua cho chút kẹo C Thái hay mì trẻ em.
Đinh
Đinh nằm trên gác hai của một căn biệt thự Pháp cổ. Muốn đi lên quán, phải qua một hàng bán túi xách rồi đi qua chiếc cầu thang cũ kỹ đã nhuộm màu thời gian.
Bên trong quán chẳng rộng rãi nhưng ấm cúng thân thuộc. Bàn nhỏ, ghế nhỏ với nhiều tranh ảnh, đồ đạc trang trí cũng đượm dấu vết tháng năm. Đắt giá nhất có lẽ là khoảng ban công hướng ra Hồ Gươm. Ngồi nơi ấy nhìn dòng người phía dưới, dễ có cảm giác mình ở ngoài dòng chảy thời gian.
Bao Cấp
Đúng như tên gọi, Bao Cấp là một quán cà phê mang đậm phong cách những năm 76 – 86. Không gian yên tĩnh như một căn hộ tập thể hoàn chỉnh ngày trước, chỉ khác là mỗi góc nhà lại được gắn với một cái tên lạ lẫm như “phố Vui”, “Quầy mậu dịch”… có chút thú vị và vui mắt.
Do chủ quán từng học mỹ thuật, nên dù chật nhưng cách bày trí trong quán rất tinh tế. Tông vàng nhạt pha trắng kết hợp với màu nâu gỗ tạo nên nét trầm lắng đọng. Rải rác là những món đồ cổ như bộ bàn ghế gỗ thô, chiếc gối làm bằng vỏ “chăn con công” rực rỡ đặc trưng. Ti vi đen trắng, đồng hồ cũ hay những chiếc đèn chụp hắt sáng heo hắt đều gợi lên rất nhiều nỗi xao xuyến về một thời đã xa.
Cộng cà phê
Chẳng phải tự nhiên mà Cộng lại nổi tiếng và phổ biến trong giới trẻ Hà Nội đến vậy. Có lẽ giữa phố phường nhộn nhịp, người ta lại thèm được hít hà cái không khí cũ kỹ đậm chất “lính” những ngày ấy. Mỗi cơ sở của Cộng, dù nằm trên tuyến phố nào, đều thân thuộc như ngôi nhà xưa của người họ hàng thân quen.
Các vật dụng tưởng chừng đã biến mất từ lâu được sắp đặt một cách khéo léo, từ chiếc ghế cắt tóc, đồng hồ báo thức, đèn báo, bàn máy khâu đã hỏng, đến chiếc ghế gỗ sơn xỉ đã bong tróc…
Trên tầng các quán đều có những ô cửa thoáng để mọi người có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm phố phường, trốn khỏi những chuyện vụn vặt bộn bề.