Với mỗi tác phẩm văn học Việt Nam được trích dẫn trong MV mới, Hoàng Thùy Linh đã có một chút biến tấu đầy đáng yêu.
Chỉ còn chưa đến 1 tuần nữa, kì thi THPT Quốc gia sẽ bắt đầu, là nơi hàng trăm nghìn “sĩ tử” bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời. Và MV “Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh đã xuất hiện không thể kịp lúc hơn – không chỉ là mang âm nhạc đến cho các bạn học sinh thư giãn, MV còn có tác dụng giúp cho các bạn ôn lại những kiến thức Văn học cấp 3 vô cùng quan trọng. Thật vậy, loạt tác phẩm: “Vợ nhặt”, “Vợ chồng A Phủ”, “Lão Hạc”, “Số đỏ”,… đã được đưa vào MV không thể nào duyên dáng, hài hước và ý nghĩa hơn.
Không chỉ đơn thuần là cắt ghép các nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm kinh điển đưa vào sản phẩm âm nhạc, thông qua đó, Hoàng Thùy Linh đã thể hiện một góc nhìn khác, đầy nhân văn, đồng thời cũng vạch ra một kịch bản tươi sáng hơn cho cuộc đời của những nhân vật trên.
Nếu như Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) hiện lên trong những lúc đầu là một cô gái cam chịu số phận, cả tuổi thanh xuân bị gò bó trong một góc nhà, bị ngược đãi, đánh đập bởi A Sử và nhà Thống lí Pá Tra. Mãi đến sau đó mới có những hành động vùng lên, mưu cầu hạnh phúc của riêng mình. Nàng Mị trong MV của Hoàng Thùy Linh lại không như vậy: ngay từ đầu cô đã nắm giữ vận mệnh của cuộc đời, xóa tan ngay bầu không khí u ám và nặng nề, hòa mình với thiên nhiên và con người Tây Bắc tràn đầy sức sống.
Nếu như trong “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã thành công trong việc khắc họa hiện thực tàn khốc của xã hội đương thời thông qua câu chuyện về Lão Hạc và Cậu Vàng, thì kịch bản MV đã vẽ nên một cuộc đời rất khác. Mị đã đến kịp thời và cứu Cậu Vàng không bị đánh bả, còn Lão Hạc thoát khỏi cái chết và nỗi ân hận nếu mất đi Cậu Vàng. Từ một câu chuyện có cái kết u ám, thể hiện sự phê phán hiện thực xã hội lúc bấy giờ, Hoàng Thùy Linh đã rẽ cái kết sang một hướng nhẹ nhàng hơn, ấm lòng hơn và cũng dễ thương hơn.
Nếu như “Chí Phèo” kết thúc trong bi kịch của những sự dở dang và cái chết, thì trong “Để Mị nói cho mà nghe”, cô đã âm thầm tác hợp cả hai nên duyên với nhau. Thông điệp ở đây rất rõ ràng: chính tình yêu, tình thương và sự đồng cảm chính là liều thuốc tốt nhất để hóa giải hận thù và cảm hóa con người.
“Vợ nhặt” lấy bối cảnh trong nạn đói kinh hoàng năm 1945, với sự tang thương và đói kém bao trùm lấy từng con chữ trong tác phẩm. Với sự hóm hỉnh và tinh nghịch, Hoàng Thùy Linh đã giúp anh Tràng có được thêm niềm tin, sự hi vọng cũng như niềm vui trong cuộc sống, là động lực để anh tiếp tục sống tốt, đưa gia đình vượt qua cơn hiểm nghèo.
“Tắt đèn” của Ngô Tất Tố kết thúc bằng cảnh chị Dậu chạy ra màn đêm tăm tối, “tối như cái tiền đồ của chị” sau khi bị một tên quan lớn cưỡng bức. Trong MV, nhân vật chính đã đưa một cánh tay ra cứu chị Dậu, giúp chị thoát khỏi cảnh tủi nhục, kịp thời chạy thoát để mơ về một tương lai tươi sáng hơn.
Lúc này, chuyển sang cảnh phố thị Hà Nội những năm đầu thế kỉ 20, kịch bản MV thậm chí còn cho cả chị em Thúy Kiều – Thúy Vân xuất hiện chớp nhoáng như một “trứng phục sinh”. Hi vọng rằng, trong một thế giới khác, Kiều đã không phải bán mình chuộc cha, để rồi mãi mãi không có tấn bi kịch phụ nữ như của nàng, làm thổn thức tấm lòng bao người.
Xuân Tóc Đỏ là một nhân vật mang đầy tính châm biếm trong tác phẩm “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Hình ảnh cô Mị “né đẹp” sự ve vãn của tên này như một lời cảnh tỉnh: những kẻ hào hoa, phong nhã, miệng lưỡi đường mật, bề ngoài giàu có chưa chắc là đáng tin.
Cảnh cuối cùng ghi nhận các nhân vật trong những tác phẩm văn học đoàn tụ trong sự hạnh phúc, không còn khổ đau, không còn kẻ xấu, tất cả đã được bỏ lại sau lưng. Chẳng phải đó cũng chính là ước mơ thầm kín của chúng ta ngày trước: mong muốn những nhân vật mệnh khổ trên có được một cái kết hạnh phúc sao?