“Có những lúc, tôi không thở được, gần như nghẹt thở trong cái đất Sài Gòn này…”, MC Quyền Linh chia sẻ.
Mới đây, tại tập đầu tiên của chương trình Ký ức tươi đẹp, MC Quyền Linh đã chia sẻ nhiều điều về 10 năm khó khăn tưởng chừng không sống nổi của mình ở Sài Gòn.
Tôi không thở được, gần như nghẹt thở trong cái đất Sài Gòn này
Cách đây 30 năm, không có cơ hội cho các bạn trẻ làm việc. Khi một chàng trai ở dưới quê lên thành phố xin việc như tôi thì khó lắm. Cái khó như vận vào cuộc đời tôi, đeo bám tôi mãi mãi, không bao giờ dứt.
Sài Gòn là một mảnh đất màu mỡ, nhưng vô cùng khó khăn, dễ thì rất dễ mà khó thì rất khó. Với tôi những năm tuổi trẻ là vô cùng khó, khó tới mức tưởng chừng như không thể nào trụ nổi ở đất Sài Gòn.
Tôi một thân một mình, không nhà không cửa, không bạn bè, không người thân, không tiền bạc. Tất cả đều là không hết.
Hồi ở dưới quê, tôi cứ nghĩ Sài Gòn là thiên đường. Lên đây tôi mới biết, Sài Gòn không phải thiên đường, mà là địa ngục, vì nó quá gian khó, không có gì để bám trụ được. Nó dồn tôi gần như vào bước đường cùng.
Có những lúc, tôi không thở được, gần như nghẹt thở trong cái đất Sài Gòn này. Mặc dù nó lộng lẫy, giàu có như thế, nhưng phức tạp tới mức để vươn lên được là một chặng đường vô cùng khó.
Có những đêm, tôi thức trắng đêm. Tôi thức trắng đêm không phải vì không ngủ được, mà vì đói quá, không biết ngày mai mình sẽ sống thế nào đây.
Tôi bước tới, đứng cách xa 10m, người ta đã đuổi tôi
Nghệ thuật lúc đó còn manh mún lắm. Sân khấu khi ấy nổi lên đoàn kịch Kim Cương và đoàn kịch Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Hai đoàn kịch này dữ lắm.
Tôi không thể tưởng tượng mình có thể bước vào những đoàn kịch lớn như thế, giống như Thành Lộc, Khánh Hoàng, Thanh Hoàng, Đàm Loan… Đó chỉ là giấc mơ thôi.
Nói tóm lại, tôi sống trong một thế giới rất giàu có, nhưng chẳng có gì cả. Nó xa vời lắm. Không bao giờ tôi dám nghĩ một ngày nào đó sẽ được bắt tay anh Thương Tín, anh Nguyễn Chánh Tín, cô Kim Cương, anh Thành Lộc.
Có những đêm, tôi đếm gần như tất cả những con người đi qua con phố Sài Gòn, đêm từng gốc cây, từng ngõ ngách, từng cái hẻm ở Sài Gòn vì không biết làm gì cả. Tôi cứ đi rồi đếm mông lung như thế.
Thời ấy không phải như bây giờ. Để xin một việc làm vô cùng khó khăn. Ngày xưa có mấy cái vũ trường, tôi đến đó và thấy nó quá lộng lẫy. Toàn những con người xinh đẹp, mặc quần áo như công chúa, hoàng tử.
Nhưng tôi không thể bước vào được vì nhìn con người tôi, chỉ cần bước tới là bị đuổi rồi. Tôi bước tới, đứng cách xa 10m, người ta đã đuổi tôi.
Tôi có nói với mấy anh bảo vệ là: “Anh có cách nào giúp em làm bảo vệ ở đây được không?”. Họ nói luôn: “Xin vào đây khó lắm, có tiền không?”.
Tại sao bây giờ tôi vẫn mang đôi dép tổ ong? Vì đó là kỉ niệm của tôi. Ngày xưa, đôi dép tôi đi còn tệ hơn những đôi tổ ong bây giờ.
Tôi cứ đứng nhìn người ta ăn cháo trắng mà nước miếng chảy ra
Ranh giới giữa thiện và ác mong manh lắm, nếu đứng không vững thì có thể trở thành một đối tượng xấu nào đó, như cướp giật, chém giết, lưu manh.
Nhưng với tôi, gia đình là một điểm tựa rất lớn. Tôi luôn nghĩ về điều đó. Nếu tôi trở thành người xấu thì gia đình tôi sẽ như thế nào? Tôi sẽ đối mặt với gia đình ra sao?
Trong phim Đồng tiền xương máu có một chi tiết là anh chàng kĩ sư đó đói quá, mới giật một cái bánh ú của người ta. Anh ta vừa chạy vừa ăn. Khi người ta bắt được thì anh vô cùng xấu hổ. Tôi y chang như thế.
Tôi nhớ, có lần tôi đến một quán cháo trắng trên đường Hành Xanh. Lúc đó là 3 giờ sáng, chỉ có mình tôi lang thang, không biết chỗ nào ngủ vì kí túc xá đã đóng cửa rồi. Tôi thấy cháo ngon quá, bản thân tôi cũng đói quá, mà không còn tiền.
Tôi cứ đứng nhìn người ta ăn cháo trắng mà nước miếng chảy ra. Tôi ước giá mà bây giờ có được một tô cháo.
Không biết làm sao, nhưng sau một lúc đứng nhìn, tôi quyết định vào xin. Tôi nói với chị bán hàng rằng: “Chị có thể cho em xin một tô cháo được không?”.
Chị ấy nhìn tôi rồi bảo : “Cứ từ từ đợi chị bán hết, khi nào không còn khách thì chị cho em. Chứ chị bán cháo cũng nghèo, đâu có tiền đâu”.
Thế là tôi ngồi chờ tới nửa đêm. Tôi ngó vào nồi cháo thấy cứ cạn dần, tới mức không còn gì nữa. Tôi lo quá, bảo chết rồi, không còn gì để ăn cả.
May quá, cuối cùng cháo nó két. Tới lúc đó không còn ai mua nữa. Lúc đó, chị bán cháo mới bảo: “Được rồi, mày vào ăn đi”.
Tôi biết ý, vào phụ rửa chén với chị rồi vớt hết cháo khét còn trong nồi ra ăn, ngon vô cùng tận. Tôi ăn nốt hai bát dưa mắm còn lại, mà thấy ngon hơn cả yến sào, sơn hào hải vị.
Tôi ăn tới tận cháo khét cuối cùng và thấy tuyệt vời quá, không ngờ cháo lại ngon đến như thế. Sau đó, tôi trở thành người phục vụ cho chị bán cháo. Đó là công việc đầu tiên tôi làm ở Sài Gòn.
Chỉ cần đứng gần, họ đã tưởng là trộm cướp, nghiện ngập, không muốn cho tôi tiếp cận
Tôi cứ sống khó khăn như vậy tới tận 10 năm liền. Có thời điểm khó khăn tới mức tôi nghĩ mình không thể tồn tại ở đất Sài Gòn nữa.
Tất cả hình ảnh Sài Gòn đều nằm nguyên trong đầu tôi, từ những con đường, góc phố, con người.
Ở Sài Gòn, ai dậy sớm tôi biết hết, vì tôi thức trắng với nó. Nhưng tiền và công việc không bao giờ đến với tôi ở đất Sài Gòn này. Tôi đã học xong rồi, nhưng không bon chen nổi. Thời đó, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Lý Hùng… đã quá nổi tiếng. Tôi không thể nào chen được một bước chân vào.
Nói thật, thời điểm đó, tôi muốn xách dép cho họ cũng không được. Con người tôi cứ đến gần người ta 10 mét là bị đuổi đi rồi.
Ngày xưa, tôi được mệnh danh là Linh ống hút, vì gầy như cái ống hút. Chỉ cần đứng gần họ đã tưởng là trộm cướp, nghiện ngập, không muốn cho tôi tiếp cận.
Vì thế, tôi quyết định rời Sài Gòn để về quê, tiếp tục làm người nông dân bình thường. Nhưng sau một thời gian quanh quẩn với ruộng lúa, đồng cỏ, Sài Gòn lại hiện về trong nỗi nhớ của tôi.
Tôi nhớ Sài Gòn như nhớ người yêu của mình vậy. Sài Gòn lặng lẽ, ồn ào, vào trong trái tim, là mạch máu của tôi, vướng cả vào trong máu, trong tim tôi. Thế là tôi lại quyết định trở về Sài Gòn với hai bàn tay trắng để tiếp tục cuộc sống.